Nhìn nhận lại nền kinh tế Việt Nam sau trận bão Yagi
'Việt Nam cần có những chuyển đổi căn bản trong nền kinh tế để ứng phó hiệu quả với thiên tai và biến đổi khí hậu. Những chuyển đổi này không chỉ là sự lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ cuộc sống của người dân', PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Bão Yagi sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng
KTSG: Theo những thống kê ban đầu, trận bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng tới các hạ tầng đường sá, cơ sở sản xuất, diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy hải sản của nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Ông đánh giá như thế nào về mức độ thiệt hại và tác động của nó tới tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam?
– PGS.TS. Phạm Thế Anh: Bão Yagi được các cơ quan chức năng ghi nhận là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong nhiều thập kỷ gần đây. Bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã và đang gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh miền Bắc. Cho tới nay, chúng ta chưa đưa ra được ước tính chính thức về tổng thiệt hại vật chất ở tất cả các địa phương nhưng có lẽ con số phải lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng, khoảng 1% GDP. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của bão Yagi đến tăng trưởng kinh tế còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực, có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, cơn bão làm giảm sản lượng nông nghiệp và thủy sản. Nông nghiệp là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai. Bão lũ đã gây ra thiệt hại lớn cho các vụ mùa, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, dẫn đến giảm sản lượng và chất lượng nông sản trên diện rộng. Tương tự như vậy, sản lượng thủy sản và phương tiện nuôi trồng và đánh bắt của các tỉnh ven biển như Quảng Ninh và Hải Phòng cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm mà còn làm giảm thu nhập, tài sản và gia tăng gánh nặng nợ nần cho người dân, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sản xuất trong thời gian tới.
Bão Yagi cũng làm hư hại, ngập lụt, mất điện, gây gián đoạn cho nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp. Những ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp như chế biến thực phẩm, dệt may cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, các hoạt động du lịch, vận tải, thương mại bị đình trệ do cơ sở hạ tầng bị hư hại, giao thông bị chia cắt. Điều này làm giảm thu nhập của các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ và ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành này.
Ở chiều ngược lại, các hoạt động liên quan đến việc cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão sẽ giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các cơ sở sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến ở các vùng không bị ảnh hưởng sẽ gia tăng công suất để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung hàng hóa ở vùng bị thiệt hại. Đặc biệt, Chính phủ sẽ phải dành một lượng lớn ngân sách cộng với sự hỗ trợ tài chính từ người dân và doanh nghiệp trong cả nước để khắc phục hậu quả thiên tai, như hỗ trợ người dân bị thiệt hại, tái thiết cơ sở hạ tầng… – điều này có thể thúc đẩy các hoạt động tiêu dùng và đầu tư liên quan và làm giảm bớt tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế.
Nhìn chung, bão Yagi sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm quy mô và tốc độ phục hồi của các ngành kinh tế bị ảnh hưởng, và điều này lại phụ thuộc vào sự chung tay của cộng đồng và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
KTSG: Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng cảnh báo thiên tai có thể “thổi bay” hàng tỉ đô la tăng trưởng của Việt Nam mỗi năm, đồng thời khuyến nghị Việt Nam cần có cách tiếp cận mới trong phát triển kinh tế, nhằm hạn chế tối đa tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu… Ông nhìn nhận về quan điểm này như thế nào? Đã đến lúc Việt Nam nên có những chuyển đổi trong nền kinh tế để ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu hay chưa và chúng ta đã có những động thái cụ thể như thế nào?
– Cảnh báo của WB hay IMF về tác động tiêu cực của thiên tai đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn chính xác và đáng báo động. Việt Nam, với địa hình và khí hậu đặc thù, luôn phải đối mặt với rủi ro cao từ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Những cơn bão như Yagi chỉ là một ví dụ điển hình cho thấy tác động tàn khốc của thiên tai đối với nền kinh tế.
Việt Nam cần có những chuyển đổi căn bản trong nền kinh tế để ứng phó hiệu quả với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những chuyển đổi này không chỉ là sự lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ cuộc sống của người dân. Việt Nam đã có những động thái ban đầu trong câu chuyện này nhưng như thế là chưa đủ. Những động thái tích cực của Việt Nam gần đây bao gồm: tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, tăng cường cam kết và hợp tác quốc tế, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm…
Trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng được một khung pháp lý hoàn chỉnh và các chính sách cụ thể khuyến khích các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chính sách này phải được gắn với lợi ích của doanh nghiệp và người dân để họ tự nguyện thực hiện. Ví dụ, Chính phủ có thể sử dụng trợ cấp khuyến khích phát triển nông nghiệp bền vững như trồng các giống cây chịu hạn, chịu ngập, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến giúp nông dân giảm thiểu rủi ro và tăng năng suất, hay khuyến khích thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường đầu tư vào các công trình hạ tầng ứng phó với thiên tai như đê điều, hệ thống thoát nước, nhà ở, cơ sở hạ tầng an toàn chống chịu được bão lũ, ngập mặn; đầu tư cho nghiên cứu về biến đổi khí hậu, đánh giá rủi ro thiên tai, và tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới để thích ứng với biến đổi khí hậu; và đặc biệt là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào tài nguyên sang dựa vào đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường.
Cách tiếp cận hướng tới tương lai
KTSG: Việt Nam nên có cách tiếp cận như thế nào trong chuyển đổi nền kinh tế ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu? Những điểm chính mà chúng ta cần lưu ý là gì?
– Là một quốc gia đang phát triển phải đối mặt với những thách thức và cơ hội trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam phải cân bằng được giữa tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường. Có một số cách tiếp cận mà Việt Nam có thể tham khảo và thực hiện như các nước trên thế giới đang làm như sau:
Đầu tiên là thích ứng, bao gồm việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống chịu biến đổi khí hậu, như các tòa nhà chống lũ, hệ thống cảnh báo sớm và quản lý nước tốt hơn; thích ứng trong sản xuất nông nghiệp thông qua việc thúc đẩy các thực hành nông nghiệp bền vững, như nông lâm kết hợp, đa dạng hóa cây trồng và nông nghiệp thông minh, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và khả năng phục hồi; bảo vệ vùng ven biển, bao gồm đê chắn sóng, khôi phục rừng ngập mặn nhằm giảm nguy cơ xói mòn bờ biển và xâm nhập mặn.
Thứ hai là phải giảm thiểu được tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thậm chí là điện hạt nhân, nhằm giảm lượng khí thải nhà kính và cung cấp nguồn năng lượng sạch; nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp, giao thông và hộ gia đình nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải; bảo tồn và khôi phục rừng nhằm giảm nguy cơ sạt lở và giúp hấp thụ CO2 từ khí quyển.
Thứ ba là tiếp tục hợp tác và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước phát triển và các tổ chức quốc tế về tài chính và công nghệ nhằm hỗ trợ các nỗ lực thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời xây dựng năng lực của cộng đồng địa phương và Chính phủ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua các chương trình đào tạo và giáo dục.
Để các cách tiếp cận trên đạt được hiệu quả cao, Việt Nam cần xây dựng được chiến lược với các kế hoạch hành động toàn diện và cụ thể. Chính sách và quy định phải khuyến khích được hành vi thân thiện với khí hậu và giảm lượng khí thải. Đồng thời, Việt Nam cũng phải thúc đẩy được sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quy hoạch và thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo đáp ứng nhu cầu và ưu tiên của họ.
KTSG: Công cuộc chuyển đổi xanh trên thế giới đang có dấu hiệu chững lại, do sự suy giảm kinh tế nói chung và sự thay đổi chính sách của từng quốc gia nói riêng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam theo mục tiêu trên như thế nào? Việt Nam có thể tự chủ phần nào trong quá trình nói trên hay không?
– Việc chuyển đổi xanh toàn cầu gặp phải những thách thức mới, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế suy giảm và sự thay đổi chính sách của nhiều quốc gia. Những tác động này bao gồm việc giảm đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ xanh tại Việt Nam, giảm hỗ trợ tài chính và các khoản vay ưu đãi cho các dự án xanh, hay sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu đối với các dự án.
Tuy nhiên, thách thức chính đối với quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam vẫn đến từ môi trường trong nước. Việc thiếu một khung chính sách rõ ràng, minh bạch và ổn định lâu dài dẫn đến không khuyến khích được đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và các ngành công nghiệp ít tác động đến môi trường.
Một số tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới sau khi cam kết đã rời bỏ Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp trong nước năng lực còn hạn chế và một số đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu các ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xanh, hay thiếu nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi.
Nhìn chung, quá trình chuyển đổi xanh còn rất nhiều thách thức và Việt Nam cần chủ động thúc đẩy quá trình này bằng những cải cách thể chế để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xanh, đồng thời tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc phát triển thị trường trong nước, hợp tác quốc tế và thúc đẩy phát triển công nghệ và nguồn nhân lực.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhin-nhan-lai-nen-kinh-te-viet-nam-sau-tran-bao-yagi/