Nhìn ra thế giới: Hồi sinh vùng đất cằn thành nông trại xanh

Những mảnh đất cằn cồi. Những cao nguyên hoang sơ. Hay những vùng đất nông nghiệp bị khai thác và sử dụng quá mức, dần trở nên không còn sức sống…Vậy làm cách nào để hồi sinh những vùng đất 'chết', biến chúng trở nên xanh tươi và màu mỡ, mang lại những giá trị kinh tế cao cho người dân bản địa. Câu chuyện của cao nguyên Scotland (Anh) và thung lũng Sacramento (Mỹ).

Trả lại sự hoang dã cho cao nguyên Scotland

Ở rìa Cao nguyên Scotland có một điền trang rộng 5.500 mẫu Anh, gọi là Kildrummy. Nơi này gần đây đã được hai nhà phát triển bất động sản người Mỹ Christopher và Camille Bently mua lại. Và cặp vợ chồng này đã gia nhập vào hàng ngũ các “chúa đất xanh” – tức là những triệu phú và tỷ phú hiểu biết về khí hậu, mua đất ở Scotland và chuyển đổi cách thức quản lý.

Bà CAMILLE BENTLY - Người theo phong trào tái hoang dã: "Kildrummy trước đây là một khu săn bắn, nên nó thực sự được quản lý chặt chẽ để phục vụ mục đích đó.”

Trang viên ở đây được xây dựng vào năm 1901 để chủ yếu tổ chức các bữa tiệc săn gà gô. Do đó, những cánh đồng phủ đầy cây thạch nam đã bị đốt trụi để cải thiện điều kiện sinh sản cho gà gô, và những kẻ săn mồi của gà gô, chẳng hạn như cáo, bị săn và đặt bẫy.

Vợ chồng tỷ phú Bently đã mua lại điền trang Kildrummy với giá khoảng 15 triệu đô la, và quyết định cấm hoạt động săn bắn và đặt bẫy ở đây. Họ dự định sẽ biến khu đất này thành một vùng bán hoang dã, nơi các loài đang suy yếu được hồi sinh và bảo vệ.

Ông CHRISTOPHER BENTLY - Người theo phong trào tái hoang dã: "Ở phía bên kia đường, chúng ta có thể nhìn thấy đó là điền trang Glenkindie, hàng xóm của chúng tôi. Họ là một điền trang săn bắn, nhưng họ cũng quản lý đất đai của mình một cách khá thân thiện với môi trường. Điều đó thật tuyệt. Chúng tôi đang tìm cách khắc phục điều đó và nhân rộng điều đó ở đây, nơi bạn thấy vùng đồng hoang bị đốt cháy thường xuyên, và được quản lý theo cách này quá lâu.”

Cách đó không xa, một khu đất khác trước đây cũng là khu săn bắn có tên là Bunloit, gần đây đã được một chúa đất xanh khác mua lại. Ông Jeremy Leggett là một nhà vận động khí hậu kỳ cựu và là một tỷ phú làm giàu từ năng lượng mặt trời.

Ông JEREMY LEGGETT - Người theo phong trào tái hoang dã: "Sau 20 năm là một doanh nhân trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, tôi khởi nghiệp từ lúc mọi người còn bảo rằng, tôi là một kẻ mộng mơ phi thực tế và năng lượng mặt trời sẽ không bao giờ tạo ra năng lượng cho con người, nhưng cho đến bây giờ, mọi thứ đang dần thay đổi.”

Tỷ phú Leggett hy vọng, những nghiên cứu tại Bunloit sẽ thúc đẩy một cuộc cách mạng quản lý đất đai ở Scotland, đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng suy thoái khí hậu và sự sụp đổ đa dạng sinh học. Leggett đang nhắm tới mục tiêu thu giữ và lưu trữ carbon trong các khu đất ở điền trang Bunloit, từ đó giúp chống biển đối khí hậu.

Ông JEREMY LEGGETT - Người theo phong trào tái hoang dã: "Tôi nghĩ một trăm năm nữa, nếu chúng ta làm đúng, phần lớn Scotland sẽ trông giống như phần nhỏ này của Scotland ngày nay. Vì vậy, đây trên khu đất này, chẳng hạn, chúng ta có rừng sồi cổ thụ với những cây sồi hàng trăm năm tuổi. Đây gần như là vùng đất hoang sơ đúng nghĩa. Nhưng đó không phải là phần lớn cảnh quan Scotland. Hầu hết những cây sồi đó đã bị chặt phá. Phần lớn cảnh quan là một loại sa mạc ôn đới được tạo ra bởi hoạt động chăn nuôi cừu và chăn thả hươu quá mức.”

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các chúa đất xanh đã làm dấy lên các cuộc tranh luận về việc ai sở hữu đất của Scotland và họ đang làm gì với nó. Các nhà vận động cho biết, có khoảng 500 người sở hữu hơn một nửa đất đai tư nhân của Scotland, và nhiều người trong số họ là người nước ngoài.

Một số người chủ nông trang truyền thống tỏ ra nghi ngờ sâu sắc về những người ủng hộ việc tái hoang dã, trong đó có ông Jamie Williamson, 74 tuổi.

Ông JAMIE WILLIAMSON - Chủ nông trang truyền thống: “Những người đang thúc đẩy việc tái hoang dã này có xu hướng là những người gốc thành thị hoặc người nước ngoài đến đây. Họ có rất nhiều tiền, một số người trong số họ muốn bay lên Mặt trăng. Một số người trong số họ muốn đưa tất cả bạn bè của họ lên không gian. Những người khác muốn tái hiện lại một giai đoạn nào đó trong quá khứ.”

Ông Williamson điều hành Alvie & Dalraddy, một điền trang thao truyền thống, đang vật lộn để duy trì doanh thu từ việc săn bắn gà gô và hươu rình rập trong khi bao quanh là những dự án tái hoang dã. Ông cũng cho biết việc trồng rừng gỗ bản địa ở Scotland sẽ không ngăn cản được biến đổi khí hậu chừng nào nước này vẫn nhập khẩu gỗ giá rẻ từ nước ngoài.

Ông JAMIE WILLIAMSON - Chủ nông trang truyền thống:"Nếu chúng tôi thực sự đưa trở lại sản xuất thép và sắt của riêng mình và khôi phục lại các ngành công nghiệp gây ô nhiễm của chúng tôi, nhưng điều hành chúng hiệu quả hơn, thì chúng tôi thực sự có thể sẽ làm được nhiều việc hơn cho sự ấm lên toàn cầu hơn là khôi phục đất than bùn hoặc trồng cây phát triển rất chậm ở đây."

Gia đình nhà Bentlys cũng biết rằng, người dân bản địa Scotland có thể cảnh giác với những người Mỹ có các kế hoạch hoành tráng và giàu có.

Bà CAMILLE BENTLY - Người theo phong trào tái hoang dã: "Chắc chắn có một bộ phận những người có suy nghĩ như vậy, họ nghĩ rằng, ồ, những người Mỹ này đến, mua đất của Scotland và họ đang thay đổi mọi thứ mà chúng tôi vốn rất quen thuộc và yêu mến. Nhưng đó không phải là mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi ở đây bởi vì chúng tôi yêu thích nơi này và chúng tôi chỉ muốn trở thành một phần trong việc tạo ra những gì tốt nhất có thể có được, trong tương lai.”

Mặc dù vẫn còn tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận, những dự án tái hoang dã của các tỷ phú với đam mê chống biến đổi khí hậu, đang phần nào giúp hồi sinh những nông trang cằn cỗi tại Scotland, trả lại sự hoang dã và màu xanh tự nhiên vốn có cho những cao nguyên bạt ngàn nơi đây.

Hồi sinh những vùng đất ngập nước

Việc biến những vùng đất ngập nước thành trang trại hay những thành phố hiện đại – là một trong những kỳ tích vĩ đại hay tội ác môi trường của thế kỷ 20. Đến nay, đây vẫn là câu hỏi gây tranh cãi ở California, Mỹ, gây ra làn sóng phản đối của các nhà bảo vệ môi trường đối với hoạt động kinh doanh nông nghiệp. Tuy nhiên, tại thung lũng Sacramento, các nhà sinh thái học và nông dân trồng lúa đang phối hợp với nhau, nỗ lực bảo vệ vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn của sông Sacramento để làm môi trường sống cho cá hồi.

Trong một thử nghiệm dự kiến được thực hiện trong suốt một thập kỷ, các nhà sinh vật học đang thả cá hồi giống vào các cánh đồng lúa ngập nước, nhằm bảo tồn và nhân giống các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng đồng thời mang lại lợi ích cho mô hình sản xuất kinh doanh của nông dân địa phương.

Giáo sư ANDREW RYPEL - Đại học California Davis: “Quay ngược lại dòng thời gian, cách đây 300, 500 năm trước, toàn bộ nơi này là một vùng ngập nước khổng lồ. Và đây là môi trường sống mà cá hồi chinook, một sinh vật có vai trò rất quan trọng đối với California, sử dụng để hướng ra đại dương. Hiện nay rất nhiều môi trường sống đó đã biến mất, nhưng chúng tôi có 500.000 mẫu đất này: cánh đồng lúa tại California. Hầu hết lúa gạo ở Mỹ đều đến từ khu vực này và chúng tôi nghĩ rằng nó có thể hữu ích cho việc bảo tồn cá hồi. Vì vậy, chúng tôi đang nuôi cá hồi trong những môi trường sống này và làm việc với người dân địa phương để làm điều đó và cố gắng tìm ra nhân rộng mô hình này.”

Các nông dân địa phương đều hưởng ứng kế hoạch này, đồng thời hy vọng quần thể cá hồi sẽ phát triển khỏe mạnh, mang lại những lợi ích lâu dài trong tương lai.

Ông STEVEN NEADER - Nông dân trồng lúa: “Thử nghiệm này không ảnh hưởng đến hoạt động canh tác bình thường của chúng tôi. Chúng tôi thực sự hy vọng có thể làm gì đó để giúp ích cho quần thể cá hồi. Chúng tôi cảm thấy, nếu mình giúp được gì đó cho môi trường sinh thái thì chúng tôi rất sẵn lòng.”

Lần đầu tiên trong mùa đông năm nay, cá hồi Chinook được sinh sống tại vùng nước giàu sinh vật phù du của một trang trại trồng lúa, nơi chúng sẽ bơi bên dưới Cầu Cổng Vàng và sau đó bơi ra khơi, nhiều năm sau, chúng sẽ lại quay trở về đây để đẻ trứng. Mặc dù môi trường tự nhiên không thể phục hồi lại như trước, nhưng các đồng bằng ngập nước này có thể kết nối với các con sông. Và thật tình cờ, các nhà sinh vật học phát hiện ra rằng rơm rạ phân hủy đã tạo ra một loại nước giàu chất dinh dưỡng cho cá hồi, được gọi là "súp zoop”.

Giáo sư ANDREW RYPEL - Đại học California Davis: "Bạn chỉ cần múc nước lên, bạn sẽ thấy những con bọ nhỏ này bơi trong nước. Đó là những động vật phù du, và chúng phát triển tự nhiên từ rơm rạ trong những môi trường sống này. Và những động vật phù du đó giống như thức ăn của cá hồi chinook. Đó là một cách tuyệt vời để chúng tiếp thêm năng lượng trên đường bơi ra biển và trở thành những con cá hồi trưởng thành khỏe mạnh mà tất cả chúng ta đều muốn thấy."

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học California Davis đã phối hợp cùng Ủy ban Lúa gạo California và Bộ Nông nghiệp Mỹ trong nỗ lực nhằm đảo ngược tình trạng suy giảm quần thể cá hồi Chinook, do hạn hán ngày càng khắc nghiệt và hoạt động xây dựng các tuyến đường thủy mới.

Ông PAUL BUTTNER - Quản lý vấn đề môi trường, Ủy ban Lúa gạo California: "Ngành lúa gạo rất lo ngại về sự suy giảm quần thể cá hồi. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định đẩy mạnh và xem liệu chúng tôi có thể sử dụng đất đai của mình để góp phần phục hồi quần thể cá hồi hay không. Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng tôi tham gia vào kế hoạch này.”

Dự án nuôi cá hồi được thực hiện trên 2 trang trại trồng lúa có diện tích lên tới 389 mẫu Anh (157 ha), cách thành phố Sacramento khoảng 50 km về phía tây bắc, trong đó 1 trang trại có nhiệm vụ theo dõi quá trình sinh trưởng và di chuyển của cá hồi, trang trại còn lại sẽ cung cấp môi trường sinh sản tự nhiên cho cá hồi đề phòng trường hợp Sacramento bị ngập trong năm nay. Và các nghiên cứu sinh như chị Alexandra Wampler được giao nhiệm vụ theo dõi quá trình sinh trưởng của cá hồi trong các lồng nuôi. Sẽ có khoảng 18 con cá hồi con sinh sống trong một lồng nuôi, chúng ăn động vật phù du và lớn dần lên, hành trình cuối cùng của chúng là hướng ra biển khơi.

Chị ALEXANDRA WAMPLER - Nghiên cứu sinh tại Đại học California Davis: “Chúng tôi có nhiệm vụ kiểm tra các lồng cá thường xuyên. Chúng tôi sẽ kéo các lồng cá lên, đo kích thước và theo dõi quá trình di chuyển của chúng, thu thập các dữ liệu và sau đó lại thả chúng về lồng.”

Mặc dù thử nghiệm chỉ được tiến hành trên quy mô nhỏ, nhưng đây là lần đầu tiên cá hồi được sinh sản trong một trang trại trồng lúa theo cách mà các nhà bảo tồn hy vọng là có thể nhân rộng trên quy mô lớn hơn trong những năm tới.

Ông PAUL BUTTNER - Quản lý vấn đề môi trường, Ủy ban Lúa gạo California: "Điều thực sự quan trọng đối với chúng tôi là cố gắng làm những gì chúng tôi có thể làm đối với cá hồi trong thung lũng. Vì vậy những gì chúng tôi đang cố gắng là kích hoạt lại vùng ngập nước này và trả lại cho cá hồi vùng ngập nước mà trước đây chúng từng sinh sống.”

Những công trình được xây dựng trong thế kỷ 20 đã định hình lại các dòng chảy tự nhiên tại California. Điều này biến California trở thành tiểu bang lớn mạnh về kinh tế, nhưng cái giá phải trả là quần thể sinh vật bị suy giảm nghiêm trọng. Theo các nhà nghiên cứu, khoảng 83% loài cá nước ngọt của California đang suy giảm hoặc tuyệt chủng, bao gồm cả cá hồi Chinook.

Giáo sư ANDREW RYPEL - Đại học California Davis: "Điều quan trọng là vì chúng tôi đang mất dần các loài sinh vật, ước tính hiện tại của chúng tôi là khoảng 80% các loài cá bản địa ở California đang bị suy giảm nghiêm trọng. Và cá hồi cũng không ngoại lệ. Vì vậy, chúng tôi muốn làm điều gì đó. Chúng tôi 'không muốn chỉ ngồi im lặng trong khi các vụ tuyệt chủng xảy ra. Chúng tôi muốn sử dụng khoa học để tạo ra các chương trình thực sự có thể giúp ích."

Dự án này được lấy cảm hứng từ việc biến các cánh đồ lúa ngập nước thành môi trường sống cho vịt, ngỗng và các loài chim nước di cư tại Pacific Flyway, một hành lang Bắc-Nam nối Bắc, Trung và Nam Mỹ. Mặc dù không còn là những vùng đất ngập nước hoang sơ, nhưng nhờ sự nỗ lực của các nhà khoa học cùng nông dân địa phương, hy vọng, thung lũng Sacramento sẽ sớm trở lại là môi trường sinh sản lý tưởng cho cá hồi Chinook.

Thực hiện : Đinh Giang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-hoi-sinh-vung-dat-can-thanh-nong-trai-xanh