Nhìn ra thế giới: Robot hóa nền kinh tế - giải pháp cho thiếu hụt lao động
Trong thế giới công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, robot từ lâu đã trở thành tâm điểm chú ý và được xem như một động cơ tăng trưởng mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, robot đang tham gia ngày càng nhiều trong các lĩnh vực đời sống hàng ngày.
Hiện tại, hầu hết các robot được sử dụng trong các nhà máy đang làm những công việc lặp đi lặp lại, rất cụ thể, có định hướng chính xác. Và đó có thể không phải là những gì chúng ta thấy trong tương lai. Chúng ta nhìn thấy một tương lai nơi robot trở nên thông minh hơn, hữu ích hơn nhiều, và trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng thiếu hụt lao động do tỷ lệ sinh giảm mạnh ở nhiều quốc gia, cũng như những quan ngại về việc làm và tiền tệ gây khó khăn cho tiến trình phục hồi kinh tế, giải pháp robot hóa nền kinh tế, thông qua cuộc “cách mạng robot” được cho là phù hợp với xu thế của thời đại.
Tại Mỹ, nhiều cơ sở y tế đang triển khai ứng dụng công nghệ robot để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, trong bối cảnh ngành y quốc gia này đối mặt nhiều khó khăn khi thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng sau đại dịch COVID-19.
Tại Nhật Bản, nhiều đường ống thoát nước đã gần hết tuổi thọ 50 năm, nhưng tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng đã khiến các kỹ sư gặp khó khăn trong việc kiểm tra và bảo trì. Trong bối cảnh đó, Robot SPD1 có hình dáng giống nhện được sáng chế để giải quyết tình trạng này. Theo đó, Công ty chế tạo robot TMSUK của Nhật Bản đã tạo ra robot SPD1 cao khoảng 25 cm, nặng 3,5 kg, nhẹ hơn ít nhất 60 đến 70% so với hầu hết các robot thông thường, có 8 chân. Thiết kế này giúp nó di chuyển qua nhiều chướng ngại vật một cách dễ dàng, có thể chui vào các đường ống quá nhỏ mà con người không thể vào để kiểm tra.
Theo số liệu của Bộ Nhân lực Singapore, trong thời gian diễn ra đại dịch, nhân lực nước ngoài đã giảm gần 300.000 người đối với quốc gia 5,6 triệu dân này. Và kể cả khi đại dịch đã được đẩy lùi, nhiều lao động cũng không quay trở lại, đẩy đảo quốc Sư tử vào tình trạng “việc tìm người” trong một thời gian dài vừa qua. Trong bối cảnh khó khăn này, một điểm sáng nổi lên khi các doanh nghiệp ở Singapore nỗ lực đẩy nhanh tốc độ áp dụng công nghệ và tự động hóa. Nhiều doanh nghiệp đang dần chuyển sang triển khai robot để thực hiện nhiều công việc, từ dọn giá sách thư viện, giúp việc, phục vụ cafe cho tới khảo sát công trình xây dựng.
Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!
Thực hiện : Hồng Nhung Thu Ngoan