Nhìn ra thế giới: Vệ tinh SWOT tạo ra bước ngoặt trong lĩnh vực thủy văn học

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ đã nghiên cứu và triển khai hoạt động vệ tinh SWOT có trị giá lên tới 1,2 tỷ USD. Thiết bị này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong lĩnh vực thủy văn học trên thế giới.

Trước đây, giới nghiên cứu chưa thể đánh giá đúng về một trong các đặc tính nổi bật của đại dương: đó là các xoáy nước, với đường kính từ vài km đến hàng trăm km. Các xoáy nước được hình thành từ những dòng hải lưu lớn, có thể hấp thụ nhiệt lượng và khí C02 xuống những lớp đại dương sâu hơn. Đây chính là yếu tố để các nhà khoa học xây dựng thành công mô hình khí hậu giả lập. Tuy nhiên trên thực tế, các vệ tinh trước đây chưa thể quét được hình ảnh chính xác về những xoáy nước này.

Sự ra đời của vệ tinh SWOT được xem là sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong nghiên cứu thủy văn, vì có thể thu thập các dữ liệu khoa học quý giá về xoáy nước trên bề mặt Trái Đất từ không gian.

SWOT được vận hành bằng các pin năng lượng mặt trời do công ty Spectrolab thuộc sở hữu của Boeing chế tạo lên không gian. Vệ tinh khảo sát nước bao gồm một bộ 6 tấm pin năng lượng mặt trời, chứa 3.360 tế bào quang điện NeXt Triple Junction (XTJ) của Spectrolab. Vệ tinh này sẽ thực hiện khảo sát toàn cầu đầu tiên về nước trên bề mặt Trái Đất, đi sâu quan sát các chi tiết nhỏ của địa hình bề mặt đại dương và đo lường sự thay đổi của các vùng nước theo thời gian. Theo đó, những dữ liệu được tổng hợp từ các lần quét radar sẽ diễn ra ít nhất hai lần trong 21 ngày, điều này sẽ giúp cải thiện các mô hình lưu thông đại dương, tăng cường dự báo thời tiết và khí hậu, đồng thời hỗ trợ quản lý nguồn cung cấp nước ngọt khan hiếm ở các vùng bị hạn hán.

Thực hiện : Đinh Phượng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-ve-tinh-swot-tao-ra-buoc-ngoat-trong-linh-vuc-thuy-van-hoc