NHÌN RA THẾ GIỚI: Xanh hóa dệt may Bangladesh

Shefali Akter từng làm việc trong một nhà máy may mặc gần Dhaka, thủ đô Bangladesh, khi mới 19 tuổi. Song, cô chỉ trụ được một năm là phải nghỉ việc, trở về vùng nông thôn quê nhà ở phía Bắc đất nước vì công việc quá vất vả mà đồng lương lại bèo bọt. Vài năm sau quay lại Dhaka làm công nhân may cùng người chồng mới cưới, Akter không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi ngoạn mục ở một số nhà máy mà cô làm việc.

Cô gái 26 tuổi này cho hãng tin Reuters biết hiện cô làm việc tại nhà máy của Tập đoàn Snowtex và được trả 13.500 taka/tháng (khoảng 130 USD). Ngoài ra, cô còn được phụ cấp ngoài giờ, ăn trưa miễn phí đủ chuẩn dinh dưỡng và một ngày nghỉ mỗi tuần.

Bangladesh là nước sản xuất quần áo may sẵn lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, theo trang Benar News. Từ chỗ chuyên sản xuất hàng giá rẻ với điều kiện làm việc cực nhọc, nay Bangladesh là nước có số nhà máy thân thiện với môi trường nhiều nhất trong các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA).

Công nhân làm việc trong 4A Yarn Dyeing, nhà máy đạt chuẩn LEED ở Dhaka. Ảnh: BENAR NEWS

Công nhân làm việc trong 4A Yarn Dyeing, nhà máy đạt chuẩn LEED ở Dhaka. Ảnh: BENAR NEWS

Đặc biệt, Bangladesh có hơn 200 nhà máy (trong tổng số hơn 4.000) được chứng nhận "nhà máy xanh" theo tiêu chuẩn của Leadership in Energy and Environmental Design (LEED, tạm dịch: Thiết kế hàng đầu về môi trường và năng lượng), một hệ thống chứng nhận được cấp bởi Hội đồng Xây dựng xanh Mỹ. Con số này hồi năm 2014 chỉ vỏn vẹn 3 nhà máy. Để đạt chuẩn LEED, các nhà máy phải giảm phát thải carbon, tiết kiệm nước và năng lượng, xử lý chất thải đúng cách, sử dụng vật liệu bền vững… Ngoài ra, theo Reuters, điểm sẽ được cộng thêm nếu cải thiện được sức khỏe của công nhân và chất lượng nhà xưởng.

Tại 2 nhà máy của Snowtex - đều đạt chứng nhận LEED hạng bạch kim - nằm cách Dhaka khoảng 25 km về phía Tây, ngoài việc được ăn trưa miễn phí, trả lương qua mạng, nơi làm việc có hệ thống thông gió tốt…, người lao động còn được tận hưởng nhiều tiện ích tưởng như không đáng kể nhưng lại hỗ trợ cuộc sống của mình rất nhiều. Chẳng hạn, sân nhà máy trồng cây dày đặc, có cả những vườn rau riêng để công nhân mua rau quả hữu cơ với giá mềm. Snowtex có 19.000 công nhân, chuyên gia công cho các thương hiệu như Colombia, Decathlon và C&A với doanh thu hằng năm khoảng 250 triệu USD.

Xây dựng nhà máy xanh tốn kém hơn nhà máy truyền thống 30%-35% song ông S.M. Khaled - Giám đốc điều hành Snowtext - khẳng định "đắt xắt ra miếng". Chẳng hạn, các nhà máy Snowtex tiết kiệm được 50% năng lượng nhờ các tấm pin mặt trời; lượng nước sử dụng cũng giảm 30% nhờ dự trữ nước mưa... Tương tự, nhà máy Plummy Fashions ở phía Nam Dhaka vừa sử dụng pin mặt trời vừa dùng tường kính và cửa sổ kính trên trần để lấy tối đa ánh sáng tự nhiên, nhờ đó cắt giảm chi phí chiếu sáng và giảm 35% phát thải carbon so với nhà máy truyền thống.

Ngoài những nguyên nhân tự thân, sự thay đổi còn đến từ cú hích bên ngoài: Các khách hàng quốc tế tìm kiếm những sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng nhiều. Ông Ashraful Al Amin Khan - giám đốc tại Bangladesh của Tập đoàn GIII Apparel, đơn vị chuyên mua hàng cho các thương hiệu Calvin Klein, Tommy Hilfiger… - cho hay công ty ông đã ký hợp đồng dài hạn với một số nhà máy xanh. "Mọi nhãn hàng hàng đầu hiện đều cân nhắc vấn đề hàng may mặc xanh và Bangladesh đang làm rất tốt" - ông Khan nhận xét.

Đánh giá sâu hơn, giáo sư Ridhwanul Haq của Trường ĐH Dhaka nhấn mạnh với Reuters: "Thời trang may sẵn là cột trụ của kinh tế Bangladesh suốt 4 thập kỷ qua nhưng chính các nhà máy xanh đang tái định vị nước này ở mức độ cạnh tranh cao hơn".

HẢI NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/nhin-ra-the-gioi-xanh-hoa-det-may-bangladesh-20230716215342857.htm