Nhìn rất giống kem bơ Đà Lạt nhưng đây lại là món bánh đúc chỉ có ở Thanh Hóa
Món bánh đúc sốt ở Thanh Hóa có màu xanh lạ mắt, được bán trong ly nhựa nên nhiều người lầm tưởng là kem bơ nổi tiếng của Đà Lạt.
Thanh Hóa nổi tiếng với nhiều món ăn dân dã, được làm ra từ những nguyên liệu gắn liền với đời sống của người dân. Chính sự mộc mạc, bình dị ấy khiến những người con xa xứ nhớ mãi về hương vị quê nhà. Riêng thực khách tứ phương thì không thể kìm lòng nổi mà phải ghé lại thưởng thức.
Trong số đó, bánh đúc sốt là thức quà chiều thân thuộc của người dân xứ Thanh, hấp dẫn từ màu xanh ngọc độc đáo đến cái dẻo ngọt của bột gạo và bùi béo của đậu xanh.
Những người ở địa phương khác thường dễ nhầm lẫn bánh đúc sốt với kem bơ trứ danh của Đà Lạt. Cũng chính vì màu xanh lạ mắt đến lớp đậu phủ phía trên khiến người ta liên tưởng đây là món ăn có vị ngọt hơn là vị mặn.
Màu xanh này được tạo ra từ lá ngót hoặc lá cải xay nhuyễn, chắt lấy nước rồi hòa chung với bột gạo tẻ. Muốn bánh được dẻo, thơm thì nguyên liệu không thể thiếu của món này là nước vôi trong. Người đầu bếp phải canh chỉnh tỉ lệ sao cho hợp lý thì mới đạt được độ sánh, mịn, không quá đặc cũng không quá loãng.
Hỗn hợp bột - nước vôi trong được cho vào nồi lớn, thêm ít muối và dầu ăn để bánh đúc đậm đà, béo ngậy rồi cứ thế nấu trên bếp than hoặc bếp củi. Trong quá trình làm chín bánh, người đầu bếp phải khuấy đều tay để bột không bị cháy bám vào đít nồi. Sau 15 phút, khi bột đã bắt đầu nặng tay thì cho thêm nước cốt rau vào, đảo đều trên lửa liu riu. Quá trình này mất khoảng 1 tiếng.
Bánh đúc sốt được ăn kèm với đậu xanh hấp chín, tán nhuyễn và một ít tóp mỡ. Trước đây, các cô bán hàng thường múc bánh ra bát sành, nhưng hiện tại thì chuyển qua ly nhựa cho tiện lợi. Khi có khách, người bán sẽ rải một lớp đậu xanh dưới đáy ly, tiếp đến là lớp bánh đúc sánh mịn rồi lại thêm một lớp đậu xanh phía trên, sau cùng là tóp mỡ.
Ăn bánh đúc sốt, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi ngậy của đậu xanh, béo giòn của tóp mỡ và ngầy ngậy của bột gạo nấu nước rau ngót. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị rất riêng chỉ có ở Thanh Hóa.
Câu rao “Ai bánh đúc sốt đây” của cô hàng rong vào mỗi xế chiều như có sức hấp dẫn vô hình khiến ai đi xa quê cũng có lúc đau đáu nhớ về tiếng rao ấy, mùi vị ấy...