Nhìn thảm kịch COVID-19 ở Ấn Độ, các nước láng giềng lo ngay ngáy, cảnh giác cao độ

Khi diễn biến dịch COVID-19 ở Ấn Độ ngày càng nghiêm trọng, một số quốc gia láng giềng cũng chứng kiến số ca mắc tăng vọt, khiến nhiều nước phải đóng cửa biên giới, cấm đi lại.

Thiêu xác người mắc COVID-19 tại Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Thiêu xác người mắc COVID-19 tại Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Theo kênh CNN, cứ ba ngày thì Ấn Độ lại có thêm gần 1 triệu ca mắc COVID-19. Trong ngày 28/4, Ấn Độ có 379.459 ca mắc và 3.647 ca tử vong. Đợt bùng phát dịch bệnh dữ dội này đã khiến hệ thống y tế Ấn Độ sụp đổ.

Chứng kiến những gì xảy ra ở khắp Ấn Độ, các nước trên thế giới rất lo lắng. Nhiều nước đã cấm đi lại và ngừng các chuyến bay tới Ấn Độ. Trong bài phát biểu ngày 24/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cảnh báo rằng nếu biến thể Ấn Độ lan tới Iran, nước này sẽ gặp vấn đề lớn.

Dù đóng cửa biên giới và áp đặt hạn chế nhưng một số quốc gia láng giềng của Ấn Độ vẫn chật vật với số ca mắc gia tăng.

Ấn Độ có biên giới trên bộ với Pakistan, Nepal, Myanmar, Bhutan và Bangladesh. Một số khu vực biên giới rất lỏng lẻo, người dân hai bên qua lại hàng ngày.

Nepal, có biên giới chung với Ấn Độ ở đông bắc, đã có vài ca bệnh nhiễm biến thể Ấn Độ. Nước này có cơ sở hạ tầng y tế cũng như tiếp cận nguồn lực chữa bệnh hạn chế, làm dấy lên lo sợ không đủ điều kiện để đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh dữ dội như ở Ấn Độ.

Người dân chờ xe buýt về nhà sau khi chính phủ áp đặt hạn chế đi lại ở Kathmandu, Nepal. Ảnh: Getty Images

Người dân chờ xe buýt về nhà sau khi chính phủ áp đặt hạn chế đi lại ở Kathmandu, Nepal. Ảnh: Getty Images

Nepal ghi nhận số ca mắc bắt đầu giảm hồi tháng 2 khi số ca mắc mới hàng ngày chỉ từ 50 đến 100. Tuy nhiên, dịch bệnh đã bùng phát trở lại hồi giữa tháng 4 khi làn sóng dịch bệnh ở Ấn Độ ngày càng nghiêm trọng. Số ca mắc mới ở Nepal giờ lên tới hàng nghìn. Ngày 28/4, Nepal có 4.774 ca mắc COVID-19.

Tới nay, đợt bùng phát chủ yếu tập trung ở thủ đô Kathmandu và thành phố vùng biên Nepalgunj ở tỉnh Lumbini. Các bệnh viện ở Nepalgunj đã bắt đầu cảm thấy áp lực. Giường bệnh tại bệnh viện Bheri ở thành phố này đã chật kín bệnh nhân COVID-91 trong khi nguồn ôxy đang cạn dần.

Theo Tiến sĩ Krishna Prasad Poudel, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh và Dịch tễ ở Nepal, gia tăng ca mắc COVID-19 một phần là do người Nepal ở Ấn Độ về nước. Một số biến thể mới đã xuất hiện ở Nepal. Ông Poudel cho rằng đây là thời điểm bắt đầu một làn sóng dịch bệnh mới ở Nepal.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính phủ Nepal đã áp đặt phong tỏa cục bộ ở một số thành phố, có hiệu lực từ 29/4 và sẽ kéo dài 15 ngày.

Còn tại Bangladesh ở phía đông Ấn Độ, nước này cũng chứng kiến số ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng trong tháng 3, đạt đỉnh đầu tháng 4, vượt xa các làn sóng dịch bệnh trước đó. Tuy nhiên, từ đó, số ca mắc đã giảm nhờ chính quyền áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt và ngừng các chuyến bay.

Ngày 26/4, Bangladesh đã đóng cửa biên giới với Ấn Độ trong 2 tuần mặc dù vẫn cho phép hoạt động giao thương.

Tại Pakistan – nơi giáp Ấn Độ ở phía tây, nguồn cung ôxy cũng đang gần hết. Các ca mắc mới ở Pakistan bắt đầu tăng từ đầu cho tới cuối tháng 3, phù hợp với xu hướng dịch bệnh ở Ấn Độ.

Binh sĩ Pakistan hỗ trợ thực thi biện pháp phòng chống COVID-19 ở Karachi ngày 27/4. Ảnh: AP

Binh sĩ Pakistan hỗ trợ thực thi biện pháp phòng chống COVID-19 ở Karachi ngày 27/4. Ảnh: AP

Trong ngày 28/4, Pakistan có 201 ca tử vong vì COVID-19, cao nhất từ trước tới nay. Pakistan vẫn còn trên 88.000 người đang được điều trị.

Bộ Y tế Pakistan xác nhận chưa có ca nào mắc biến thể Ấn Độ. Tuy nhiên, mọi hình thức đi lại từ Ấn Độ đã bị cấm từ ngày 19/4.

Trong bài phát biểu tuần trước, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Chỉ huy Quốc gia về COVID-19 cảnh báo rằng Pakistan đã dùng hết 90% nguồn cung ôxy và đang đối mặt tình huống khẩn cấp.

Chính phủ đã phải kêu gọi quân đội hỗ trợ thực thi các hướng dẫn phòng chống COVID-19, áp đặt một số hạn chế mới như đóng cửa các nhà hàng, phòng tập thể dục và trường học. Pakistan cũng cấm mọi hình thức du lịch và đi lại liên tỉnh trong kỳ nghỉ lễ Eid của người Hồi giáo tháng 5 tới.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan lo lắng về việc áp đặt phong tỏa vì ông muốn tránh kịch bản này nhằm giữ sinh kế cho người nghèo. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu người dân không tuân thủ hướng dẫn phòng dịch, ông có thể không còn lựa chọn khác.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhin-tham-kich-covid19-o-an-do-cac-nuoc-lang-gieng-lo-ngay-ngay-canh-giac-cao-do-20210429105833868.htm