'Nhìn thẳng nói thật' vấn đề gốc rễ của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn!
Được kỳ vọng sẽ giúp chủ động nguồn cung xăng dầu trong nước, song lọc dầu Nghi Sơn đã chưa thể hiện được vai trò này, vì sao?
Xuất khẩu dầu thô rồi lại nhập về để lọc, vì sao?
Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu lớn là Dung Quất và Nghi Sơn. Mỗi nhà máy này hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam đang nhập khẩu lượng lớn dầu thô phục vụ cho hai nhà máy này mà không sử dụng hoàn toàn dầu thô trong nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn dầu thô, với giá trị xuất khẩu là trên 1,76 tỷ USD. Nhưng nhập khẩu hơn 9,9 triệu tấn dầu thô với giá trị nhập khẩu là trên 5,15 tỷ USD.
Đặt vấn đề về tình trạng phải nhập khẩu dầu thô để lọc hóa trong khi chúng ta lại xuất khẩu dầu thô, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ vướng mắc này, "dứt khoát phải đổi mới, nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì sửa cơ chế, chính sách".
Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế: “Điều khiến tôi kinh ngạc nhất là toàn bộ dầu thô ở Việt Nam không dùng được cho Nhà máy Nghi Sơn mà phải dùng dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông. Nhà máy lọc dầu Dung Quất ít nhất còn sử dụng được dầu thô, dầu bạch hổ của Việt Nam”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ của PVN giải thích, việc nhập và xuất khẩu dầu thô là bài toán kinh tế làm sao cho có lợi nhất, hơn nữa, cũng là vấn đề kỹ thuật của các nhà máy lọc dầu.
Bởi, mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế để lọc một loại dầu nhất định, hoặc một hỗn hợp dầu có tính chất nhất định.
Một khi nhà máy đã thiết kế cho loại dầu thô nào thì chỉ lọc được loại dầu thô đó, hoặc hỗn hợp dầu thô có tính chất tương tự.
Việc chuyển đổi sang dầu có tính chất tương tự cũng phải qua thử nghiệm công phu mới có thể tiến hành.
Còn chuyển đổi sang loại dầu có tính chất khác không thực hiện được, hay phải đầu tư thêm công nghệ, các phân xưởng để phù hợp…
Theo vị này, thực tế, ngay từ đầu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn) do PVN đầu tư, được thiết kế để lọc dầu từ mỏ Bạch Hổ (năm 1997).
Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng dầu thô khai thác tại mỏ này giảm đi và một số mỏ có dầu thô nhưng khác với công nghệ của lọc dầu Dung Quất.
"Vì thế, mới có việc phải bán các loại dầu thô đó đi để nhập về những loại dầu thô phù hợp với thiết kế của nhà máy này.
Còn nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không dùng dầu thô trong nước để lọc là bởi lẽ, ngay từ đầu nhà máy này được thiết kế cho hỗn hợp dầu Kuwait, có tỷ trọng API khoảng 31 và hàm lượng lưu huỳnh 2,52 - tức là dầu chua nặng trung bình.
"Vì sao lọc dầu Nghi Sơn không thiết kế để lọc dầu trong nước?", PV đặt câu hỏi.
Cán bộ PVN lý giải: "Do thỏa thuận ban đầu. Và sản lượng dầu thô trong nước cũng không đủ đảm bảo hoạt động cho nhà máy này”.
Báo cáo từ PVN cho thấy, trữ lượng khai thác dầu thô của Việt Nam năm 2021 đạt 10,97 triệu tấn.
Trong khi đó, mỗi năm, nhà máy lọc dầu Dung Quất cần 6,5 triệu tấn dầu thô. Như vậy, sản lượng còn lại không đủ để đảm bảo cho lọc dầu Nghi Sơn hoạt động, khi việc tìm mỏ mới phải mất thời gian dài.
“Vậy vì sao nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn nhập khẩu khoảng 20% nhu cầu dầu thô về để lọc”, PV đặt câu hỏi.
Đại diện PVN lý giải: “Do Dung Quất là công ty cổ phần, nên việc mua dầu thô cũng phải tham gia đấu thầu quốc tế, khi các mỏ của PVN có sự tham gia của đối tác nước ngoài.
Tức là, nếu trả giá thấp hơn các đơn vị khác thì không mua được dầu thô. Chưa kể, có những thời điểm mua dầu ở nước ngoài rẻ hơn so với dầu trong nước mà vẫn xử lý được theo công nghệ của Dung Quất”.
Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng trong tháng 4
Vấn đề giá cả thả nổi theo giá thế giới cũng được các chuyên gia cho rằng, chưa thể hiện được mục tiêu khi xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, đến thời điểm hiện tại, những mong muốn từ việc xây dựng nhà máy này vẫn chưa đạt được kết quả.
Nguyên nhân chính đến từ cam kết của chúng ta khi triển khai dự án. Đó là, cam kết cho bán theo giá thế giới. Tức là, thành phẩm chế biến tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất đều đang được bán theo giá thế giới.
Theo ông Thỏa, hiện nay công thức tính giá cơ sở đã có sự hòa đồng giữa giá trong nước và thế giới. Tuy nhiên, giá bán của Nghi Sơn được bán theo giá thế giới cộng thêm thuế nhập khẩu 7%.
Bởi, theo thỏa thuận giữa Chính phủ do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, PVN sẽ là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, với giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu, cộng thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).
"Như vậy, thì không thể có giá trong nước rẻ được”, ông Thỏa nói và đặt vấn đề: “Chúng ta có 75% nguồn trong nước, 25% nhập khẩu, tại sao không hòa đồng giá giữa trong nước và thế giới để có mức giá ổn định hơn?”.
“
Bộ Công thương cho biết, đã làm việc với PVN để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu Quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
”
Báo cáo của Bộ Công thương vừa gửi các Đại biểu Quốc hội cũng khẳng định, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính và một số vấn đề nội tại nên không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm.
Hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng băn khoăn vấn đề bao tiêu sản phẩm cho nhà máy này. "Về cơ chế thị trường, đáng lẽ phải cho phép doanh nghiệp được chọn nơi mua - bán theo nhu cầu. Nhưng Nghi Sơn lại được bao tiêu hết sản phẩm, dẫn đến tình trạng sản xuất ra đã có chỗ tiêu thụ rồi nên không có áp lực cạnh tranh.
Thị trường cũng bị động về nguồn cung khi vấn đề bao tiêu thêm gánh nặng tài chính lên PVN vì phải bù giá chênh lệch do thuế nhập khẩu đã xuống thấp hơn ưu đãi. Trường hợp xấu nhất, thiếu tài chính, nhà máy dừng lại, đứt nguồn cung sẽ dẫn đến khủng hoảng thiếu là đương nhiên”.