Nhịn tiểu sẽ dẫn đến nguy cơ hình thành cặn sỏi, rối loạn tiểu tiện

'Nếu bạn cố nhịn vì một lý do nào đó sẽ có những ảnh hưởng, như nguy cơ lắng đọng các chất hòa tan trong nước tiểu, từ đó hình thành nên các cặn sỏi', bác sĩ Phan Nhật Quang, Khoa Nội Thận Tiết Niệu, Bệnh viện Thận Hà Nội cho biết.

Nhịn tiểu sẽ dẫn đến nguy cơ hình thành cặn sỏi, rối loạn tiểu tiện. Ảnh: minh họa

Nhịn tiểu sẽ dẫn đến nguy cơ hình thành cặn sỏi, rối loạn tiểu tiện. Ảnh: minh họa

Nhịn tiểu – thói quen hại thận

Hiện nay, có rất nhiều người vẫn đang giữ thói quen nhịn tiểu mà không hề biết về những hệ lụy đáng kể mà nó có thể mang lại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Bởi trong thực tế, nhịn tiểu khá bình thường và không ảnh hưởng đến sức khỏe cho đến khi nó trở thành một thói quen gây ra tác hại lâu dài như bí tiểu hoặc thậm chí tổn hại đến thận.

Để hiểu rõ hơn về việc nhịn tiểu có tác hại như thế nào tới sức khỏe PV Báo Pháp luật Việt Nam đã trao đôỉ̉ với Bác sĩ Phan Nhật Quang, Khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Thận Hà Nội.

Bác sĩ Quang cho biết, người bình thường có hai quả thận, thận có chức năng lọc máu để bài tiết ra nước tiểu. Nước tiểu thông qua các hệ thống nhóm đài trong thận đổ vào bể thận. Sau đó nước tiểu theo nhịp co bóp của niệu quản sẽ dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang-là nơi chứa đựng nước tiểu. Nước tiểu được tích cóp lại ở bàng quang.

Sau khoảng thời gian từ 2,5-3h bàng quang chứa khoảng 300ml nước tiểu sẽ kích thích cơ thắt trong bàng quang tạo cảm giác buồn tiểu. Lúc này cơ thắt ngoài bàng quang đang đóng sẽ ngăn dòng nước tiểu chảy ra ngoài. Khi bạn tìm được nhà vệ sinh và có đủ điều kiện thuận tiện để thực hiện hành động tiểu tiện, cơ thắt ngoài sẽ mở. Kết hợp với sức ép từ cơ hoành khi bạn rặn tiểu, bàng quang sẽ xẹp xuống và đẩy nước tiểu ra ngoài cơ thể theo đường niệu đạo.

Tuy nhiên, khi bàng quang căng nước tiểu thì sẽ có phản xạ buồn tiểu. Nếu bạn cố nhịn vì một lý do nào đó sẽ có những ảnh hưởng, như nguy cơ lắng đọng các chất hòa tan trong nước tiểu, từ đó hình thành nên các cặn sỏi, theo thời gian cặn sỏi sẽ được bồi đắp tiếp bằng những chất hòa tan trong nước tiểu tạo nên những viên sỏi to hơn.

Tùy vào từng vị trí của viên sỏi mà gây những ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như trào ngược bàng quang niệu quản, gây viêm nhiễm ngược dòng và viêm thận bể thận và có nguy cơ rối loạn tiểu tiện.

Thường xuyên sử dụng rau xanh giúp bảo vệ thận.

Thường xuyên sử dụng rau xanh giúp bảo vệ thận.

Bảo vệ thận bằng cách nào?

Ngoài thói quen nhịn tiểu, theo bác sĩ Quang người bình thường có rất nhiều thói quen xấu gây hại đến thận. “Những thói quen hay mắc phải gây ảnh hưởng xấu đến chức năng thận, do chúng ta uống ít nước, nhịn tiểu quá lâu. Chế độ ăn uống không hợp lý: ăn mặn, ăn nhiều protein, kiểm soát đường huyết không tốt ở bệnh nhân đái tháo đường. Cùng với đó, là chế độ sinh hoạt không lành mạnh như dùng thuốc lá, rượu bia, lười vận động. Khi bị bệnh thận (như sỏi thận hay bệnh thận mạn) không đi khám bác sĩ tây y mà lại tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc bắc gây suy gan suy thận”, bác sĩ Quang chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Quang, để bảo vệ thận cũng như hệ bài tiết hãy uống đủ nước, không quá nhiều không quá ít, một người lớn bình thường cần đưa vào cơ thể từ 2 lít đến 2,5 lít nước một ngày thông qua cả đường ăn và đường uống.

Đảm bảo chế độ ăn hợp lý, hạn chế muối, chất béo không no như mỡ động vật, thường xuyên sử dụng rau xanh và hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn xào nướng nấu, thường xuyên ăn đồ luộc, hấp.

Đặc biệt, không sử dụng các thuốc nam thuốc bắc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh vì càng làm chức năng thận thêm tồi tệ hơn. Và khi có bệnh thận mạn cần liên hệ với bác sỹ chuyên khoa thận tiết niệu để được tư vấn rõ ràng.

Châu Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/nhin-tieu-se-dan-den-nguy-co-hinh-thanh-can-soi-roi-loan-tieu-tien-527018.html