Nhìn từ các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Bảo Lâm
Bảo Lâm là một trong những địa phương đã, đang triển khai và ứng dụng có hiệu quả các biện pháp khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững được hình thành mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Hình thành nhiều chuỗi liên kết
Huyện Bảo Lâm hiện có gần 52.000 ha đất canh tác nông nghiệp, với các loại cây trồng chính và chủ lực như cà phê, chè và cây ăn quả. Hiện tại, ngành nông nghiệp chiếm khoảng 35,47% trong cơ cấu kinh tế chung của huyện, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn ở mức cao (bình quân khoảng 5,06%/năm). Đó là những điều kiện thuận lợi để Bảo Lâm ứng dụng các tiến bộ KHKT vào xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm đã xây dựng Nghị quyết số 07 về “Phát triển kinh tế vườn - hộ bền vững giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến 2025”.
Theo ông Đậu Văn Xuân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, địa phương hiện có 26.000 hộ sản xuất nông nghiệp, chiếm 88,7% tổng số hộ dân toàn huyện. Để phát triển kinh tế vườn - hộ đạt hiệu quả cao, huyện Bảo Lâm đã chia thành 4 nhóm hộ, gồm: Nhóm 1 (hộ giàu) có 1.194 hộ, chiếm 4,6% số hộ sản xuất nông nghiệp có diện tích đất sản xuất từ 3 ha/hộ trở lên và có tổng thu nhập trên 450 triệu đồng/năm; nhóm 2 (hộ khá) hiện có 3.402 hộ, chiếm 20,8% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp có diện tích đất sản xuất từ 1,5 - 3 ha/hộ và có tổng thu nhập từ 250 - 450 triệu đồng/năm; nhóm 3 (hộ trung bình) hiện có 12.831 hộ, chiếm 49,4% và có diện tích đất sản xuất từ 0,6 - 1,5 ha/hộ, với tổng thu nhập đạt từ 100 - 250 triệu đồng/năm. Cuối cùng là nhóm 4 (hộ hạn chế về tiềm lực) có 6.558 hộ, chiếm 25,2% có diện tích đất sản xuất dưới 0,6 ha và tổng thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm. Từ thực tế đó, địa phương đã xây dựng các chuỗi liên kết và tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp cùng tham gia.
“Hiện tại, Bảo Lâm đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, với các sản phẩm chủ lực và sản phẩm có thế mạnh của địa phương được hợp đồng lâu dài. Nổi bật là liên kết sản xuất cà phê bền vững của Hợp tác xã (HTX) An Lộ và Công ty Acom; liên kết sản xuất, chế biến chè như Công ty Hằng Sơn Điền, Công ty Cổ phần Cầu Tre, Công ty TNHH Uyên Du và HTX Tâm Đức; chuỗi liên kết chăn nuôi heo VietGAP huyện Bảo Lâm… Những chuỗi liên kết này không chỉ giúp năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi ngày càng tăng cao, mà còn giúp ổn định đầu ra cho người nông dân” - ông Đậu Văn Xuân cho biết thêm.
Từng bước xây dựng thương hiệu
Từ những chuỗi liên kết được hình thành, HTX và tổ hợp tác sản xuất, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Lâm không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn huyện có 24 HTX và 15 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với khoảng 300 thành viên tham gia, có tổng số vốn điều lệ gần 30 tỷ đồng và đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 1.250 lao động. Ngoài ra, Bảo Lâm đang có khoảng 170 trang trại chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm theo hình thức khép kín bán công nghiệp.
Đến nay, về cơ bản hơn 30.000 ha cà phê của địa phương đã được người dân ghép cải tạo và trồng mới các giống cà phê ghép có năng suất, chất lượng cao như Xanh lùn, Thiện trường, TR4, TR9 và TR11… Đối với cây chè đã được chuyển đổi qua giống chè cành và các giống chè Olong cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã hình thành nhiều khu vực trồng cây ăn quả như bơ, sầu riêng, cam theo hướng thâm canh, với hàng ngàn ha cho năng suất, chất lượng cao và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác. Cùng với đó, Bảo Lâm đã phát triển được tổng đàn gia súc (trâu, bò) gần 45.000 con; và tổng đàn gia cầm khoảng 480.000 con/năm. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 15% sản lượng cà phê, 20 % sản lượng chè, 30% sản lượng cây ăn quả, 30% sản phẩm trứng, thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ qua hợp đồng có tính ổn định và bền vững. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của địa phương không ngừng tăng lên, đạt gần 50 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đã đạt mức 140 triệu đồng/năm.
Ông Trương Hoài Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: “Cùng với trồng trọt, 2 năm qua, huyện đã thực hiện đầu tư 9 mô hình chăn nuôi bò đực giống, hỗ trợ 109 con bò cái giống lai Zêbu, 25 mô hình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm… cho các hộ dân, góp phần nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện. Bên cạnh đó, trong Nhân dân đã đầu tư thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi bò, dê, heo… theo công nghệ mới, an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, nhiều mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ như bò, dê, heo, gia cầm đã tận dụng công nhàn rỗi và sản phẩm phụ nông nghiệp để tạo nguồn thực phẩm sử dụng tại chỗ, đem bán và kết hợp khai thác nguồn phân hữu cơ cung cấp cho trồng trọt và tăng thu nhập cho các hộ dân, đặc biệt là nhóm hộ”.
Hiện tại, huyện Bảo Lâm đang từng bước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Bước đầu, huyện tập trung vào xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực và thế mạnh. “Đối với chương trình OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm), Bảo Lâm đã xây dựng được 10 sản phẩm. Trong đó, có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh (bơ 034, bơ Booth và 2 sản phẩm cà phê rang xay); 6 sản phẩm cấp huyện. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành các thủ tục trình các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận nhãn hiệu hàng hóa cho bơ 034 và cà phê rang xay Bảo Lâm. Khi được cấp nhãn hiệu, Bảo Lâm sẽ cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm và ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc để nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Qua đó, tạo cơ hội để Bảo Lâm xúc tiến thương mại tìm được thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển đi lên” - ông Trương Hoài Minh cho hay.