Nhìn từ dải Gaza
Thế giới bên ngoài một lần nữa buộc phải nhận thấy chỉ có giải pháp chính trị mới đem lại hòa bình thật sự công bằng và bền vững cho toàn bộ khu vực Trung Đông
Ở khu vực Trung Đông, Israel và lực lượng Hamas đã nhiều lần xung đột với nhau. Lần xung đột hiện tại dữ dội nhất, để lại hậu quả nặng nề và gây ra hệ lụy sâu rộng nhất kể từ cuộc chiến giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập năm 1973.
Israel đáp trả rất quyết liệt bằng cách không kích vào dải Gaza, thậm chí đã tấn công trên bộ với quyết tâm xóa sổ Hamas hoặc làm cho Hamas không bao giờ còn có thể đe dọa an ninh của Israel, càng không để cho Hamas lặp lại thảm cảnh về chính trị, quân sự, an ninh và tình báo như hiện tại đối với Israel.
Lần xung đột này sẽ làm thay đổi cơ bản cục diện chính trị, an ninh và quan hệ quốc tế giữa các bên trong khu vực và giữa khu vực với thế giới bên ngoài.
Hamas đã chứng minh là họ có thể làm được điều mà Israel lo ngại nhất: Chẳng có hệ thống vũ khí tối tân và công nghệ quân sự, phòng thủ nào có thể giúp Israel an toàn tuyệt đối.
Thế giới bên ngoài một lần nữa buộc phải nhận thấy chỉ có giải pháp chính trị mới đem lại hòa bình thật sự công bằng và bền vững cho toàn bộ khu vực này.
Vấn đề giữa Israel và Palestine vốn bị mờ nhạt đi nhiều thì nay lại trở nên thời sự, từng diễn biến đều có tác động rất mạnh mẽ tới tình hình chung của chính trị khu vực và thế giới.
Ở châu Âu có cuộc xung đột tại Ukraine, căng thẳng giữa Serbia và Kosovo. Ở Trung Á vừa xảy ra đụng độ tại vùng Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia. Ở châu Phi có một số cuộc đảo chính quân sự.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều điểm nóng nổi cộm về chính trị, an ninh. Trước khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát thì Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh vốn đã loay hoay với nhiều cuộc khủng hoảng dai dẳng chưa thể khắc phục dứt điểm, bao gồm nội chiến ở Libya, xung khắc ở Syria, chiến tranh ở Yemen.
Như thế chẳng phải thế giới gia tăng bất an và bất ổn hay sao? Như thế chẳng phải hòa bình và an ninh chung của toàn cầu ngày càng bị thách thức hay sao?
Hamas chỉ là một tổ chức của người Palestine chứ không phải là đại diện duy nhất cho Palestine và cho tất cả người dân Palestine. Nhưng kết cục cuối cùng của lần giao tranh này giữa Hamas và Israel sẽ quyết định cả tương lai mối quan hệ giữa Palestine và Israel, sẽ cho thấy liệu thật sự có còn cơ hội cho giải pháp chính trị hòa bình hay không?
Lần xung đột này cũng sẽ làm cho các bên xưa nay luôn ủng hộ Israel xem xét lại chính sách đối với Palestine, đặc biệt là việc viện trợ tài chính cho chính quyền tự trị Palestine.
Nó sẽ buộc các quốc gia Ả Rập chậm lại tiến trình xem xét bình thường hóa quan hệ với Israel, trong số ấy đặc biệt là Ả Rập Saudi. Nó tạo cơ hội cho nhiều đối tác bên ngoài xung phong đảm nhận vai trò trung gian hòa giải, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên Hiệp Quốc, Liên đoàn Ả Rập...
Ở một khía cạnh khác, cuộc xung đột mới ở Trung Đông ảnh hưởng luôn tới tình hình ở Ukraine. Kiev có lý do xác đáng để lo ngại khi các đồng minh của nước này phải cùng lúc hậu thuẫn cho cả Ukraine lẫn Israel.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nhin-tu-dai-gaza-20231014221012471.htm