Nhìn từ dư nợ tín dụng

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, trong 5 tháng đầu năm nay, chỉ có 10/34 tổ chức tín dụng trên địa bàn có mức tăng trưởng tín dụng dương, còn lại là tăng trưởng âm. Tính chung dư nợ tín dụng trong 5 tháng vẫn tăng 0,69% (tương ứng với 423 tỷ đồng) so với cuối năm 2019, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành (1,96%) và là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Từ thực tế này phần nào cho thấy mặc dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt trong nước nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn…

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực phục hồi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vì thế cơ bản các doanh nghiệp vẫn sử dụng hết hạn mức vốn được vay tại ngân hàng. Trong ảnh: Xuất bán sản phẩm tấm lợp tại Nhà máy Xi măng Lưu Xá.

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực phục hồi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vì thế cơ bản các doanh nghiệp vẫn sử dụng hết hạn mức vốn được vay tại ngân hàng. Trong ảnh: Xuất bán sản phẩm tấm lợp tại Nhà máy Xi măng Lưu Xá.

Theo thống kê, 5 tháng đầu năm nay, trong số 10 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng dư nợ dương so với cuối năm 2019 thì có 4 ngân hàng đạt dư nợ cho vay trên 100 tỷ đồng. Trong đó, cao nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên tăng 670 tỷ đồng (tương ứng mức tăng 6,15%). Tiếp đến là NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng 530 tỷ đồng (21,39%), NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Nam Thái Nguyên tăng 182 tỷ đồng (3,37%), NH Woori tăng 194 tỷ đồng (44,38%). 6 tổ chức tín dụng còn lại tăng từ một vài tỷ đến một vài chục tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng âm cũng giảm từ một vài tỷ đến vài trăm tỷ đồng. Nhiều nhất có NH giảm 353 tỷ đồng, chiếm 14% tổng dư nợ; tiếp đến là NH giảm 230 tỷ đồng, chiếm 5% dư nợ… Đáng chú ý, trong số 8 chi nhánh NHTMCP nhà nước thì có tới 6 NH giảm dư nợ (với tổng giảm 763 tỷ đồng). Trong khi đó, đây đều là những NH có cho vay DN, hộ kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Việc dư nợ tín dụng 5 tháng đầu năm tăng thấp cho thấy việc đầu tư mới cũng như mở rộng sản xuất kinh doanh của DN, hộ kinh doanh trên địa bàn thời gian qua rất hạn chế. Hầu hết các khoản cho vay ra đều là đảo nợ cũ. Ngay đối với các NHTMCP nhỏ, cho vay chủ yếu trong lĩnh vực tiêu dùng cũng trong tình trạng ảm đạm. Tuy nhiên, nếu nhìn trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 thì việc dư nợ cho vay vẫn tăng nhẹ được xem là tín hiệu tích cực. Bởi hiện nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang có mức tăng trưởng âm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Thái Nguyên là một trong số ít tổ chức tín dụng có mức tăng dư nợ cho vay khá cao trong 5 tháng đầu năm nay.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Thái Nguyên là một trong số ít tổ chức tín dụng có mức tăng dư nợ cho vay khá cao trong 5 tháng đầu năm nay.

Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh nhìn nhận: Rất may nước ta đã sớm khống chế được dịch COVID-19, nếu không hậu quả do dịch bệnh gây ra đối với các DN sẽ càng nặng nề hơn. Bởi theo khảo sát của chúng tôi, trong số 75% DN nữ tham gia khảo sát thì có tới 46% cho biết chỉ có thể cầm cự được 3 tháng; 19% DN cầm cự được 6 tháng; 18% DN cầm cự được 1 năm và chỉ có 17% DN cầm cự được trên 1 năm. Nguyên nhân lớn nhất là DN mất thị trường tiêu thụ, thiếu nguồn vốn kinh doanh và thiếu nguyên liệu đầu vào... Tuy nhiên, bà Vinh cho rằng, nếu DN biết chớp thời cơ trong thời điểm này thì đây sẽ là cơ hội vàng để DN vươn lên bứt phá. Nhưng để có sự vươn lên này thì không thể thiếu sự đồng hành của NH.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Duy Hiểu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hoa Mai phân tích: 93% DN của chúng ta có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay NH. Vì thế, trước những ảnh hưởng không nhỏ của dịch COVID-19 thì những chính sách về tín dụng mà Chính phủ và NH Nhà nước đưa ra thời gian qua vẫn còn chưa đủ để hỗ trợ DN. Vì trên thực tế, bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, cái mà DN cần nhất là được giảm sâu hơn lãi suất đối với những khoản vay hiện hữu, chứ không chỉ ở những khoản vay mới. Trong khi đó, trên thực tế lại có không nhiều DN được hưởng mức giảm này và số giảm phổ biến cũng không đáng kể, chỉ từ 0-2-0,5%/năm. Ông Hiểu cũng mong muốn, ngành NH sẽ kéo dài hơn thời gian giảm lãi suất cho DN…

Có thể nói, dù tình hình dịch COVID-19 đã được Việt Nam kiểm soát tốt nhưng thế giới thì chưa vẫn sẽ khiến nhiều DN gặp khó khăn và vì thế, việc tăng trưởng dư nợ tín dụng trong thời gian tới được dự báo sẽ chưa có nhiều dấu hiệu khả quan. Chính vì thế, ngành NH cần sớm đề xuất với Chính phủ, đồng thời chủ động đưa ra những giải pháp hữu hiệu hơn nữa để giúp các DN khôi phục lại sản xuất, kinh doanh và cũng để giúp gia tăng dư nợ tín dụng cho chính hoạt động của mình.

Hạ Liên

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/nhin-tu-du-no-tin-dung-272095-108.html