Nhìn từ phổ điểm môn Ngữ văn, Địa lý cho thấy học tủ, thuộc lòng không còn hiệu quả
Từ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 cho thấy Ngữ văn ổn định nhưng không có điểm 10, trong khi Địa lý là môn có nhiều điểm 10 nhất toàn kỳ thi.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, lãnh đạo nhiều trường trung học phổ thông đánh giá, đề thi năm nay có tính phân hóa tốt, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua các đợt tập huấn, cùng chỉ đạo sát sao từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đã dần thích ứng với phương pháp dạy học mới.
Phổ điểm môn Ngữ văn cho thấy học tủ, học thuộc văn mẫu không còn tác dụng
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay số lượng thí sinh dự thi môn Ngữ văn là 1.126.726 em, tăng khoảng 76.000 thí sinh so với năm 2024.
Trong đó, có khoảng 70.308 thí sính điểm thi dưới trung bình (chiếm 6.24% tổng số thí sinh) và khoảng 671.209 thí sinh đạt từ điểm 7 trở lên (chiếm 59.572% tổng số thí sinh). Đáng chú ý, năm nay không có thí sinh nào đạt điểm 10 môn Ngữ Văn. Tuy nhiên, năm nay có 7 thí sinh đạt điểm 0 môn Ngữ văn, giảm gấp hơn 4 lần so với năm ngoái. Điểm trung bình của môn này là 7.0 (năm 2024 là 5.23).
Có 671.209 thí sinh đạt từ điểm 7 trở lên (59.572%). Điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 7.25 điểm.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (phường Yên Hòa, Hà Nội) cho biết: “Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, tôi nhận thấy điểm môn Ngữ văn năm nay có tín hiệu tích cực. Cụ thể, số lượng thí sinh đạt điểm 0 môn Ngữ văn đã giảm đáng kể, từ 29 thí sinh năm 2024 xuống chỉ còn 7 thí sinh. Đây là một con số rất đáng mừng, cho thấy mặt bằng kỹ năng tối thiểu của học sinh đã được cải thiện.
Tuy nhiên, không có thí sinh đạt điểm tuyệt đối và điểm trung bình môn Ngữ văn trên cả nước đạt mức 7 điểm, thấp hơn so với mức 7.23 của năm 2024”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (phường Yên Hòa, Hà Nội). Ảnh: Phương Thảo
Theo cô Thúy, năm 2025 là năm đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, chương trình mới giúp học sinh tiếp cận theo định hướng phát triển năng lực, kỹ năng thay vì chỉ tái hiện kiến thức. Với định hướng mới này, học sinh không còn học theo dạng ghi nhớ máy móc mà được rèn luyện các kỹ năng đọc hiểu, phân tích, cảm thụ văn học. Chính điều này giúp hạn chế tình trạng học sinh bị điểm 0.
Năm nay, việc không có điểm 10 môn Ngữ văn là điều dễ hiểu và hợp lý vì đề thi được lấy ngữ liệu hoàn toàn bên ngoài sách giáo khoa nên đòi hỏi học sinh phải vận dụng các kỹ năng đọc hiểu và năng lực viết. Bên cạnh đó, đề thi đã tạo ra sự phân tầng rõ rệt trong kết quả thi: Những thí sinh có kỹ năng thực sự sẽ thể hiện tốt, còn những thí sinh chỉ học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc sẽ gặp khó khăn. Điều này phản ánh đúng tinh thần đổi mới giáo dục hiện đại.
“Phổ điểm môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 cho thấy vẫn duy trì dạng phân phối chuẩn, tập trung chủ yếu ở mức điểm từ 7 đến 8. Tuy nhiên, so với năm 2024, có thể nhận thấy một sự dịch chuyển nhẹ về phía mức điểm thấp hơn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đề thi năm nay đã tăng độ phân hóa ở mức hợp lý và có tính phân loại rõ nét hơn, đặc biệt ở ngưỡng điểm khá và giỏi.
Tuy vậy, sự thay đổi này lại phản ánh một tín hiệu tích cực rằng hướng tiếp cận của đề thi đang đi đúng định hướng đổi mới. Đề không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn đặt trọng tâm vào việc đánh giá năng lực đọc hiểu, cảm thụ và tư duy độc lập. Đây là những phẩm chất cần thiết trong môn Ngữ văn hiện đại và là yêu cầu phù hợp trong bối cảnh giáo dục đang chuyển mình theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của người học.
Thực tế phổ điểm năm nay không có điểm 10, rất ít điểm 9 và sự phân tầng rõ rệt giữa các mức điểm cho thấy phương pháp học thuộc lòng, học tủ, học theo văn mẫu đang trở nên lạc hậu và không còn hiệu quả. Với đặc trưng của môn học này, học sinh cần hiểu sâu bản chất vấn đề, nắm chắc kiến thức nền tảng và rèn luyện khả năng vận dụng linh hoạt trong từng dạng bài.
Do vậy, bên cạnh việc học trên lớp, học sinh cũng cần tích cực đọc thêm sách, báo, tài liệu ngoài chương trình chính khóa, đồng thời theo dõi các vấn đề xã hội và thời sự để mở rộng vốn sống, làm giàu cảm xúc và nâng cao khả năng lập luận trong bài viết. Những yếu tố này đặc biệt quan trọng đối với phần nghị luận xã hội và là điều không thể thiếu để học sinh có thể thích nghi và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đề thi Ngữ văn trong thời gian tới”, cô Thúy nêu quan điểm.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Cùng bàn vấn đề này, cô Nguyễn Thúy Phương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Văn Lang (phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội) bày tỏ, phổ điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 đã đem đến nhiều tín hiệu tích cực và nhiều thầy cô cảm thấy phấn khởi, nhất là trong bối cảnh năm học này là lần đầu tiên học sinh lớp 12 thi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước kỳ thi, không ít giáo viên và học sinh tỏ ra lo lắng khi chương trình mới yêu cầu thay đổi cách học từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực, từ học thuộc lòng sang học hiểu, phân tích và sáng tạo. Tuy nhiên, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm chính thức, kết quả phản ánh sự chuyển biến rõ nét trong cách dạy, cách học và tư duy làm bài của học sinh.

Cô Nguyễn Thúy Phương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Văn Lang (phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội). Ảnh: nhân vật từng cung cấp
Theo cô Phương, độ lệch chuẩn năm 2025 (1.28) thấp hơn năm 2024 (1.33), cho thấy điểm thi của các thí sinh trong năm 2025 có xu hướng tập trung quanh điểm trung bình nhiều hơn, ít phân tán hơn so với năm trước.
Dù năm nay không có thí sinh nào đạt điểm 10 môn Ngữ văn, khác với năm 2024 khi có 2 thí sinh trên cả nước được điểm tuyệt đối nhưng số lượng học sinh bị điểm 0 năm nay đã giảm mạnh. Nếu như năm ngoái có đến 29 em bị điểm 0 thì năm nay chỉ còn 7 em.
Điều này cho thấy đề thi đã được thiết kế hợp lý hơn, vừa có tính phân loại nhưng vẫn bảo đảm học sinh có thể tiếp cận và làm được bài nếu học thực chất. Hơn nữa, điểm trung bình môn Ngữ văn năm nay đạt 7.0 - một con số đáng khích lệ, phản ánh khá đúng mặt bằng năng lực của học sinh trong bối cảnh chương trình mới bắt đầu đi vào thực tiễn.
“Tôi đặc biệt đánh giá cao đề thi Ngữ văn năm nay bởi tính mở và khả năng khơi gợi tư duy sáng tạo ở học sinh. Đề thi năm nay liên quan đến vùng trời Tổ quốc là một ví dụ tiêu biểu cho việc hạn chế thí sinh chỉ mải học thuộc, học vẹt. Thay vào đó, đề thi yêu cầu các em phải có góc nhìn riêng, biết liên hệ với thực tiễn cuộc sống, có cảm nhận cá nhân và khả năng lập luận. Với những học sinh thực sự học Ngữ văn nghiêm túc, rèn luyện kỹ năng viết, biết quan sát và suy ngẫm từ đời sống, thì đây là một cơ hội tốt để thể hiện bản thân. Ngược lại, nếu chỉ học thuộc bài mẫu hoặc ôn theo dạng học tủ thì rất khó có thể đạt điểm cao. Đây cũng chính là mục tiêu mà chương trình mới hướng tới là phát triển năng lực thực tế thay vì chỉ ghi nhớ máy móc.
Từ phổ điểm năm nay, tôi cảm nhận rõ hơn sự thay đổi trong tư duy giáo dục của cả hệ thống. Ở Hà Nội, phổ điểm môn Ngữ văn tiếp tục nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Đây là một thành quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo chuyên môn cũng như nỗ lực đổi mới dạy học ở tất cả các trường”, cô Phương nêu quan điểm.
Trên cơ sở đó, cô Phương bày tỏ, đề thi những năm sau cần tiếp tục phát huy định hướng phân hóa rõ rệt hơn, đặc biệt là đối với nhóm học sinh khá giỏi. Đặc biệt, cô Phương kỳ vọng các câu hỏi nghị luận, đặc biệt là nghị luận văn học, sẽ ngày càng có chiều sâu, tạo điều kiện để học sinh thực sự có năng lực viết văn, cảm thụ văn học được thể hiện mình. Đồng thời, những câu hỏi này cần mở rộng hơn, bám sát thực tiễn cuộc sống để học sinh không chỉ học tốt môn Ngữ văn mà còn vận dụng được kỹ năng ngôn ngữ, lập luận, phản biện vào các tình huống đời sống".
Môn Địa lý đòi hỏi thí sinh phải ghi nhớ bản đồ, biểu đồ để xử lý thông tin
Trong khi đó, môn Địa lý năm nay có mức điểm trung bình là 6.63 điểm, thấp hơn năm ngoái (7.19 điểm) nhưng có tới gần 7.000 bài thi đạt điểm 10, tức hơn gấp đôi so với năm 2024. Đây cũng là môn thi có nhiều điểm tuyệt đối nhất trong tất cả các môn thi năm 2025.
Hơn 89.000 bài thi đạt mức điểm dưới trung bình, chiếm gần 19%. Mức điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 7.75 điểm.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bày tỏ về phổ điểm môn Địa lý năm nay, thầy Phan Như Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (phường Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, điểm trung bình môn Địa lý năm nay thấp hơn năm ngoái cho thấy đề thi có tính phân hóa rõ rệt hơn. Việc không cho phép sử dụng Atlat trong phòng thi cũng là một thay đổi quan trọng.
Nếu như trước đây, học sinh có thể dựa vào Atlat để hỗ trợ trả lời một số câu hỏi, thì năm nay, các em buộc phải nắm vững kiến thức, ghi nhớ nội dung bản đồ, biểu đồ để xử lý thông tin. Điều đó khiến cho những em không học bài bản rất khó đạt được mức điểm trung bình.
Trong khi đó, số lượng thí sinh đạt điểm 0 đã giảm, còn số thí sinh đạt điểm 10 lại tăng gấp đôi so với năm ngoái. Những tín hiệu này cho thấy đề thi đã phát huy tốt vai trò sàng lọc và phân loại học sinh.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Theo thầy Hùng, so với năm 2024, phổ điểm môn Địa lí trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 có sự thay đổi rõ rệt theo hướng giảm đều ở các chỉ số trung bình. Cụ thể, điểm trung bình giảm từ 7.19 điểm xuống còn 6.63 điểm, trung vị cũng giảm từ 7.25 điểm xuống 6.75 điểm. Những con số này cho thấy đề thi năm 2025 có khả năng phân loại tốt hơn. Bên cạnh đó, độ lệch chuẩn tăng từ 1.28 lên 1.75 và độ lệch tuyệt đối trung vị tăng từ 1.02 lên 1.45, tức là kết quả của thí sinh phân tán hơn, không còn tập trung nhiều ở mức điểm trung bình khá như năm trước.
Tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm) tăng mạnh, từ 4.366% lên tới 18.69%, trong khi tỷ lệ thí sinh đạt điểm từ 7 trở lên giảm đáng kể, từ 61.624% xuống còn 45.269%. Đây là dấu hiệu cho thấy đề thi đã lọc được năng lực thật sự của học sinh, hạn chế tình trạng học sinh trung bình dễ dàng đạt điểm cao.
Một điểm đáng chú ý là số lượng thí sinh đạt điểm 10 tăng hơn gấp đôi, từ 3.175 em (năm 2024) lên 6.907 em (năm 2025). Điều này phản ánh mức độ phân hóa mạnh của đề thi, nếu học sinh học tốt, có tư duy và kỹ năng sẽ có cơ hội bứt phá, trong khi những em học lệch, học tủ hoặc thiếu nền tảng dễ bị điểm thấp.
Như vậy, phổ điểm năm 2025 cho thấy đề thi Địa lý không chỉ nâng cao tính phân loại mà còn đòi hỏi học sinh phải có sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn, thay vì chỉ học thuộc lòng kiến thức một cách máy móc.
“Tôi cho rằng, không chỉ riêng môn Địa lý mà hầu hết các môn thi năm nay đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức một kỳ thi có tính phân loại cao, nhằm phục vụ 2 mục tiêu cùng lúc: xét tốt nghiệp, xét tuyển vào các trường đại học. Đây cũng là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên phổ điểm năm nay không chỉ phản ánh năng lực của học sinh, mà còn cho thấy những tác động thực tế của quá trình dạy học theo chương trình mới.
Để làm tốt đề thi năm nay, học sinh cần có sự chuẩn bị nghiêm túc cả về kiến thức lẫn kỹ năng tư duy. Bởi trên thực tế, học sinh không thể ‘học vẹt’, học thuộc như trước đây, mà phải học theo hướng vận dụng, phân tích, đánh giá, gắn liền với thực tiễn. Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp học sinh phát triển năng lực một cách thực chất hơn", thầy Hùng nêu quan điểm.