Nhìn từ vấn đề nợ công của Mỹ: Các hàm ý cho chính sách quản lý ngân sách và nợ công quốc gia

Nếu xem hoạt động quản lý nợ và ngân sách của Chính phủ Mỹ như một doanh nghiệp đang vận hành hệ thống quản lý tài chính của mình thì một vài nguyên lý quản trị tài chính của doanh nghiệp có thể được ứng dụng trong trường hợp này.

Vấn đề nợ công của Mỹ đang là chủ đề thảo luận không chỉ của truyền thông nước này, mà còn là của cộng đồng truyền thông quốc tế do tính chất quan trọng của nó với nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế quốc tế. Nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ, chi tiêu của gia đình và chính phủ nước này sẽ bị ảnh hưởng, qua đó ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.

Nếu xem hoạt động quản lý nợ và ngân sách của Chính phủ Mỹ như một doanh nghiệp đang vận hành hệ thống quản lý tài chính của mình thì một vài nguyên lý quản trị tài chính của doanh nghiệp có thể được ứng dụng trong trường hợp này.

Hoạt động quản trị tài chính thường đơn thuần chỉ là ghi nhận thu chi với các việc chứng minh bằng chứng từ và đơn thuần chỉ là lĩnh vực hỗ trợ để phục vụ cho các lĩnh vực khác, nhưng trong một số trường hợp quản trị tài chính được nâng lên thành tầm chiến lược, trong đó bao gồm cả hoạt động đầu tư các khoản tài chính để sinh lợi. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố quản trị tài chính đơn thuần thì vấn đề quản trị ngân sách và nợ công của Mỹ còn gắn với cả các vấn đề kinh tế học và thương mại quốc tế.

Trước tiên cần xem qua cách nền kinh tế vận hành theo chiều hướng ngày càng phức tạp, nhưng phảng phất đâu đó những gợi ý tổng quát trong quản trị công, đặc biệt là vấn đề quản trị ngân sách và nợ công.

Ở một nền kinh tế cơ bản nhất, bao gồm một người bán và một người mua chỉ một sản phẩm mà ở đó phía người bán muốn bán với giá cao nhất trong khi người mua lại muốn mua với giá rẻ nhất; vì vậy sẽ xuất hiện hoạt động thương lượng và thỏa thuận để có được giao dịch. Khi đó, nền kinh tế “song phương” này được vận hành tương đối đơn giản.

Đến cấp độ rộng hơn, nền kinh tế lúc này có trăm người bán và trăm người mua cho cùng một loại sản phẩm. Lúc này thì hình thức đấu giá sẽ xuất hiện, có thể hiểu đại khái như như giao dịch khớp lệnh trong giao dịch chứng khoán. Người mua nào cần gấp thì mua sản phẩm trước với giá cao, người mua cần sau thì mua hàng tồn kho nhưng được hưởng giá thấp hơn.

Ở hai trường hợp trên, nền kinh tế vận hành tương đối đơn giản với mục đích thương mại thuần túy và trọng tâm là vận dụng chiến thuật và kỹ năng bán hàng, không có nhiều mục tiêu và kế hoạch mang tính chiến lược.

Đến trường hợp phức tạp hơn, chẳng hạn ở một nền kinh tế cũng chỉ có một người bán và một người mua nhưng với nhiều mặt hàng được đưa ra giao dịch. Lúc này người bán phải tính toán tăng giá mặt hàng nào và giảm giá mặt hàng nào để bán được hết hàng với tổng doanh thu và lợi nhuận là cao nhất. Người mua cũng tính toán tương tự để mua được rổ hàng với tổng chi phí bỏ ra là rẻ nhất.

Trường hợp phức tạp nhất là có trăm người bán và trăm người mua với nhiều mặt hàng, ngoài vấn đề của từng người bán và từng người mua thì trường hợp này còn yêu cầu thêm việc người bán nào cần phải giảm giá, người bán nào cần phải tăng giá và tương tự như vậy cho loại mặt hàng nào cần được tăng giá, mặt hàng nào cần được giảm giá; số lượng bao nhiêu là tối ưu nhất. Các tính toán chiến lược trên dựa trên cơ sở là hoạt động tăng giá ngành này đôi lúc lại làm ảnh hưởng đến giá cả và nhu cầu của sản phẩm ngành khác, dẫn đến tổng doanh thu của nền kinh tế giảm vì các ngành lúc này có sự phụ thuộc lẫn nhau.

Nếu nền kinh tế chỉ xuất hiện ngàn người bán và ngàn người mua thì chỉ cần sự can thiệp của một cấp quản lý ở quy mô hiệp hội ngành hàng; nhưng khi có sự xuất hiện vài triệu người bán và người mua thì cần có sự can thiệp ở quy mô chính phủ. Lúc này chính sách quản trị ngân sách (hoạt động thu-chi) phải được xây dựng và vận hành rất tinh vi, tinh tế và chiến lược nhưng lại được yêu cầu thêm cả sự hợp lý, đôi lúc lại phải đơn giản, thuận lợi và chính xác theo với một chiến lược thu-chi được vận hành theo nguyên tắc sao cho thực hiện hoạt động thu nhưng vẫn nuôi dưỡng nguồn thu, thực hiện hoạt động chi nhưng để tạo nguồn thêm thu chứ không phải chi đứt đoạn. Như vậy, hoạt động chi là chi dưới ý nghĩa đầu tư và sinh lợi.

Thu cao với những ngành đang sinh lợi tốt nhưng không mang tính chiến lược (ở đây là xét về lợi ích tổng thể, liên ngành, lâu dài và bền vững) nhưng vẫn phải nuôi nguồn thu này; thực hiện chi và đầu tư cho ngành “chưa” sinh lợi tốt nhưng mang tính chiến lược và là bệ đỡ cho nhiều ngành khác. Tùy trường hợp và thời điểm cụ thể mà sẽ chọn ngành nào là ngành mang tính chiến lược, đôi lúc phải chấp nhận rủi ro và chịu lỗ để duy trì hoạt động của các ngành chiến lược.

Ghép các vấn đề trên vào trường hợp nợ công của Mỹ, có thể thấy các vấn đề sau:

Tương tự các quốc gia châu Âu, Đông Bắc Á, Úc… thì Chính phủ Mỹ cơ bản là tập trung làm phúc lợi là chính, gồm các lĩnh vực như y tế, bảo hiểm, trợ cấp xã hội, an ninh, quốc phòng và đẩy phần việc tạo nguồn thu cho doanh nghiệp và người trực tiếp tham gia lao động. Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ “hỗ trợ” doanh nghiệp thực hiện và quản lý phần việc mà doanh nghiệp không có động lực trực tiếp để thực hiện liên quan đến phúc lợi, y tế, hạ tầng,… vốn không mang lại lợi nhuận trực tiếp và tức thời.

Đổi lại, doanh nghiệp phải chấp nhận rủi ro và bỏ ra trí tuệ, vốn để sáng tạo, đầu tư cho kinh doanh, khởi nghiệp để tạo ra lợi nhuận và việc làm cho xã hội và quan trọng hơn là thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho chính phủ để chính phủ thực hiện nghĩa vụ là “bà đỡ” và “chăm con” cho doanh nghiệp (gồm nghĩa đen là chăm lo giáo dục và các dịch vụ khác cho con cái của người làm cho doanh nghiệp và nghĩa bóng là cung cấp dịch vụ và phúc lợi cho người lao động của doanh nghiệp) và tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp (gồm các hoạt động hỗ trợ gián tiếp như ban hành chính sách, đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư quốc tế, thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, làm công tác ngoại giao và bảo vệ lợi ích ở nước ngoài của doanh nghiệp, đôi lúc chính phủ thực hiện hoạt động tài trợ kinh tế trực tiếp cho các chương trình kinh tế như Đạo luật Chips và Khoa học của Chính phủ Mỹ… ).

Hoạt động phân chia trách nhiệm giữa chính phủ và doanh nghiệp tại Mỹ có thể được ví như việc phân công lao động trong chuỗi giá trị để tối ưu hóa tổng giá trị của chuỗi. Theo đó, với phúc lợi tốt, hạ tầng đồng bộ và hiện đại, chính sách thông thoáng và chiến lược, quan hệ quốc tế đa dạng và ổn định, thương hiệu quốc gia có giá trị cao và được nhận biết rộng rãi… thì doanh nghiệp chỉ phải thực hiện vai trò trọng tâm là tham gia sáng tạo, đầu tư kinh doanh và thu lợi nhuận, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho chính phủ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng được yêu cầu là không làm ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu cơ bản của đất nước là phúc lợi, vì đây là phần duy trì sự ổn định và là nền tảng cho tiêu dùng và cung cấp lao động cho nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp làm ảnh hưởng tiêu cực đến các vấn đề cơ bản này thì sẽ bị điều chỉnh thông qua luật và các chính sách như chính sách lao động và chính sách chống độc quyền.

Nhìn chung nền kinh tế quốc gia và quốc tế sẽ ngày càng được mở rộng, quy mô tiêu dùng của người dân và chính phủ sẽ lớn hơn. Lúc này, tiêu dùng vừa là mục tiêu vừa là phương tiện để kích thích nhu cầu của quốc gia và quốc tế, qua đó kích thích đầu tư và phát triển kinh tế. Vì vậy vấn đề nợ công của Chính phủ Mỹ tăng lên trong bối cảnh quy mô của nền kinh tế lớn hơn, dân số tăng lên, chi tiêu cho các khoản đầu tư cho công nghệ cơ bản tăng lên và lạm phát tăng lên là một xu hướng khó tránh.

Mấu chốt nằm ở việc xây dựng kế hoạch thu-chi ngân sách sao cho hoạt động này được thực hiện theo triết lý tinh gọn và hiệu quả hơn trong chi tiêu để đảm bảo nguyên tắc cơ bản là thu và nuôi nguồn thu, chi và tạo thêm nguồn thu.

Phan Đình Mạnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhin-tu-van-de-no-cong-cua-my-cac-ham-y-cho-chinh-sach-quan-ly-ngan-sach-va-no-cong-quoc-gia/