Nhìn từ vụ PV Báo Giao thông bị hành hung khi tác nghiệp
Nếu làm nghiêm, những xe như của nhà xe Thế Vĩnh khó có thể lộng hành. Chỉ có điều, lực lượng chức năng có muốn làm hay không mà thôi.
Ngay sau khi xảy ra vụ PV Ngọc Hùng (Báo Giao thông, Văn phòng đại diện tại Miền Trung- Tây nguyên) bị tài xế xe Thế Vĩnh hành hung vào ngày 18/10, dư luận tỏ ra bức xúc trước thái độ bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe và tính mạng người khác của tài xế này.
Trên mạng xã hội cũng lập tức xuất hiện làn sóng phản đối nhà xe này; nhiều chủ xe cũng lên tiếng tố cáo tài xế của nhà xe Thế Vĩnh từng nhiều lần hành hung họ.
Đại diện nhà xe Việt Thanh chạy cùng tuyến với nhà xe Thế Vĩnh khẳng định, chính kẻ hành hung PV Ngọc Hùng và 4 người khác đã hành hung chủ xe Việt Thanh vào chiều ngày 8/10 tại huyện Ea Kar. Một hành khách cũng cung cấp clip xe Thế Vĩnh từng hành hung xe Nguyên Giáp vào đầu năm 2021.
Trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến tố cáo nhà xe Thế Vĩnh. Trên trang nhóm “Hội lái xe Đắk Lắk”, tài khoản Dương Hoàng, cho biết: “Nhà xe ni bao nhiêu trận đánh nhau với nhà xe khác rồi, có bị làm sao đâu. Trước còn định đánh cả khách nữa, cũng chỉ vì giá vé 50k với 70k thôi”.
Có thể thấy, sự việc hành hung PV Báo Giao thông ngày 18/10 vừa qua của tài xế xe Thế Vĩnh không phải là ngẫu nhiên. Phải chăng tài xế của nhà xe này đã quen với kiểu hành xử côn đồ như thế từ rất lâu, với bất kỳ ai?
>>> Clip: Nhà xe Thế Vĩnh tạo bến cóc, chạy dù trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Từ năm 2020, Báo Giao thông đã có nhiều bài viết điều tra phản ánh tình trạng bến cóc, xe dù trên địa bàn Đắk Lắk, trong đó nhà xe Thế Vĩnh là điển hình nhất. Nhà xe này có 10 chiếc xe khách núp bóng hợp đồng, chạy dù trên địa bàn Đắk Lắk.
Dư luận đặt câu hỏi vậy trách nhiệm của lực lượng chức năng ở đâu khi để tình trạng xe dù, bến cóc tái diễn nhiều năm liền?
Một cán bộ CSGT, cho biết: “Xe khách Thế Vĩnh rất manh động, nó thuê người theo dõi lực lượng chức năng lập chốt ở đâu là nó tìm cách chạy tránh theo đường khác, nên rất khó xử lý triệt để”.
Nếu vậy, chẳng lẽ đến CSGT cũng bó tay trước vấn nạn này?
Luật sư Dương Lê Sơn, Văn phòng luật sư Lê Sơn, Đoàn Luật sư Đắk Lắk, nhận định: Để nâng cao hiệu quả trong xử lý xe dù, bến cóc, cần xây dựng quy chế để làm rõ trách nhiệm của các lực lượng như CSGT, TTGT, chính quyền địa phương.
Cụ thể, nếu để tồn tại, phát sinh, tái diễn xe dù, bến cóc trên địa bàn quản lý thì các cơ quan, lực lượng trên sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với vai trò, chức phận của mình. Bên cạnh đó, chế tài xử lý xe dù, bến cóc hiện chưa đủ sức răn đe, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh vận tải xe hợp đồng, xe du lịch.
“Nhà xe hành hung nhau đã không thể chấp nhận, nhưng giờ lại hành hùng nhà báo đang tác nghiệp đúng với quy định pháp luật thì càng cần phải xử lý nghiêm minh”, luật sư nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở GTVT Đắk Lắk cho biết, muốn xử lý tình trạng xe dù, bến cóc không khó. Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đã có quy định rất cụ thể. CSGT, TTGT chỉ cần cải trang thành hành khách liên hệ qua điện thoại đặt vé, đi 1 chuyến là bắt gọn những xe hợp đồng trá hình.
Khi đó, những xe như của nhà xe Thế Vĩnh khó có thể lộng hành. Chỉ có điều, lực lượng chức năng có muốn làm, quyết tâm làm hay không mà thôi.