Nhìn và Cảm nhận: Ám ảnh nợ nần

Có những năm tháng, ước mơ duy nhất của tôi không hề theo 'trend cổ tích' là phải trở thành tỉ phú hay thành ông nọ bà kia, mà chỉ là trả nợ xong cho bố mẹ cũng như trả xong nợ ngân hàng.

Nỗi sợ nợ nần, "ra đê mà ở"

Ngày trước, khi bắt đầu biết suy nghĩ về trách nhiệm trong gia đình, nỗi sợ nhất của tôi là ngày mai cả nhà 9 miệng ăn không có gạo để nấu cơm, các em và bà nội bị đói.

Khi trưởng thành rồi, nỗi sợ nhất của tôi là ngân hàng đến đòi nợ và xiết nhà, lúc đó vợ chồng, con cái thực sự "ra đê mà ở".

Sẽ có người ngạc nhiên về những chuyện này. Thực ra nỗi sợ hay ước mơ của tôi lạ lùng như vậy đều có nguyên do của nó...

Bố mẹ tôi lúc đó có 6 đứa con "lít nhít" cùng bà nội luôn đau ốm vì tuổi già, vị chi là 9 người. Làm sao để 6 đứa con ăn no thôi chứ không phải là ăn ngon, đã là nỗi lo nặng nề hàng ngày của bố mẹ tôi.

Thời bao cấp không hiểu sao gạo mậu dịch lại lẫn nhiều thóc và đặc biệt là nhiều sạn đến vậy? Sạn phần lớn là những... viên cát, chứ không phải là hạt cát. Tôi nghe người lớn thì thào: "Thủ kho xúc gạo đem về nhà, hoặc đem đi bán cả bao tải. Sau đó đem bao tải cát đến trộn vào gạo để khi kiểm kho cân vẫn đủ số lượng". Hóa ra thời nào cũng không thiếu kẻ bất nhân.

Vì gia đình đông con, vào ngày 20 hàng tháng, nhà tôi đã hết gạo. Lúc đó, mẹ và bà nội thường mang rá đi hàng xóm vay gạo. Tháng sau mua gạo theo sổ ở cửa hàng lương thực thì mẹ lại đong đem trả. Hoặc mẹ vay tiền của những cô chú công nhân chưa có con cái để ra chợ đong gạo. Tháng sau, bố mẹ lĩnh lương hưu thì trả.

Chuyện vay gạo, vay tiền diễn ra quanh năm. Dù những người cho vay có vẻ vui vẻ, nhưng tôi nhận thấy trong ánh mắt của mẹ một sự nhẫn nhịn thầm kín. Những lần vay mượn ấy, với tôi, ban đầu chỉ là chuyện thường ngày, nhưng càng lớn lên, tôi càng thấm thía nỗi lo lắng của mẹ. Cảm giác ngạt thở của một đứa con bắt đầu lớn nhìn thấy mẹ đứng trước cửa nhà hàng xóm, tay cầm chiếc rá (đan bằng sợi nứa) trống không, mắt nhìn xuống đất ngượng ngùng, cứ ám ảnh tôi đến mãi sau này.

Ký ức sâu đậm tuổi thơ của tôi không phải là vui đùa bên bạn bè cùng lứa, mà là những tiếng thở dài của bố mẹ khi đối mặt với những khoản nợ hàng tháng."

Nhà báo Tô Phán

Tôi nhớ những ngày bố mẹ ngồi tính toán từng đồng, xoay sở cho đủ bữa ăn, mua thuốc men, sách vở, quần áo cho các con. Những câu chuyện về người đến đòi nợ, về việc vay gạo chưa trả đúng hẹn, đã trở thành chuyện thường ngày ở gia đình tôi thời đó. Nợ nần không chỉ là chuyện của người lớn, mà còn là nỗi lo lắng vô hình ám ảnh đứa trẻ là tôi, khiến tôi lớn lên trong sự bất an thường trực.

Có những đêm nằm nghe thấy bố mẹ to nhỏ tính toán cách khất nợ, trả nợ, giấc ngủ của tôi chập chờn, đầy những lo lắng không rõ hình hài. Nhiều lần tôi ước ao rằng bố mẹ và gia đình mình sẽ không còn nợ nần, nhưng điều đó thật xa vời.

Dù mẹ luôn cố gắng xoay sở, dù gia đình tôi luôn cùng nhau làm việc cật lực cũng không xóa được vòng luẩn quẩn nợ nần. Gia đình tôi là một trong những gia đình phải gánh chịu cực nhọc của nghèo khó và nợ nần chồng chất. Nhà đông con, mẹ và chị cả lại thường xuyên đau ốm, phải nằm viện dài ngày, khiến kinh tế gia đình tôi rơi vào khủng hoảng. Dù bố từng là giám đốc của một công ty nhà nước, nhưng sau khi về hưu, nợ nần và áp lực mưu sinh đã đẩy bố vào những công việc lao động khổ cực mà trước đó ông chưa từng phải làm, tất cả chỉ để kiếm từng đồng bạc lẻ nuôi con, trả nợ.

Bố mẹ ngày đêm xay đỗ tương làm đậu phụ đem bán, hay nấu rượu "cuốc lủi" bán cất cho mấy tay buôn rượu, thậm chí bố đã phải đạp xe vài chục cây số để mua gà về thành phố bán kiếm chút lời, mẹ hàng ngày đi bộ cả chục cây số mua rau về chợ phường bán kiếm lời vài hào... Tất cả những cố gắng cực nhọc và phi thường đó của bố mẹ đều không có đủ tiền đề trả những khoản nợ xa, nợ gần.

Ban đầu tôi không ấn tượng gì về nợ nần của gia đình, nhưng lâu dần thì như bị ám thị. Lúc đó tôi tự hưa với chính mình rằng sẽ không bao giờ mắc nợ ai. Tuy nhiên, cuộc sống không biết trước được gì. Tôi đã phải vay nợ từng hào để mua vé tàu điện từ trường đại học ra thăm cô ruột. Rồi nợ tiền, nợ mấy chỉ vàng của người thân đem đi xin việc thì bị lừa... Rồi những khoản nợ sau này vợ chồng tôi phải gánh để xoay sở nuôi con... Tôi đau đớn khi biết chị gái và anh rể cũng lâm vào cảnh phá sản nghề xây dựng mà Tết đến phải đưa cháu gái tôi đi trốn nợ.

Sau này nữa là vợ chồng tôi nợ ngân hàng những khoản tiền lớn, hàng tháng đến ngày trả lãi thì sốt nóng sình sịch. Thế chấp nhà để vay khoản nọ, khoản kia, nhiều khi nghĩ đến cảnh bị ngân hàng xiết nợ, vợ chồng con cái ra đê ở, mà toát mồ hôi lạnh. Trong thời gian này, ước mơ của tôi chỉ đơn giản là trả được những món nợ của bố mẹ, của chính vợ chồng mình để không còn lo lắng về nợ nần, để được bình yên trong tâm trí.

Nợ tiền còn tìm cách kiếm tiền trả, nhưng nợ ân tình thì khó trả nhất"

Nhà báo Tô Phán

Nợ ân tình - món nợ khó trả nhất.

Trong cuộc sống khó tránh có những người là chủ nợ coi con nợ ân tình như con rối, là công cụ để họ điều khiển. Khi người chủ nợ ân tình cố tình đòi nợ một cách tế nhị thì không biết bao giờ trả cho hết. Tâm thế nợ tiền làm cho con người ta hèn đi, nợ ân tình còn làm người ta ở dưới cả mức hèn.

Khi người ta giúp mình một việc nhỏ thì dễ, nhưng khi họ nhờ lại việc khác mà ngoài khả năng của mình thì vô cùng khó xử. Cái tâm thế đi lại, nhờ cậy, nhờ vả, nó khổ lắm. Và vòng luẩn quẩn nhờ cậy, nhờ vả cứ diễn ra liên tiếp, dường như không thấy điểm kết thúc vì liên tục phát sinh những khoản nợ ân tình mới.

Có mấy ai đi xuyên cuộc đời đông nghẹt người này một mình được đâu. Có nhiều người giúp đỡ mình vô tư, nhưng cũng có người giúp đỡ mình sau đó lại yêu cầu giúp đỡ trả lại những việc mà mình không thể không cân nhắc. Khi biết ai đó giúp mình một việc với mục đích ngoài sự cảm thông chia sẻ thông thường, trong lòng tôi lại dấy lên cảm giác lo lắng, không yên. Tôi cảm thấy như mình đang ở giữa một ma trận, nơi mà mọi sự giúp đỡ đều kèm theo những điều kiện "ngầm". Sự tự do bỗng chốc bị biến đâu mất, nhường chỗ cho cảm giác bất an.

Nhưng cuộc sống cứ trôi qua, tôi vẫn phải vật lộn giữa những khoản nợ, cả vật chất lẫn tinh thần. Nợ không chỉ là con số trên giấy tờ, mà là những mảnh ghép của cuộc đời, là những ký ức đau đáu với nỗi lo sợ phập phồng. Và thực tế là tôi chỉ có thể chấp nhận và sống chung với nợ đến khi thực sự trưởng thành.

Trả nợ ân tình đúng đắn nhất là gì?

Ân tình không đo đếm được như tiền bạc và ân tình không thể trả bằng tiền bạc. Trả ân tình chỉ bằng lòng tự trọng, sự biết ơn và thái độ sống cho tử tế mà thôi. Vì vậy, điều duy nhất tôi có thể làm là cố gắng sống tốt hơn, sống tử tế hơn với mọi người, nhất là người thân của mình, để bù đắp lại những gì mình đã nợ lòng tốt của những ai đã từng giang tay ra khi mình gặp hoạn nạn.

Cuộc sống là những chuỗi ngày cho đi và nhận lại, được và mất. Được chưa chắc đã hay, mất cũng chưa chắc đã dở. Tôi đã hết sức cố gắng không để nợ nần mài mòn đi lòng tự trọng, không để nợ nần giết chết niềm tin và lòng tốt của những người mình đã gặp.

Tuy nhiên, ám ảnh nợ nần đến mức khi gia đình lớn, gia đình nhỏ, gia đình của chị tôi không còn nợ ai một đồng, thì tôi vẫn lo, nỗi lo về sự thiếu hụt đã in sâu vào tâm trí, trở thành một phần cố hữu trong tư duy. Tôi luôn sợ rằng nếu không cố gắng, cả gia đình mình sẽ lại rơi vào vòng xoáy nợ nần như ngày xưa. Nỗi sợ nợ nần có từ nhỏ khiến tôi luôn cẩn trọng trước các quyết định tài chính, và luôn dự phòng cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Tôi làm việc chăm chỉ thực ra để mình và gia đình mình không còn rơi vào cảnh nợ nần thêm lần nào nữa.

Vì thế, mỗi lần có tiền, tôi không nghĩ đến việc mua sắm hay tiêu pha cho bản thân, mà chỉ nghĩ đến cách trả nợ và lo cho bố mẹ, cho vợ con và cho các em. Có những ngày tôi căng thẳng đến nghẹt thở, vì không biết làm thế nào để cân bằng giữa việc trang trải cuộc sống và trả nợ. Mọi chi tiêu trong gia đình đều được tôi tính toán cẩn thận, từng đồng bạc cũng phải được dùng đúng chỗ, vì nỗi lo nợ nần vẫn đeo bám trong tiềm thức.

Tôi đã từng bán ô tô để lo cho 2 con nộp học phí nhưng lại phản ứng đến mức dữ dội khi ai đó trong gia đình chi một khoản vô lý/vô nghĩa... Và khi đó, trong mắt người thân, tôi trở thành kẻ xấu xa, keo kiệt nhất thế giới. Đâu có phải ai trong đại gia đình tôi cũng hiểu rằng, chỉ khi tôi tích cóp được chút tiền, trả dần từng khoản nợ cho bố mẹ, người thân và các khoản nợ của gia đình nhỏ, tôi mới cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm.

Những năm tháng bố mẹ phải mang công mắc nợ chỉ vì phải lo cho 6 đứa con ăn học, những năm tháng tôi nợ tiền bạc người khác, đặc biệt là nợ ân tình, đã khắc dấu trong ký ức của tôi, trở thành nỗi ám ảnh nhiều năm. Những trải nghiệm đau thương đó vô tình đã giúp tôi trưởng thành hơn, hiểu được giá trị của tiền bạc và tình thương.

Tôi học cách trân trọng từng đồng tiền mình kiếm được, biết chia sẻ và giúp đỡ người thân khi có thể. Và tôi luôn sống với lòng biết ơn đối với những ai đã giúp đỡ tôi và gia đình tôi trong lúc khó khăn.

Đến hôm nay, khi ám ảnh nợ nần đã đi qua, tôi mới bình yên viết những dòng về tâm trạng từng va đập dữ dội trong quá khứ. Để làm gì? Để với mục đích là mong rằng người thân của mình đừng bao giờ phải trải qua những năm tháng ám ảnh nợ nần như mình!

Tô Phán

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhin-va-cam-nhan-am-anh-no-nan-179241224080855288.htm