Acetonitrile nguy hiểm như thế nào?

Acetinotrile có độc tính thấp, tuy nhiên trong một số trường hợp Acetonitrile có thể chuyển hóa để tạo ra Hydro xyanua có độc tính cao.

Thông tin trên tờ Vietnamplus, Acetonitrile là dung môi phân cực, dễ bay hơi và có mùi giống với mùi ether, được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp dược phẩm, hóa chất và phân tích.

Acetonitrile là chất lỏng, không màu, có mùi ether hoặc mùi hăng của giấm; là dung môi phân cực, dễ bay hơi. Nhiệt độ sôi là 81,6 độ C ở 760mmHg.

Acetonitrile tan vô hạn trong nước ở 25 độ C. Có thể trộn lẫn với các dung dịch metanol, metyl axetat, ete, clorofom, cacbon tetraclorua, etylen clorua và với nhiều hydrocacbon không no. Không trộn lẫn với nhiều hydrocacbon no.

Acetonitrile hòa tan trong rượu. Ngưỡng nồng độ phát hiện mùi từ AIHA trung bình khoảng 1160 ppm. Theo Nagata và Takeuchi là 13 ppmv.

Chia sẻ trên tờ Đại đoàn kết, BS. Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, Acetinotrile có độc tính thấp, tuy nhiên trong một số trường hợp Acetonitrile có thể chuyển hóa để tạo ra Hydro xyanua có độc tính cao.

Acetinotrile cũng được sử dụng là nguyên liệu sản xuất các dẫn xuất pyridine là chất trung gian của thuốc diệt cỏ sulfonylurea. Nó còn dùng để sản xuất vitamin B1 trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, pin, các sản phẩm cao su...

Trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là methanol, không phải Acetonitrile. Methanol được dùng làm dung môi công nghiệp và đôi khi bị pha trộn vào rượu giả, gây ngộ độc nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nếu Acetonitrile được sử dụng một cách bất hợp pháp trong quá trình sản xuất rượu hoặc pha trộn rượu giả, thì ngộ độc Acetonitrile có thể xảy ra.

“Trong các loại rượu giả, Acetonitrile có thể được tìm thấy do việc pha trộn hóa chất công nghiệp để thay thế ethanol. Điều này là cực kỳ nguy hiểm vì Acetonitrile rất độc hại đối với cơ thể...”, BS. Thiệu nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong quá trình sản xuất rượu, nếu nguyên liệu hoặc môi trường bị ô nhiễm, Acetonitrile có thể được tạo ra như một sản phẩm phụ từ sự phân hủy Nitơ hữu cơ hoặc từ các quá trình hóa học không mong muốn.

Các tạp chất trong nguyên liệu thô, chẳng hạn như hạt ngũ cốc bị hỏng hoặc nhiễm bẩn, có thể góp phần tạo ra Acetonitrile trong rượu.

“Acetonitrile là một dung môi công nghiệp, thường không có trong thành phần tự nhiên của rượu. Khi vào cơ thể, Acetonitrile được chuyển hóa thành Cyanide, một chất cực độc và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng”, BS. Thiệu cho biết.

Ngọc Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/acetonitrile-nguy-hiem-nhu-the-nao-post535980.html