Nhịp cầu chưa kết nối

Mặc dù thuộc TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), nhưng do nằm biệt lập trên sông Hậu, xã Mỹ Hòa Hưng (cù lao Ông Hổ) chưa phát triển như mong đợi, cũng bởi cách trở giao thông, phụ thuộc hoàn toàn vào phương tiện thủy. Việc tháo gỡ khó khăn đặc thù này nằm ngoài tầm với của địa phương.

Muốn đến xã Mỹ Hòa Hưng, chỉ có thể “lụy đò”

Muốn đến xã Mỹ Hòa Hưng, chỉ có thể “lụy đò”

Cù lao Ông Hổ thường xuyên đón tiếp lãnh đạo Đảng, nhà nước, bộ, ngành Trung ương, vì đây là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, trở ngại về giao thông khiến quá trình di chuyển từ bờ Long Xuyên sang Mỹ Hòa Hưng mất hàng chục phút lênh đênh trên phà.

Ông Nguyễn Văn Tri (ngụ xã Mỹ Hòa Hưng) chia sẻ: “Bà con chúng tôi ao ước có được cây cầu nối liền trung tâm TP. Long Xuyên sang cù lao này, để rút ngắn thời gian di chuyển, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn, phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn. Dự án cầu đã nhiều lần được nhắc đến, nhưng chưa biết khi nào trở thành hiện thực”. Vì thế, mỗi lần tiếp xúc đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND các cấp, cử tri TP. Long Xuyên nói chung, xã Mỹ Hòa Hưng nói riêng nhắc lại việc đầu tư cây cầu này.

Theo UBND tỉnh, ngày 9/12/2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 396/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang. Theo đó, đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng cầu nối TP. Long Xuyên với cồn Mỹ Hòa Hưng, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tỉnh lập dự án theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo trên, UBND tỉnh khảo sát, đề xuất quy mô dự án theo cấp kỹ thuật đường thủy nội địa cấp đặc biệt trên sông Hậu, quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BGTVT, ngày 29/12/2016 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Chiều rộng cầu 16m cho 4 làn xe, cầu dây văng nhịp chính 300m, toàn cầu dài 1.990m; tổng mức đầu tư 3.080 tỷ đồng. Ngày 18/1/2022, UBND tỉnh có Tờ trình 29/TTr-UBND về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cầu Tôn Đức Thắng gửi Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 25/2/2022, Bộ GTVT có Công văn 1791/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang để trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 2 và kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch giao thông đường bộ và đường thủy tỉnh An Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, thống nhất xây dựng cầu nối Long Xuyên qua cồn Mỹ Hòa Hưng thay thế bến phà Ô Môi.

Công trình này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân khi viếng thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (được công nhận Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2012); tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của xã Mỹ Hòa Hưng nói riêng và TP. Long Xuyên nói chung. Do công trình này thuộc thẩm quyền quản lý đầu tư của UBND tỉnh An Giang, đề nghị UBND tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn địa phương để triển khai thực hiện. Trường hợp khó khăn về nguồn vốn, đề nghị UBND tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ.

Ngày 28/1/2022, UBND tỉnh nhận Phiếu chuyển 186/PC-VPCP của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Từ yêu cầu cấp thiết, thông qua buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh thực hiện đầu tư cầu Tôn Đức Thắng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện không thể một sớm một chiều, vì dự án vướng các quy định quốc tế. Trả lời người dân TP. Long Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư thông tin: “Bộ GTVT cho biết, khi xây dựng cầu bắc qua sông Hậu (luồng chính của sông Mekong, tức là luồng sông quốc tế), độ thông thuyền bắt buộc 37,5m (tương đương cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ), tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng. Mặt khác, cự ly từ cầu Mỹ Hòa Hưng đến cầu Vàm Cống quá gần, không đủ điều kiện bố trí. Hiện nay, chưa thể trả lời cụ thể với người dân khi nào chính thức triển khai dự án này, triển khai như thế nào”.

Cũng theo ông Trần Anh Thư, trước mắt, UBND tỉnh tiếp tục ghi nhận ý kiến cử tri, làm việc với Bộ GTVT theo phương án chuyển luồng chảy từ Long Xuyên qua Mỹ Hòa Hưng thành luồng phụ. Khi ấy, cầu sẽ có độ thông thuyền tương đương cầu Châu Đốc, tổng mức đầu tư khoảng 800-900 tỷ đồng. Với mức kinh phí này, xem xét nguồn lực của An Giang cộng với sự hỗ trợ các bộ, ngành, tỉnh sẽ thực hiện được.

“Cầu nối liền TP. Long Xuyên với xã Mỹ Hòa Hưng là tâm huyết, tình cảm của người dân An Giang đối với quê hương Bác Tôn. Tuy nhiên, phải dựa vào các quy hoạch tổng thể giao thông đường thủy, đường bộ; lộ trình thực hiện; quy định quốc tế. Nếu thay đổi luồng chính, luồng phụ, phải có ý kiến của Ủy hội sông Mekong, cần Chính phủ hỗ trợ, tháo gỡ từng bước” - Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) gợi mở.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhip-cau-chua-ket-noi-a361813.html