'Nhịp cầu' gắn kết ý Đảng với lòng dân
Những năm qua, vai trò của người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được phát huy. Họ đã trở thành 'nhịp cầu' gắn kết giữa ý Đảng với lòng dân.
Những “cánh chim đầu đàn”
Ở mỗi vùng đồng bào DTTS đều có những người có uy tín tiêu biểu. Họ là già làng, trưởng bản, trưởng tộc, họ, các vị chức sắc, tôn giáo, nhân sĩ trí thức người DTTS… được cộng đồng suy tôn. Người có uy tín có vị trí, vai trò quan trọng không chỉ trong phạm vi gia đình, dòng họ mà còn có sự ảnh hưởng, có tiếng nói trong cộng đồng về nhận thức, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền huy động sự tham gia của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với vai trò là Sư cả, là người có uy tín trong làng, trong xã và trong các chức sắc Bàlamôn của cộng đồng người Chăm ở huyện Tuy Phong, Sư cả Thường Xuân Hữu ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc luôn xác định tín đồ, quần chúng nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong mọi việc. Muốn thành công trong công tác vận động họ ngoài yếu tố về vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, mặt trận và các đoàn thể thì người già làng, chức sắc tôn giáo và những người có uy tín có vai trò quan trọng bởi là người vừa hiểu rất rõ tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào mình, còn có kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống. Từ việc làm và uy tín của mình khi tham gia giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh mâu thuẫn trong xóm làng đều thành công. Hay khi vận động tộc họ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương thuận lợi hơn. “Bản thân tôi kịp thời thông tin những chủ trương, chính sách của nhà nước nhất là chính sách đại đoàn kết dân tộc, vận động người có uy tín phải gương mẫu chấp hành không nghe kẻ xấu lợi dụng. Thường xuyên nắm tâm tư nguyện vọng của bà con để phản ánh lại với Đảng, chính quyền giải quyết kịp thời. Vận động đồng bào Chăm biết giữ gìn vệ sinh môi trường trồng cây xanh trước nhà, không xả rác, nước thải ra đường, không phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế…”, Sư cả Thường Xuân Hữu chia sẻ.
Hay như ông Tsằn Bội Lộc ở xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình là một doanh nghiệp tiêu biểu người DTTS kinh doanh lúa gạo, làm chủ 2 nhà máy xay xát lương thực. Ông luôn đi đầu trong các phong trào địa phương như tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động liên tục, thường xuyên giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà ở cho người nghèo, đóng góp kinh phí làm giao thông nông thôn...
Phát huy vai trò của người uy tín
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và của tỉnh nên đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS trong tỉnh từng bước được nâng lên. Hệ thống giao thông đi lại được thuận lợi, bản sắc văn hóa tốt đẹp dân tộc được giữ gìn, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng thắt chặt, lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã, được phủ sóng phát thanh, truyền hình, 90% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, hơn 88,3% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% xã thuần đồng bào DTTS có nhà văn hóa, 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng… Để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, người có uy tín thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tích cực tham gia các buổi sinh hoạt tại địa phương.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai kịp thời nhiều chế độ, chính sách phù hợp đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh theo quy định của Trung ương. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị, tọa đàm, nói chuyện thời sự, tập huấn cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người có uy tín… Từ đó, giúp người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần tạo sự chuyển biến vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhip-cau-gan-ket-y-dang-voi-long-dan-97392.html