Nhịp cầu nối những bờ vui

PTĐT - Không chỉ đơn thuần là công trình hạ tầng phục vụ giao thông, những cây cầu trên địa bàn tỉnh còn có nhiều ý nghĩa đặc biệt, là biểu tượng của lịch sử-văn hóa, góp phần vào sự phát triển chung của vùng Đất Tổ.

Bác Hồ về thăm công trường xây dựng cầu Việt Trì ngày mùng 1 Tết Bính Thân năm 1956. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ về thăm công trường xây dựng cầu Việt Trì ngày mùng 1 Tết Bính Thân năm 1956. Ảnh: Tư liệu

Nối lịch sử hào hùng…Nằm ở vị trí ngã ba sông, nơi tiếp giáp giữa đồng bằng và miền núi, trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, thành phố Việt Trì có mạng lưới giao thông đối ngoại tương đối thuận tiện; bao gồm cả đường bộ, đường thủy và đường sắt… Chính vì vậy, thành phố cũng là địa phương có nhiều cây cầu đối ngoại nhất. Ở cửa ngõ phía Nam thành phố, cầu Việt Trì là một biểu tượng độc đáo và hiếm có không thể không nhắc đến mỗi khi nhớ về thành phố ngã ba sông. Độc đáo bởi cây cầu kết hợp cả đường sắt và đường bộ này được tổ chức lưu thông ngược chiều. Còn hiếm có bởi hiện ở Việt Nam chỉ có hai cây cầu như vậy là cầu Long Biên ở Hà Nội và cầu Việt Trì ở Phú Thọ. Nằm trên tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 2, cây cầu đã trở thành mục tiêu mà “địch quyết phá còn ta quyết giữ” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.Ngược lại dòng thời gian, cây cầu Việt Trì đầu tiên nằm trên huyết mạch nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc được xây dựng từ năm 1901, cùng với cầu Long Biên ở Hà Nội, trong chiến lược khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp. Bị chiến tranh tàn phá, cuối năm 1955, cầu Việt Trì được xây dựng lại. Ngày 12/2/1956 (tức mùng Một tết Bính Thân), Bác Hồ đã đến thăm và chúc Tết toàn thể cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại công trường khôi phục cầu Việt Trì. Chỉ hơn một tháng sau (ngày 23/3/1956), cầu Việt Trì hoàn thành và đã là chất liệu là nguồn cảm hứng cho một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Hà với những giai điệu vui tươi: “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì, trong đêm khuya vẫn còn rọi về/ Nghe tưng bừng ngày đêm tiếng ca…”.Cầu Việt Trì xây dựng ngày ấy dù lại bị tàn phá trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhưng bài hát “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì” đã in đậm trong lòng mỗi người dân thành phố ngã ba sông anh hùng. Đến năm 1992, một cây cầu mới lại được dựng lên, giữ nguyên vẹn những giá trị kiến trúc và văn hóa, tiếp nối dòng chảy hàng nghìn năm lịch sử, miệt mài thực hiện sứ mệnh nối hai bờ sông Lô, nối Thủ đô kháng chiến với Thủ đô của cả nước, nối quá khứ với hiện tại, nhắc nhở mỗi người dân Đất Tổ luôn tự hào về truyền thống anh hùng của quê hương.

Cầu Ngọc Tháp là điểm nhấn quan trọng tại địa bàn tỉnh trên con đường nối suốt chiều dài đất nước - đường Hồ Chí Minh.

Cầu Ngọc Tháp là điểm nhấn quan trọng tại địa bàn tỉnh trên con đường nối suốt chiều dài đất nước - đường Hồ Chí Minh.

…đến tương lai tươi sáng

Nhớ lời dạy của Bác năm xưa: “Cầu đường là mạch máu của một nước. Cầu đường tốt thì có lợi cho kinh tế, hàng hóa dễ lưu thông”. Đáp ứng yêu cầu vận tải đường bộ, cuối năm 2013, một cây cầu mới có tên Hạc Trì được khởi công xây dựng song song với cầu Việt Trì cũ. Tháng 5/2015, cầu Hạc Trì đưa vào sử dụng góp phần giảm thiểu ùn tắc, quá tải trên cầu Việt Trì, thông suốt Quốc lộ 2, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng các tỉnh phía Tây Bắc nói chung và hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc nói riêng. Cùng thời điểm đó, cầu Văn Lang cũng được khởi công. Sau 3 năm xây dựng, cây cầu chính thức đưa vào hoạt động. Với tổng mức đầu tư trên 1.460 tỷ đồng, cầu Văn Lang bắc qua sông Hồng nối thành phố Hà Nội với thành phố Việt Trì, có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông thông suốt, thuận lợi giữa thành phố Việt Trì nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung với khu vực phía Tây thành phố Hà Nội, tạo thêm một huyết mạch giao thông quan trọng giữa các tỉnh Tây Bắc với thủ đô, trở thành nhân tố tích cực cho sự phát triển dịch vụ, du lịch, mở ra những cơ hội mới cho cả khu vực.Những cây cầu nối mọi miền từ Đất Tổ đi vào sử dụng, đã phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của vùng đất cội nguồn, góp phần quan trọng đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển lên từng tầm cao mới. Ngược sông Lô có cầu Đoan Hùng, cầu Vĩnh Phú - cây cầu vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương xây dựng; ngược sông Hồng có cầu Phong Châu nối quốc lộ 32C, cầu Hạ Hòa, cầu Ngọc Tháp - cây cầu nối hai huyện Tam Nông và thị xã Phú Thọ, nằm trong dự án đường Hồ Chí Minh - con đường thông suốt chiều dài đất nước từ cụm di tích lịch sử Pác Pó (Cao Bằng) đến tận đất mũi Cà Mau, là điểm nhấn quan trọng của toàn bộ dự án đi qua vùng Đất Tổ Vua Hùng; ngược sông Đà có cầu Trung Hà, cầu Đồng Quang- cây cầu kết nối giao thông giữa các địa phương phía Tây Bắc của thành phố Hà Nội và các huyện phía Tây Nam của tỉnh mà đặc biệt là Khu di tích K9 - Đá Chông - địa danh lịch sử, văn hóa đặc biệt gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vùng đất nhiều tiềm năng du lịch là huyện Thanh Thủy. Cây cầu là công trình có ý nghĩa chiến lược trong việc hình thành và kết nối vùng du lịch trọng điểm của tỉnh tương lai gần.Những cây cầu trên mọi miền Đất Tổ có vai trò quan trọng, tạo thế liên hoàn giao thông cho cả một vùng rộng lớn, thúc đẩy giao lưu kinh tế- văn hóa - xã hội và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh ở các địa phương. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình trở về nguồn cội của đồng bào cả nước và kiều bào nước ngoài tới thăm quan và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đền Hùng và còn được xem là cầu nối quan trọng trên những cung đường hướng về nguồn cội, hay những cung đường kết nối cội nguồn với tương lai.

Phương Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202101/nhip-cau-noi-nhung-bo-vui-174705