Nhịp cầu số dẫn dòng chảy thương mại băng qua đại dịch

Nền tảng công nghệ khiến đảo quốc này nắm bắt nhanh xu hướng trải nghiệm trực tuyến, địa điểm và mô hình tổ chức sự kiện hybdrid kết hợp trực tiếp - trực tuyến.

Cuối tháng 11/2020, TravelRevive - Triển lãm Thương mại Singapore thu hút gần 1.000 khách tham dự trực tiếp đã khiến cả thế giới bất ngờ. Đây là sự kiện thí điểm quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại châu Á, thử nghiệm giao thức hội chợ thương mại theo mô hình hybrid kết hợp trực tiếp - trực tuyến cho các sự kiện DN an toàn, lộ trình an toàn và hỗ trợ kỹ thuật số ở Singapore.

Nền tảng công nghệ khiến đảo quốc này nắm bắt nhanh xu hướng trải nghiệm trực tuyến, địa điểm và mô hình tổ chức sự kiện hybdrid kết hợp trực tiếp - trực tuyến.

Đặc biệt, lễ hội Ẩm thực Singapore được tổ chức trực tuyến, nhưng vẫn mang đến nhiều hoạt động hấp dẫn như khám phá ẩm thực đường phố, học nấu ăn trực tuyến, hay đặt món ăn từ sự kiện giao đến tận nhà...

Trong tương lai, khách hàng có thể mong đợi nhiều sự kiện kết hợp công nghệ hơn với các giải pháp Thực tế ảo (VR), Thực tế tăng cường (AR) và Thực tế mở rộng (XR).

Tại Việt Nam, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hội chợ triển lãm có lịch sử hàng chục năm cũng phải tạm hoãn và buộc các nhà tổ chức phải xoay hướng. Giữa dịch bệnh, Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) quốc tế có nguy cơ bị hoãn hoặc hủy bỏ. Nhưng với nỗ lực của nước chủ nhà, lần đầu tiên Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2020 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trên nền tảng công nghệ do Việt Nam xây dựng.

Sau 50 năm kể từ khi bắt đầu tổ chức, lần đầu tiên, để vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu sáng kiến tổ chức sự kiện theo hình thức trực tuyến. Sáng kiến này đã được ITU và các nước thành viên ủng hộ và đánh giá cao. Và đây là lần đầu tiên sự kiện tầm cỡ thế giới này được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Hội chợ sách quốc gia 2020 cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến, sự kiện đã thu hút 49 đơn vị xuất bản tham gia gồm 24 nhà xuất bản và 25 công ty phát hành sách lớn trên cả nước, với số lượng sách giới thiệu khoảng 10.000 đầu sách in và tiếp cận kho sách điện tử đến 10.000 đầu sách.

Tương tự với Vietnam Expo 2021, triển lãm này sẽ là sự kết hợp giữa gian hàng trực tuyến với trực tiếp, giúp DN vừa có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến hoặc đặt lịch hẹn giao dịch thông qua ứng dụng trung gian trên Internet trong suốt kỳ triển lãm.

Dòng chảy thương mại không bị gián đoạn

Dịch Covid-19 đã khiến cho các chương trình hội chợ, triển lãm bị dừng và cơ hội giao thương, xúc tiến thương mại giữa các DN bị gián đoạn. Do đó, việc áp dụng hình thức tổ chức triển lãm, hội chợ trực tuyến sẽ là hướng đi mới trong nền kinh tế số.

Chương trình Cấp quốc gia về xúc tiến thương mại 2020 phê duyệt 319 đề án, trong đó, hơn 50% đề án được điều chỉnh phương thức triển khai từ truyền thống sang kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tế của thị trường; 80 đề án phải hủy thực hiện do tác động của dịch Covid-19. Như vậy, tổng số đề án thực hiện là 239 đề án, đạt 74,9% kế hoạch.

Các hình thức giao thương trực tuyến hay tổ chức gian hàng từ xa giúp khắc phục tình trạng bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19. Nói cách khác, đây là một phương thức đảm bảo tính liên tục của hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngoài ra, hình thức giao lưu trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho DN nhưng vẫn đảm bảo nội dung thông tin liên quan đến giao thương giữa hai bên.

Vietnam Expo 2021 đã đem lại cho người sử dụng hay các đơn vị cung cấp sản phẩm tại triển lãm lần này những trải nghiệm, nhìn thấy được điểm mạnh, điểm tốt và những hiệu quả của việc tham gia triển lãm online.

Lạc quan về mô hình mới mẻ này, ông Lê Viết Cảnh, Giám đốc điều hành Công ty CP Nghiên cứu và Phát triển Fabbi kỳ vọng, với triển lãm online, đây là nguồn tiếp cận mới ngoài thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất là Nhật Bản, công ty có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn khác như châu Âu, Mỹ. Với hình thức xúc tiến thương mại online, công ty sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tác khác nhau.

Công nghệ số giữ vai trò quyết định

Thực tế cho thấy rằng hình thức tổ chức sự kiện trực tuyến đã tồn tại từ rất lâu, , tuy nhiên đại dịch khiến nó có “bàn đạp” để nhanh chóng trở thành một xu hướng mới.

Triển lãm trực tuyến sẽ dựa trên công nghệ môi trường ảo hoạt động theo mô hình điện toán đám mây. Cũng giống như triển lãm thật, môi trường ảo có phòng triển lãm, có gian hàng, khu trưng bày hàng hóa, hành lang, thư viện, hội trường,... cùng với người giới thiệu ảo.

Với không gian ảo rất rộng, có thể chứa hàng ngàn gian hàng và cho phép nhiều người thăm quan, triển lãm ảo có thể mở cả 24 giờ và khách hàng có thể truy cập triển lãm ở bất cứ địa điểm nào trên thế giới.

Việc di chuyển trên môi tường ảo rất đơn giản, khách hàng có thể di chuyển qua các phòng hoặc tìm quầy mong muốn trong tích tắc. Triển lãm này có thể có phụ đề cho nhiều ngôn ngữ khác nhau, khách hàng có thể trò truyện bằng cách nhắn tin hoặc qua skype.

Đại dịch là 1 sự cố nhưng đã làm nảy sinh cơ hội và tạo thêm áp lực chuyển đổi. Đây cũng là dịp DN tư duy về việc thay đổi chiến lược kinh doanh theo mô hình công nghệ số, hướng tới việc thay đổi chuỗi cung ứng và quản trị chuỗi cung ứng để đáp ứng hiệu quả, nhanh với yêu cầu của thị trường mà công nghệ là một trợ thủ đắc lực có thể giúp được doanh nghiệp việc này.

Việc ứng dụng công nghệ và khả năng thích nghi với môi trường trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong khả năng duy trì thương mại xuyên biên giới. Và trong dòng chảy đó, DN phải chuyển đổi số mạnh mẽ, nắm bắt và tận dụng các cơ hội kinh doanh... cũng chính là duy trị sự sống và phát triển của mình.

Duy Anh

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/nhip-cau-so-dan-dong-chay-thuong-mai-bang-qua-dai-dich-n-474515.html