Nhịp đập năng lượng ngày 13/10/2023

OPEC+ không có phản ứng tức thời trước những thách thức thị trường; Mỹ trừng phạt 2 chủ tàu vận chuyển dầu của Nga vi phạm giá trần; Ấn Độ 'nhờ' Ả Rập Xê-út phát triển nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 13/10/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

OPEC+ không có phản ứng tức thời trước những thách thức thị trường

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) không có phản ứng tức thời trước những thách thức thị trường, khi Israel tấn công Gaza để đáp trả cuộc tấn công của Hamas vào thứ Bảy tuần trước, ông Assim Jihad - người phát ngôn Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết hôm 12/10. Ông Jihad rằng các sự kiện an ninh là một trong những yếu tố chính gây ra sự bất ổn trên thị trường toàn cầu, đồng thời tác động của chúng đối với dòng cung và cầu phụ thuộc vào thời gian chúng kéo dài.

Ông Jihad nói: “Đạt được mục tiêu ổn định và cân bằng trên thị trường toàn cầu” là một trong những ưu tiên hàng đầu của OPEC+. Theo ông Jihad, OPEC+ rất thận trọng mới đạt được sự đồng thuận về các quyết định, đồng thời cho biết thêm Iraq cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+. Ông Jihad tiết lộ OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng nếu tình hình yêu cầu, để xem xét các báo cáo và diễn biến thị trường và đưa ra quyết định phù hợp.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho biết hôm 12/10, cuộc xung đột Israel-Hamas đe dọa làm u ám triển vọng kinh tế toàn cầu vốn đã ảm đạm. Đồng thời ông cho biết thêm cuộc xung đột này gây ra một số biến động về giá dầu và phản ứng trên thị trường nhưng còn quá sớm để dự đoán tác động về kinh tế.

Mỹ trừng phạt 2 chủ tàu vận chuyển dầu của Nga có giá cao hơn mức giá trần

Ngày 12/10, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với các chủ tàu chở dầu của Nga có giá cao hơn mức giá trần 60 USD/thùng của G7, một ở Thổ Nhĩ Kỳ và một ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhằm lấp lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ice Pearl Navigation SA có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, chủ sở hữu của con tàu Yasa Golden Bosphorus. Con tàu đã vận chuyển dầu thô ESPO của Nga có giá trên 80 USD/thùng sau khi mức trần có hiệu lực vào tháng 12 năm ngoái. Mỹ cũng áp đặt trừng phạt đối với Lumber Marine SA có trụ sở tại UAE, chủ sở hữu của con tàu SCF Primorye. Con tàu này đang vận chuyển dầu thô Novy Port của Nga với giá trên 75 USD/thùng.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết với điều kiện giấu tên: “Những hành động mà chúng tôi công bố ngày hôm nay và những hành động tiếp theo mà chúng tôi sẽ thực hiện trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”.

Iran, Nga thúc đẩy hợp tác dầu khí bất chấp các lệnh trừng phạt

Iran và Nga đã ký một biên bản ghi nhớ liên quan đến dầu khí bên lề Diễn đàn Quốc tế Tuần lễ Năng lượng Nga lần thứ 6. Biên bản ghi nhớ được ký bởi Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Iran và Giám đốc điều hành Quỹ Roscongress của Nga, hãng SHANA đưa tin.

Đây là hai tổ chức có quan điểm tương tự về các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu khí của hai bên, qua đó sẽ hợp tác để nghiên cứu các dự án năng lượng giữa hai nước. Ngoài ra, đôi bên cũng sẽ thành lập một nhóm chuyên gia cố vấn để nghiên cứu và theo đuổi sự hợp tác chung về các vấn đề năng lượng.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji đã đến thăm Moscow trong tuần này để tham dự Tuần lễ Năng lượng Nga theo lời mời từ Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Ngày 11/10, ông Owji tiết lộ rằng cả hai nước đều có quyền tiếp cận trữ lượng hydrocarbon đáng kể và cho biết các biên bản ghi nhớ đã được ký kết với các công ty thượng nguồn và hạ nguồn ở Nga, cũng như nhấn mạnh hợp tác dầu khí giữa hai nước là một trong những lý do chính dẫn đến chuyến thăm Moscow.

Ấn Độ “nhờ” Ả Rập Xê-út phát triển nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược

Theo một tài liệu mà Reuters có được, Ấn Độ muốn mời gã khổng lồ năng lượng Saudi Aramco của nhà nước Ả Rập Xê-út tham gia vào chương trình phát triển nguồn Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của New Delhi, với khả năng tích trữ đến 6,5 triệu tấn dầu thô. Thật vậy, quốc gia Nam Á này đang tìm cách tăng cường quan hệ với nhà cung cấp dầu chính của họ.

Hai nước đã thảo luận về việc mời Aramco tham gia chương trình SPR từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán không thu được kết quả, cho đến khi Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed Bin Salman gặp mặt Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng trước.

Chính phủ Ấn Độ cho biết trong một tài liệu nội bộ: “Trong Giai đoạn II của chương trình SPR, kế hoạch xây dựng hai kho dự trữ xăng dầu chiến lược và thương mại mới với dung tích 6,5 triệu tấn đã được phê duyệt”. Ngoài ra, tài liệu cũng nói rằng “Saudi Aramco có thể sẽ được mời tham gia vào Giai đoạn II”.

Nam Sudan muốn Nga giúp xây dựng đường ống dẫn dầu qua Djibouti

Tại một cuộc thảo luận về quan hệ năng lượng Nga - châu Phi trong Tuần lễ Năng lượng Nga ở Moskva, Thứ trưởng Bộ Dầu khí Nam Sudan Mayen Wol Jong cho hay Nam Sudan muốn xây dựng một đường ống dẫn dầu đi qua Djibouti với sự giúp đỡ của Nga và cho biết những kỹ thuật viên có thể sẽ đến Nga và thảo luận với các công ty Nga.

Ông nhấn mạnh Nam Sudan chào đón bất kỳ ai sẵn sàng hợp tác với quốc gia châu Phi này và nói thêm rằng sự hợp tác như vậy mang lại lợi ích “đôi bên cùng có lợi”, cho các nhà đầu tư tiềm năng và cho đất nước của ông. “Các công ty Nga đã sẵn sàng tham gia”, Thứ trưởng Nam Sudan nói thêm.

Ông cũng đã mời các công ty Nga hợp tác trong những dự án khác ở Nam Sudan và các cuộc đàm phán về các nhà máy lọc dầu đang được tiến hành.

Nhật Bản tiếp tục gia hạn trợ cấp nhiên liệu

Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị gia hạn trợ cấp xăng dầu, khí đốt tự nhiên và điện đến cuối tháng 3 năm sau, 5 nguồn tin chính phủ và Đảng cầm quyền cho biết. Các nguồn tin tiết lộ, trợ cấp nhiên liệu trước đây vốn đã được gia hạn đến cuối năm 2023, sẽ nằm trong gói kinh tế mà Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida dự định biên soạn vào cuối tháng này.

Ông Kishida đã đốc thúc chính phủ lập ngân sách bổ sung để tài trợ cho gói này. Điều đó làm dấy lên lo ngại về việc tăng thêm khoản nợ nặng nề cho ngành công nghiệp. Ông Kishida hy vọng gói kinh tế mới sẽ tăng cường sự ủng hộ cho Nội các của ông.

Các nguồn tin giấu tên cho biết, những khoản trợ cấp cho xăng, điện và khí đốt được coi là cấp thiết, vì chính phủ muốn giảm bớt gánh nặng cho các công ty Nhật Bản nhằm duy trì động lực tăng lương tại cuộc đàm phán lao động thường niên vào tháng 3. Những người này cho biết, sau tháng 3 năm sau, chính phủ sẽ quyết định có nên tiếp tục trợ cấp hay không, có tính đến giá năng lượng và biến động tiền tệ.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-13102023-696543.html