Nhịp đập năng lượng ngày 14/7/2023

IEA giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới; Triển vọng tích cực cho phát triển năng lượng tái tạo; Dầu thô Urals của Nga vượt mức 60 USD/thùng… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 14/7/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

IEA giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới

Ngày 13/7, trong báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay, nhưng "những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô dai dẳng" có nghĩa là nhu cầu dầu mỏ sẽ không tăng nhanh như dự kiến trước đây.

IEA cho biết nhu cầu dự kiến sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023, dẫn đến mức trung bình 102,1 triệu thùng/ngày. Nhưng dự đoán đó thấp hơn 220.000 thùng/ngày so với dự đoán trước đó - lần đầu tiên cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay.

Theo IEA, nhu cầu dầu thế giới đang chịu áp lực từ môi trường kinh tế đầy thách thức, đặc biệt là do chính sách tiền tệ thắt chặt đáng kể ở nhiều nước tiên tiến và đang phát triển trong 12 tháng qua. IEA cho biết lượng dầu dự trữ toàn cầu có vẻ “tương đối thoải mái” và đã phục hồi lên mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2021.

Ả Rập xê-út nhập khẩu kỷ lục dầu nhiên liệu giảm giá của Nga

Ả Rập xê-út đã nhập khẩu kỷ lục 910.000 tấn (193.000 thùng mỗi ngày) dầu nhiên liệu từ Nga trong tháng 6, tăng gần 10 lần so với năm ngoái. Dữ liệu từ công ty phân tích Kpler cho thấy nhập khẩu dầu nhiên liệu từ Nga của Ả Rập xê-út đạt 2,86 triệu tấn trong nửa đầu năm 2023, vượt mức 1,63 triệu tấn cho cả năm 2022.

Vương quốc này đã tăng cường nhập khẩu dầu nhiên liệu từ Nga trong năm nay sau lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm của Nga. Ả Rập xê-út đã nhập khẩu lượng kỷ lục dầu nhiên liệu giảm giá của Nga trong tháng 6, để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện trong mùa hè và duy trì xuất khẩu dầu thô mặc dù cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận của OPEC+.

Đối với Nga, thương mại dầu mỏ ngày càng tăng với nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể giúp nước này tiếp tục cung cấp dầu cho người mua toàn cầu bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nga giảm xuất khẩu dầu

Xuất khẩu dầu của Nga đã giảm 600.000 thùng/ngày trong tháng 6, xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong Báo cáo thị trường dầu mỏ được công bố hôm 13/7.

Theo đó, xuất khẩu dầu của Nga đã giảm 600.000 thùng/ngày xuống 7,3 triệu thùng/ngày trong tháng 6, đây là mức xuất khẩu dầu thấp nhất của nước này kể từ tháng 3/2021, theo ước tính của IEA. Doanh thu cũng sụt giảm, cả so với tháng 5 và so với thời điểm này năm ngoái.

Doanh thu xuất khẩu ước tính của Nga giảm 1,5 tỷ USD so với tháng 5 và ở mức 11,8 tỷ USD trong tháng 6. IEA cho biết doanh thu trong tháng 6 gần bằng một nửa so với cùng thời điểm một năm trước.

Triển vọng tích cực cho phát triển năng lượng tái tạo

Các dự án điện mặt trời và điện gió có thể sẽ chiếm hơn 1/3 sản lượng điện của thế giới vào năm 2030, một dấu hiệu cho thấy ngành năng lượng đang đi đúng hướng và có thể đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu, theo một báo cáo của Viện Rocky Mountain (RMI) có trụ sở tại Mỹ.

Các dự án điện mặt trời và điện gió dự kiến sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân, tạo ra ít nhất 33% điện năng toàn cầu, so với khoảng 12% hiện nay, do đó sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm và điện năng có chi phí thấp hơn, báo cáo của RMI được công bố ngày 14/7 chỉ rõ.

Báo cáo cũng cho thấy chi phí sản xuất năng lượng mặt trời, vốn đã là hình thức sản xuất điện rẻ nhất, sẽ giảm xuống mức thấp nhất là 20 USD/MWh so với khoảng 40 USD/MWh hiện nay, do có nhiều dự án được đem triển khai và hiệu quả kinh tế được cải thiện.

Dầu thô Urals của Nga vượt mức 60 USD/thùng

Theo dữ liệu từ Công ty Argus Media, ngày 13/7, giá chuẩn của dầu thô Urals của Nga đã vượt mức 60 USD/thùng - "lằn ranh đỏ" mà phương Tây áp dụng với Nga từ tháng 12/2022. Giá dầu thô Urals và Brent, chuẩn dầu toàn cầu, đã tăng lần lượt 23% và 10% trong 2 tuần qua. Khoảng cách giữa hai mức giá cũng đã được thu hẹp. Điều này cho thấy dầu của Nga giảm giá ít hơn.

Một thùng dầu thô Urals được giao dịch ở mức 38 USD vào ngày 20/3, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cùng thời điển đó, dầu Brent giao dịch ở mức 71 USD/thùng dầu Brent. Nhưng đến ngày 13/7, một thùng dầu thô Urals được giao dịch ở mức gần 64 USD so với 81 USD của dầu Brent. Khoảng cách giữa hai mức giá đã giảm 48%.

Ông Richard Bronze, đồng sáng lập và trưởng bộ phận địa chính trị tại Energy Aspects khẳng định, khoảng cách của dầu thô Urals và dầu Brent nhỏ hơn đang chứng minh rằng, giới hạn giá G7 “có tác động giảm dần đối với doanh thu từ dầu mỏ của Nga”.

Nga vượt Ả Rập Xê-út trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất của OPEC+

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu thô của Ả Rập Xê-út dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua.

Vương quốc dầu mỏ dự kiến sẽ khai thác khoảng 9 triệu thùng/ngày trong cả tháng 7 và tháng 8, khiến nước này tụt lại phía sau Nga với tư cách là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu của khối, theo báo cáo thị trường được công bố vào ngày 13/7.

Ả Rập Xê-út vốn là nước dẫn đầu Liên minh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) cho rằng, việc cắt giảm sản lượng tự nguyện được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa nhằm ổn định thị trường, tránh giá dầu trượt sâu hơn.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1472023-689479.html