Nhịp đập năng lượng ngày 19/10/2023
Nga kêu gọi các nước châu Á - Thái Bình Dương hợp tác về năng lượng; Qatar cạnh tranh với Mỹ để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga đến châu Âu; Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu khí Venezuela… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 19/10/2023.
Nga kêu gọi các nước châu Á - Thái Bình Dương hợp tác về năng lượng
Thứ trưởng Năng lượng Nga Sergey Mochalnikov ngày 18/10 cho biết Nga chú ý đến nhu cầu thiết lập hợp tác năng lượng quốc tế trong bối cảnh nhu cầu năng lượng dự kiến tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Điều quan trọng là tìm ra những lĩnh vực có lợi ích chung giữa những người chơi chủ chốt trên thị trường năng lượng”, ông Mochalnikov nhấn mạnh.
Quan chức Nga lưu ý rằng các hội nghị bàn tròn được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng Châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp "cùng nhau đánh giá các xu hướng và triển vọng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững".
“Điều này rất quan trọng đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vì nơi đây chiếm hơn 40% năng lượng tiêu thụ trên toàn cầu và 50% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn thế giới”, ông Mochalnikov nói thêm.
Nhật Bản kêu gọi Ả Rập Xê-út và các nước tăng sản lượng dầu để bình ổn giá
Reuters ngày 19/10 trích dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết Tokyo đang thúc giục Ả Rập Xê-út và các quốc gia sản xuất dầu mỏ tăng nguồn cung để ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu, do giá nhiên liệu tăng trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas đe dọa ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Ông Hirokazu Matsuno, chia sẻ với giới báo chí: “Chính phủ Nhật Bản sẽ thúc giục các nước sản xuất dầu ổn định thị trường dầu thô toàn cầu bằng cách tăng sản lượng và đầu tư vào năng lực sản xuất”.
Giá dầu thô Brent chuẩn tương lai đã tăng hơn 5 USD/thùng kể từ khi xung đột bắt đầu, nhưng giá đã giảm bớt vào ngày 19/10 sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết không có kế hoạch hành động ngay lập tức trước lời kêu gọi của Israel cấm vận dầu mỏ đối với Iran - một thành viên OPEC. Nhật Bản, nước mua dầu thô lớn thứ tư thế giới, đã nhập khẩu 2,7 triệu thùng/ngày trong năm ngoái, trong đó hơn 90% đến từ Trung Đông.
Qatar cạnh tranh với Mỹ để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga đến châu Âu
Qatar đã đồng ý cung cấp khí đốt cho Shell ở Hà Lan trong 27 năm, đây là thỏa thuận thứ hai với khách hàng châu Âu trong một tuần, khi quốc gia vùng Vịnh này cạnh tranh với Mỹ để giúp châu Âu thay thế nguồn cung bị mất của Nga.
Thỏa thuận của Shell giống hệt với thỏa thuận của TotalEnergies tuần trước với nội dung để QatarEnergy cung cấp khí đốt cho Pháp. Cả hai đều là những hợp đồng cung cấp khí đốt lớn nhất và dài nhất của Qatar với châu Âu. QatarEnergy cho biết các chi nhánh của QatarEnergy và Shell đã đồng ý hai thỏa thuận mua bán 3,5 triệu tấn LNG mỗi năm (mtpa) trong 27 năm.
Giám đốc QatarEnergy, Saad al-Kaabi, cho biết trong thông báo của công ty: “Thỏa thuận này tái khẳng định “cam kết của Qatar trong việc giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu, và củng cố an ninh năng lượng của châu lục này bằng một nguồn cung nổi tiếng với chất lượng cả về kinh tế và môi trường”.
Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu khí Venezuela
Bộ Tài chính Mỹ ngày 19/10 cho biết, Mỹ sẽ nới lỏng một số biện pháp trừng phạt dầu khí đối với Venezuela sau khi chính phủ nước này và phe đối lập đồng ý tổ chức bầu cử vào năm tới.
Bộ Tài chính "đã ban hành giấy phép chung cho phép các giao dịch liên quan đến lĩnh vực dầu khí và vàng của Venezuela, cũng như bãi bỏ lệnh cấm giao dịch thứ cấp", một tuyên bố từ Thứ trưởng phụ trách khủng bố Brian Nelson cho biết. Tuy nhiên, họ nói thêm rằng những quyết định này có thể được sửa đổi hoặc thu hồi bất cứ lúc nào nếu thỏa thuận bầu cử thất bại.
Nói một cách cụ thể, chính phủ Mỹ đang cấp lại quyền mua dầu khí của Venezuela trong thời hạn 6 tháng, thời hạn này có thể được gia hạn “khi Venezuela đáp ứng các cam kết của mình theo lộ trình bầu cử cũng như các cam kết khác đối với những người bị giam giữ trái pháp luật”, theo lời Thứ trưởng Brian Nelson.
Trung Quốc trở thành khách hàng lớn mua nhiên liệu của Nga
Thư ký Ủy ban Tổng thống về Phát triển Tổ hợp Nhiên liệu và Năng lượng, Giám đốc điều hành tập đoàn Rosneft, ông Igor Sechin ngày 19/10 cho biết trong giai đoạn từ tháng 1-8/2023, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu số 1 cho Trung Quốc, vượt qua Ả Rập Xê-út.
Tại Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng Nga - Trung lần thứ 5, ông Sechin phát biểu: “Nga đã cung cấp hơn 75 triệu tấn dầu cho Trung Quốc trong năm nay, tăng 25% so với năm trước. Năm nay, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc sẽ đạt mức tối đa lịch sử - hơn 30 tỷ m3. Những cơ hội mới trong lĩnh vực vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc đang được thảo luận.”
Ông Sechin cho biết năm 2022, Trung Quốc cũng trở thành khách hàng mua than lớn nhất của Nga - nguồn cung tăng 1/4 và lên tới 67 triệu tấn. Ngoài ra, ông Sechin cho biết thêm, hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân ngày càng mở rộng, trong đó nổi bật là Nhà máy điện hạt nhân Tianwan (ở thành phố Liên Vận Cảng) là một trong những dự án hợp tác kinh tế lớn nhất giữa hai nước.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-19102023-697019.html