Nhịp đập năng lượng ngày 22/8/2023
Mỹ tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường LNG toàn cầu; Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về sức tiêu thụ dầu; Argentina đóng băng giá dầu thô nhằm kiềm chế lạm phát… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 22/8/2023.
Mỹ tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường LNG toàn cầu
Mỹ đang trên đường trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới về công suất. Xu hướng này sẽ tăng tốc trong 4 năm tới, chiếm phần lớn trong số 60% công suất bổ sung mới cho toàn bộ Bắc Mỹ, khi quốc gia này dẫn đầu việc bổ sung công suất mới cho loại nhiên liệu siêu lạnh, ít phát thải.
GlobalData gần đây dự báo rằng, Bắc Mỹ vào năm 2027 sẽ có khoảng 284,1 triệu tấn công suất hóa lỏng LNG hàng năm, trong đó Mỹ sẽ chiếm gần 76% trong tổng số đó. Trong khi đó, công suất hóa lỏng toàn cầu được dự đoán sẽ tăng từ 487,3 triệu tấn/năm hiện nay lên 958 triệu tấn/năm.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga sẽ là quốc gia ghi nhận mức tăng công suất LNG lớn thứ hai trong 4 năm tới sau Mỹ, nâng tổng sản lượng của nước này thêm 67,5 triệu tấn/năm, vượt xa 48 triệu tấn/năm của Qatar. Tuy nhiên, cả hai con số đều khiêm tốn so với những gì GlobalData mong đợi từ Mỹ. Tuy vậy, có một rủi ro trong sự tăng trưởng công suất nhanh chóng đó.
Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về sức tiêu thụ dầu
Nhà phân tích Florian Zandt tại trang Statista (Đức) báo cáo rằng, dựa trên dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), 29% nguồn cung năng lượng của thế giới trong năm 2020 là dầu mỏ. Đáng chú ý, Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu danh sách 8 nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới vào năm 2022.
Mỹ tiêu thụ 19 triệu thùng dầu mỗi ngày. Theo sau là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc với 14 triệu thùng mỗi ngày. Tiếp theo là Ấn Độ, Saudi Arabia, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Brazil. Tỷ lệ tiêu thụ của các quốc gia khác khá nhạt nhòa so với hai siêu cường trên. Tổng cộng 6 nước còn lại trong danh sách chỉ bằng 2/3 lượng sử dụng của Mỹ và Trung Quốc.
Khi xét về sự thay đổi về mức tiêu thụ giữa năm 2012 và 2022, mức chênh lệch giữa các quốc gia kể trên là rất rõ rệt. Sức tiêu thụ của Mỹ chỉ tăng khoảng 9%, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đang nổi lên như những quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ nhất với mức tăng tiêu thụ lần lượt là 42% và 41%.
Argentina đóng băng giá dầu thô nhằm kiềm chế lạm phát
Thông qua một thỏa thuận với ngành dầu mỏ Argentina, Bộ Kinh tế nước này sẽ đóng băng giá dầu thô trong nước ở mức 56 USD/thùng cho đến cuối tháng 10, nhằm kìm hãm mức lạm phát đã lên đến ba chữ số. Chính phủ cũng đã tuyên bố đóng băng giá xăng tại các trạm nội địa.
Trong bối cảnh lạm phát đến 113% trên toàn đất nước và đang có biểu hiện tăng thêm, giá một thùng dầu thô trong nước đã không còn chạm mức 63 USD/thùng như trước đây. Giá cũng thấp hơn nhiều so với giá dầu thô Brent (hiện là 85 USD/thùng). Từ lâu, Argentina đã kiểm soát giá dầu trong nước.
Vào hôm 18/8, hai nguồn tin nói với Reuters rằng ngành công nghiệp địa phương, chuyên khai thác dầu và khí đốt từ mỏ đá phiến khổng lồ Vaca Muerta của Argentina, đã đồng ý với sử dụng mức giá cố định cho đến ngày 31/10. Một nguồn tin giấu tên trong ngành chia sẻ: "Chúng tôi nắm rõ tình hình và đã tìm được lối đi chung. Đó là một biện pháp cực kỳ cần thiết và cấp bách".
Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận khí đốt “mang tính cách mạng”
Tập đoàn năng lượng Hungary MVM đã đồng ý mua khoảng 300 triệu mét khối (mcm) khí đốt tự nhiên từ công ty năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ BOTAS. Người phát ngôn chính phủ Hungary Zoltan Kovacs cho biết: thỏa thuận chiến lược này là một phần trong sáng kiến tổng thể của chính phủ nhằm tăng cường khả năng tự cung cấp năng lượng quốc gia.
Kovacs cho biết thêm, đề xuất mua hàng đã được phê duyệt trong chuyến thăm Hungary của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào ngày 20/8 và các chi tiết của thỏa thuận dự kiến sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay.
Một tuyên bố của BOTAS mô tả thỏa thuận này là một "thỏa thuận mang tính đột phá" đánh dấu lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý xuất khẩu khí đốt tới một quốc gia không láng giềng và sẽ tăng cường an ninh cung cấp năng lượng ở Liên minh châu Âu.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2282023-692342.html