Nhịp đập năng lượng ngày 27/10/2023
Giải pháp bảo đảm cấp điện trong năm 2024; Dầu khí Venezuela được 'săn tìm' ráo riết; Lithuania cấm LNG từ Nga dưới mọi hình thức… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 27/10/2023.
Giải pháp bảo đảm cấp điện trong năm 2024
Bộ Công Thương vừa có báo cáo Thủ tướng cập nhật Kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, nhằm đảm bảo cung cấp điện Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ.
Về giải pháp vận hành hệ thống điện, Bộ Công Thương yêu cầu các Tập đoàn gồm EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm bảo đảm đủ than cho sản xuất điện, khẩn trương khắc phục sự cố và đưa vào vận hành và duy trì vận hành ổn định các nhà máy nhiệt điện.
Về giải pháp về đầu tư xây dựng, Bộ Công Thương yêu cầu đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái. Đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện, đặc biệt là đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào. Đồng thời, sớm đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành, khai thác hợp lý nguồn năng lượng tái tạo cùng với các nguồn điện khác; đẩy mạnh triển khai các giải pháp tiết kiệm điện…
Dầu khí Venezuela được "săn tìm" ráo riết
Theo nhiều nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, giới kinh doanh năng lượng toàn cầu đang “chạy đua” để trở thành khách hàng sớm nhất của nguồn dầu thô và dầu mazut từ Venezuela, sau khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt năng lượng áp đặt lên nước này. Đây là cơ hội hấp dẫn cho PDVSA mở ra hoạt động bán hàng giao ngay và kích hoạt lại một số hợp đồng cung cấp, giúp thúc đẩy doanh thu.
Vào tuần trước, tập đoàn thương mại đa quốc gia Trafigura đã đàm phán một hợp đồng thuê tàu Suezmax Stena Sunrise (gắn cờ Bermuda) nhằm chở 1 triệu thùng dầu mazut của Venezuela. Hai nguồn tin nắm rõ về nội dung hợp đồng cho biết. Cũng theo họ, PDVSA đang đàm phán với Mercuria Energy và Sahara Energy về việc bán hàng giao ngay.
Các công ty lọc dầu của Mỹ, châu Âu và châu Á - bao gồm Reliance Industries, Tipco Asphalt, Valero Energy, PBF Energy và Eni, cũng đang đàm phán với PDVSA nhằm nối lại hoặc nâng nhập khẩu dầu thô từ Venezuela…
Lithuania cấm LNG từ Nga dưới mọi hình thức
Quốc hội Lithuania Seimas đã quyết định cấm nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Nga dưới mọi hình thức. Có 111 đại biểu đã bỏ phiếu ủng hộ việc sửa đổi này trong luật khí đốt tự nhiên của quốc gia, trong khi chỉ có 6 đại biểu bỏ phiếu trắng. Cho đến gần đây, khí hóa lỏng từ Nga vẫn được đưa vào Lithuania ở quy mô hạn chế.
Những người khởi xướng việc sửa đổi này lưu ý rằng vẫn có những doanh nghiệp đang nhập LNG từ Nga bằng cách vận chuyển từ Ba Lan bằng xe bồn. Điều này nên bị cấm. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 11.
Năm 2022, Lithuania là quốc gia đầu tiên trong khối 27 nước châu Âu quyết định cắt đứt hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga. Tháng 3/2022, Lithuania đã cấm nhập khẩu LNG từ Nga thông qua cơ sở tại Cảng biển bang Klaipeda. Từ tháng 4/2022, lệnh cấm như vậy cũng áp dụng đối với việc cung cấp qua đường ống. Ngoại lệ chỉ được thực hiện khi quá cảnh đến Kaliningrad.
Ý bảo đảm được dòng khí đốt ít nhất đến năm 2050
Trong tuần này, gã khổng lồ năng lượng Eni của Ý đã ký thỏa thuận mua tối đa 1 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng năm từ QatarEnergy. Với thời hạn lên đến 27 năm, Ý đã bảo đảm được dòng khí đốt đi vào nền kinh tế lớn nhất Nam Âu cho đến ít nhất là năm 2050.
Thỏa thuận giữa Eni và Qatar cũng sẽ mang lại sự bảo vệ bổ sung cho người tiêu dùng, bằng cách giúp Ý tiếp tục giảm lệ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga, đồng thời củng cố vị thế của Qatar như nhà cung cấp LNG hàng đầu của Ý.
Theo dữ liệu theo dõi tàu từ Kpler, Mỹ và Algeria là những nước cung cấp LNG lớn khác cho Ý. Trong năm nay, sản lượng LNG nhập khẩu vào Ý sẽ vượt qua mức kỷ lục 24,5 triệu m3 của năm 2022. Bên cạnh lượng tồn kho khí đốt cao (các bể dự trữ được lấp đầy đến 98% - theo LSEG), sản lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên cao hơn sẽ giúp đảm bảo nguồn cung điện cho người tiêu dùng ở Ý trong suốt mùa đông sắp tới, khi nhu cầu sưởi ấm đạt đỉnh điểm.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-27102023-697710.html