Nhịp đập năng lượng ngày 3/11/2023
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với LNG của Nga đe dọa an ninh khí đốt của Nhật Bản; Các công ty lớn thi nhau lần lượt rút khỏi dự án điện gió của Mỹ dù phải chịu phạt; Nga ban hành quy tắc tài chính mới dựa trên giá dầu cơ sở… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 3/11/2023.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với LNG của Nga đe dọa an ninh khí đốt của Nhật Bản
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Arctic LNG 2 - nhà máy xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) mới của Nga sẽ thử thách mối quan hệ của Nhật Bản với các quốc gia Nhóm G7 khác, vốn đang có đường lối ngày càng cứng rắn hơn đối với Nga khi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài. Các biện pháp trừng phạt cho đến nay phần lớn bỏ qua khí đốt của Nga, vốn vẫn được vận chuyển đến Nhật Bản và châu Âu.
Nhật Bản khẳng định rằng LNG của Nga cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng và năm ngoái đã thúc giục Mitsui & Co. và Mitsubishi Corp. tiếp tục đầu tư vào cơ sở LNG Sakhalin-2 ở vùng viễn đông của Nga. Ngược lại, Shell - cổ đông nước ngoài lớn nhất tại nhà máy này - đã bỏ cổ phần sau khi Moscow xung đột với Ukraine.
Theo dữ liệu do BloombergNEF tổng hợp, một liên danh của Mitsui và công ty nhà nước Jogmec có 10% cổ phần tại Arctic LNG 2 và sẽ nhận được 2 triệu tấn mỗi năm từ cơ sở này, tương đương khoảng 3% tổng nguồn cung theo hợp đồng dài hạn của Nhật Bản. Người phát ngôn của Mitsui cho biết công ty sẽ kiểm tra chặt chẽ tác động của các lệnh trừng phạt mới đối với Arctic LNG 2. Jogmec chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.
Các công ty lớn thi nhau lần lượt rút khỏi dự án điện gió của Mỹ dù phải chịu phạt
Giám đốc tài chính của Shell hôm 2/11 cho biết công ty đã hủy hợp đồng mua bán năng lượng (PPA) cho trang trại gió SouthCoast Wind được lên kế hoạch ngoài khơi Massachusetts. Công ty này đồng ý trả tiền phạt thay vì phải đối mặt với chi phí xây dựng dự án tăng cao.
Trong những ngày gần đây, các công ty năng lượng từ BP đến Orsted đã công bố khoản lỗ khổng lồ đối với các dự án trang trại gió ở Mỹ của họ, trong bối cảnh lạm phát cao. Hôm 31/10, Tập đoàn Orsted của Đan Mạch, đã thông báo từ bỏ một dự án trang trại điện gió ngoài khơi hàng đầu tại Mỹ. Hồi cuối tháng 8, tập đoàn đa quốc gia này đã báo cáo những khó khăn về chuỗi cung ứng cũng như chi phí gia tăng trong nhiều dự án tại Mỹ.
Cùng ngày 31/10, Orsted đã quyết định từ bỏ dự án Ocean Wind 1 và 2, được lắp đặt ngoài khơi bờ biển New Jersey, phía Đông Bắc nước Mỹ. Thông qua quyết định này, Orsted sẽ phải chấp nhận giá trị tài sản suy giảm 28,4 tỷ krone Đan Mạch (tương đương khoảng 4 tỷ USD).
Nga ban hành quy tắc tài chính mới dựa trên giá dầu cơ sở
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một quy định, theo đó nguồn thu từ dầu khí trong quá trình lập ngân sách sẽ được tính lại theo giá dầu cơ sở được ấn định là 60 USD/thùng. Văn bản này đã được đăng tải trên cổng thông tin pháp luật chính thức.
Theo đó, quy tắc tài chính sẽ trả về các tham số tính toán trước đó. Như trước đây, doanh thu tăng thêm từ việc bán dầu cao hơn giá cơ sở (60 USD/thùng) sẽ được chuyển đến Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF). Nếu giá giảm xuống dưới mức cơ sở, sự thiếu hụt doanh thu sẽ được NWF bù đắp. Vào năm 2023, cơ chế này hoạt động theo một cách khác. Mức giới hạn là con số danh nghĩa 8 nghìn tỷ rúp (86,1 tỷ USD) mỗi năm.
Luật mới đã được chính phủ trình lên Hạ viện Nga cùng với dự thảo ngân sách liên bang giai đoạn 2024-2026. Việc tính toán doanh thu từ dầu khí cũng sẽ tính đến giá cơ sở của khí đốt tự nhiên (250 USD trên 1.000 mét khối). Giá dầu và khí đốt về cơ bản sẽ phải chịu sự điều chỉnh chỉ số hàng năm 2% (ở mức lạm phát tiền tệ), bắt đầu từ năm 2027.
Dòng chảy khí đốt từ Israel quay trở lại Ai Cập
Một quan chức của Bộ Dầu khí Ai Cập cho biết hôm 2/11 rằng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Israel sang Ai Cập đã được nối lại sau khi bị gián đoạn vào cuối tuần trước nhưng chỉ với khối lượng nhỏ, Reuters đưa tin. Ba nguồn tin khác cũng nói với Reuters rằng dòng chảy đã được nối lại, trong đó có hai người khẳng định rằng nó chỉ bị giảm bớt chứ không dừng hẳn lại.
Sự gián đoạn trong xuất khẩu xảy ra sau khi Israel đình chỉ khai thác tại mỏ khí Tamar của Chevron vào ngày 9/10, ngay sau khi giao tranh leo thang với nhóm Hồi giáo Hamas ở Gaza. Song song với đó, nguồn cung cấp cũng được chuyển hướng qua đường ống ở Jordan, thay vì đường ống ngầm trực tiếp tới Ai Cập.
Nội các Ai Cập cho biết trong một tuyên bố hôm 29/10 rằng nhập khẩu khí đốt đã giảm về 0 từ mức 800 triệu feet khối mỗi ngày, làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nguồn điện. Tuy nhiên, một quan chức của dự án Leviathan hôm 31/10 cho biết "việc xuất khẩu sang Ai Cập đang diễn ra liên tục, điều này cho thấy cam kết của dự án đối với khách hàng và thị trường Ai Cập. Việc khai thác khí đốt tại Leviathan vẫn tiếp tục trong suốt giai đoạn này".
Lukoil tăng gấp đôi sản lượng dầu tại mỏ Tây Qurna-2 của Iraq
Lukoil đã gia hạn hợp đồng phát triển và khai thác tại mỏ dầu Tây Qurna-2 của Iraq, nhằm tăng dần sản lượng dầu lên 800.000 thùng/ngày, công ty dầu mỏ Nga mới đây cho biết.
Lukoil đã ký các thỏa thuận với đại diện của Công ty Dầu mỏ Basra của Iraq ở Baghdad. Thỏa thuận này sẽ kéo dài hợp đồng dịch vụ từ 10 năm đến năm 2045 và mang lại những điều kiện tốt hơn. Thỏa thuận cũng đòi hỏi phải đầu tư vào việc phát triển hơn nữa dự án và "dần dần tăng gấp đôi sản lượng của mỏ với mức ổn định đạt 800 nghìn thùng mỗi ngày. Điều này sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế của dự án Tây Qurna-2", Lukoil nói.
Kế hoạch phát triển hơn nữa tại mỏ sẽ bao gồm việc đưa vào khai thác, vận hành các cơ sở xử lý dầu và cơ sở xử lý khí phức tạp cho hệ tầng Yamama, xây dựng các đường ống xuất khẩu và các đơn vị chống ngập nước cũng như mở rộng bể chứa.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-3112023-698413.html