Nhịp đập năng lượng ngày 4/12/2023
Giá dầu Urals của Nga giảm nhưng vẫn trên mức trần; Bỉ và tập đoàn Engie đạt thỏa thuận kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân; Mỹ cam kết đóng cửa các nhà máy điện than… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 4/12/2023.
Giá dầu Urals của Nga giảm nhưng vẫn trên mức trần
Giá trung bình loại dầu thô hàng đầu của Nga, Urals, đã giảm trong tháng 11 so với tháng 10 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá trần của phương Tây, dữ liệu từ Bộ Tài chính Nga cho thấy. Theo đó, giá trung bình của dầu Urals là 72,84 USD/thùng vào tháng trước, giảm so với 81,52 USD/thùng của tháng 10, nhưng vẫn cao hơn mức giá trung bình 66,47 USD vào tháng 11 năm ngoái.
Bất chấp giá Urals trượt dốc vào tháng 11/2023 so với tháng 10, mức giá trung bình vẫn cao hơn gần 13 USD/thùng so với mức giá trần 60 USD/thùng do G7 và EU đặt ra nếu dầu thô của Nga được bán cho các nước thứ ba sử dụng dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển của các công ty phương Tây.
Để so sánh, giá chuẩn dầu Brent quốc tế trung bình là 83,12 USD/thùng vào tháng 11, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga.
Mỹ đưa thêm 3 chủ tàu vi phạm trần giá dầu Nga vào danh sách trừng phạt
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa thêm 3 công ty và tàu chở dầu vào danh sách bị xử phạt vì vi phạm liên quan đến giới hạn giá dầu đặt ra đối với dầu thô của Nga. Động thái mới nhất từ nhà chức trách Mỹ đánh dấu hành động lần thứ 8 được thực hiện để thực thi giới hạn giá dầu thô.
Trong số 3 đơn vị vừa bị xử phạt hồi cuối tuần vừa qua, có 2 công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, gồm Sterling Shipping Incorporated và Steymoy Shipping Limited. Thực thể thứ 3 trong danh sách này là HS Atlantica Limited, có trụ sở tại Liberia.
OFAC đã coi 3 tàu này là tài sản bị phong tỏa, Văn phòng cho biết trong một tuyên bố hôm 1/12. Có 3 tàu thuộc sở hữu của các công ty trên bị cáo buộc chở dầu thô của Nga có giá trên 70 USD/thùng. 2 trong số 3 công ty đó thuộc sở hữu của công ty vận tải Sovcomflot PJSC của Nga, trong đó chính phủ Nga là cổ đông lớn nhất. Theo Bloomberg, Sovcomflot sở hữu 6 trong số 8 tàu bị xử phạt cho đến nay.
Mỹ chật vật lấp đầy kho dự trữ dầu mỏ đang ở mức thấp kỷ lục
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Mỹ Tim Stewart cho biết Washington có thể mất nhiều thời gian để bổ sung lại kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của nước này.
Theo ông, để khôi phục mức năm 2021 và bổ sung hoàn toàn kho dự trữ dầu chiến lược, chính quyền Mỹ phải nạp thêm 168 triệu thùng dầu, vì SPR đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều thập niên. Ngoài ra, cần thêm 300 triệu thùng bổ sung để lấp đầy kho dự trữ này.
Song Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Mỹ nhận định: “Điều đó sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian”. Xác nhận SPR đã cạn kiệt 40%, ông nhấn mạnh một phần của vấn đề này liên quan đến khoản đầu tư của Mỹ vào các nhà máy lọc và tinh chế dầu thô nhẹ. Theo ông Stewart, chính quyền Mỹ đã nhấn mạnh khoản đầu tư đó là không thể, do có vấn đề an ninh chiến lược và toàn cầu liên quan.
Bỉ và tập đoàn Engie đạt thỏa thuận kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân
Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten mới đây thông báo nước này và tập đoàn điện lực Engie của Pháp đã đạt được thỏa thuận về việc kéo dài tuổi thọ của hai nhà máy điện hạt nhân. Trên tài khoản mạng xã hội X ngày 3/12, Bộ trưởng Tinne Van der Straeten nêu rõ thỏa thuận giữa Chính phủ Bỉ và tập đoàn Engie đã hoàn tất, theo đó kéo dài hoạt động của hai nhà máy điện hạt nhân Doel 4 và Tihange 3.
Thỏa thuận trên cần được toàn bộ chính phủ và Hội đồng nhà nước Bỉ (tòa án hành chính tối cao) thông qua trước khi được trình lên Quốc hội và Liên minh châu Âu phê chuẩn. Bà Van der Straeten bày tỏ hy vọng quy trình pháp lý của Bỉ sẽ được hoàn tất trước cuộc bầu cử vào tháng 6 năm sau.
Nhà máy điện hạt nhân Tihange nằm ở miền Đông nước Bỉ, có công suất 1.038 megawatt (MW), trong khi nhà máy Doel có công suất 1.039 MW, nằm gần thành phố cảng Antwerp. Các nhà máy này đi vào hoạt động từ năm 1985, chiếm 35% công suất điện hạt nhân của Bỉ.
Mỹ cam kết đóng cửa các nhà máy điện than
Đặc phái viên khí hậu John Kerry đã cam kết tại hội nghị khí hậu COP28 hôm 2/12 rằng Mỹ sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện đốt than, đồng thời tuyên bố nước này sẽ tham gia Liên minh coi than là quá khứ (PPCA). Thời hạn cho cam kết được cho là vào năm 2035, thời điểm mà chính quyền tổng thống phát triển mục tiêu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Theo ông Kerry, nhu cầu năng lượng của đất nước sẽ được đáp ứng bằng gió và mặt trời.
Mỹ, quốc gia có số lượng nhà máy nhiệt điện than lớn thứ ba trên Trái đất, đã không xây dựng một nhà máy mới nào trong hơn một thập niên và hy vọng sẽ đóng cửa hơn một nửa số nhà máy điện than hiện có trong "vài năm tới", theo thông cáo báo chí của PPCA phát hành vào hôm 2/12.
Theo báo cáo của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng, Mỹ chỉ sử dụng dưới 20% điện năng từ than, có kế hoạch đóng cửa 173 nhà máy vào năm 2030 và 54 nhà máy khác vào năm 2040.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-4122023-700999.html