Nhịp đập năng lượng ngày 6/9/2023
EC đề xuất mua chung khí đốt lâu dài; Ả Rập Xê-út và Nga tiếp tục sát cánh trên thị trường dầu; UAE 'cược cực lớn' vào năng lượng sạch ở châu Phi… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 6/9/2023.
EC đề xuất mua chung khí đốt lâu dài
Theo hãng tin Reuters, ngày 5/9, một quan chức của Liên minh châu Âu (EU) cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất thực hiện kế hoạch mua chung khí đốt lâu dài của EU, sau khi nhu cầu trên thực tế đã vượt quá dự đoán trong các cuộc đấu thầu đầu tiên của chính sách này nhằm tránh phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
EU đã triển khai chương trình mua chung khí đốt trong năm nay sau khi Nga cắt giảm việc cung cấp khí đốt cho châu Âu vào năm 2022, đẩy giá năng lượng ở châu Âu lên mức cao kỷ lục. Chương trình mua chung tạm thời này dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 12, nhưng EC đã đề xuất đưa chương trình này thành một kế hoạch lâu dài như một phần của việc cải tổ rộng rãi hơn các quy tắc thị trường khí đốt của EU.
Việc tham gia mua chung sẽ là tự nguyện, nhưng nếu EU gặp phải khủng hoảng nguồn cung nhiên liệu, việc mua chung sẽ trở thành bắt buộc để tránh sự cạnh tranh giữa các nước EU. Một quan chức cấp cao của EU cho biết việc mua chung khí đốt đang tiến triển tốt và ngày càng có nhiều công ty tham gia.
Ả Rập Xê-út và Nga tiếp tục sát cánh trên thị trường dầu
Ả Rập Xê-út và Nga ngày 5/9 đã đồng ý gia hạn quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện 1,3 triệu thùng cho đến cuối năm nay nhằm hỗ trợ giá dầu, AP đưa tin.
Thông báo từ Riyadh và Moscow đã đẩy giá dầu Brent lên trên 90 USD/thùng trong phiên giao dịch chiều thứ Ba, mốc cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Giá dầu Brent phần lớn dao động trong khoảng từ 75-85 USD/thùng kể từ tháng 10 năm ngoái.
Động thái này có thể sẽ gây áp lực mới lên mối quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Mỹ. Tổng thống Joe Biden năm ngoái đã cảnh báo vương quốc này rằng sẽ có những “hậu quả” chưa biết trước nếu họ hợp tác với Nga trong việc cắt giảm.
Thông báo của Ả Rập Xê-út, do cơ quan báo chí nhà nước đưa ra, cho biết nước này vẫn sẽ giám sát thị trường và có thể thực hiện thêm các hành động khác nếu cần thiết.
UAE “cược cực lớn” vào năng lượng sạch ở châu Phi
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ngày 5/9 đã công bố đầu tư 4,5 tỷ USD (4,1 tỷ euro) vào năng lượng sạch ở châu Phi tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu, với mục tiêu thu hút tài chính cho lục địa này trong cuộc chiến chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu.
"Chúng tôi sẽ đầu tư 4,5 tỷ USD để khởi động một chuỗi dự án năng lượng sạch sinh lời trên vùng đất then chốt này", ông Sultan Al Jaber, người đứng đầu Tập đoàn Dầu mỏ ADNOC đồng thời là chủ tịch COP28 tại Hội nghị ở Dubai, cho biết trong một bài phát biểu. "Nếu châu Phi thất bại thì tất cả chúng ta cũng đều thất bại", ông Sultan Al Jaber nói.
Khoản đầu tư này nhằm mục đích tạo ra 15 GW năng lượng sạch tại châu Phi vào năm 2030, đồng thời sẽ là chất xúc tác giúp huy động thêm ít nhất 12,5 tỷ USD (11,6 tỷ euro) từ các nguồn tư nhân, công nhân và các tổ chức đa phương tiện.Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, vào năm 2022, công suất sản xuất năng lượng tái tạo của châu Phi sẽ đạt 56 GW.
Eni dự định đầu tư 7,7 tỷ USD vào Ai Cập
Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của Italy, Claudio Descalzi vừa công bố ý định đầu tư 7,7 tỷ USD vào Ai Cập trong 4 năm tới, để phát triển các hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí tại quốc gia Bắc Phi này. Phát biểu của ông Descalzi được đưa ra trong cuộc gặp mặt Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tại thủ đô Cairo, với sự tham dự của Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Tarek El-Molla.
Ông Desclazi cho biết thêm Eni và các đối tác sẽ tài trợ cho các khoản đầu tư lớn kể trên vào Ai Cập, nhằm góp phần hiện thực hóa tham vọng của Cairo trở thành một trung tâm cung cấp năng lượng khu vực.
Về phần mình, Tổng thống Ai Cập El-Sisi bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa Ai Cập và tập đoàn Eni trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và sản xuất dầu khí nhằm tận dụng các nguồn tài nguyên của Ai Cập trong lĩnh vực năng lượng.
Anh cần 100 tỷ bảng đầu tư tư nhân để đảm bảo an ninh năng lượng
Theo báo cáo mới nhất từ Offshore Energies UK (OEUK), Vương quốc Anh cần tới 100 tỷ bảng Anh đầu tư từ khu vực tư nhân để thực hiện các dự án quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Số tiền này cũng cần thiết để phát triển tất cả các cơ sở hạ tầng tái tạo cần thiết để đưa Vương quốc Anh đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Báo cáo còn cho thấy tổng nhu cầu đầu tư năng lượng ngoài khơi có thể đạt tới 200 tỷ bảng trong thập niên này cho các dự án dầu khí, điện gió ngoài khơi, thu giữ và lưu trữ carbon và hydrogen. Tuy nhiên, khoảng một nửa số tiền này vẫn đang chờ quyết định đầu tư cuối cùng (FID) từ các doanh nghiệp đang cần sự bảo đảm mới để tiến đến ký kết.
OEUK cho rằng sự hỗ trợ chính sách đồng bộ, chế độ thuế ổn định và cạnh tranh toàn cầu cũng như sự cải thiện trong các mốc thời gian cho quy hoạch và quy định là “rất quan trọng” để thúc đẩy các khoản đầu tư này.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-692023-693568.html