Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/3/2023
Super Energy Corporation lên kế hoạch chi 1,2 tỉ USD hỗ trợ các dự án phát điện ở Việt Nam và Thái Lan; Ba Lan nhận chuyến hàng khí LNG đầu tiên từ Mỹ; Đức muốn cấm sưởi ấm bằng dầu và khí đốt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 12/3/2023.
Super Energy Corporation lên kế hoạch chi 1,2 tỉ USD hỗ trợ các dự án phát điện ở Việt Nam và Thái Lan
Super Energy Corporation (SEC) - ông lớn năng lượng Thái Lan đang có kế hoạch chi 12,4 tỉ baht (8.453 tỉ đồng) ngân sách trong năm nay để hỗ trợ các dự án phát điện theo hợp đồng mua bán điện ở Thái Lan và Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025. Với việc chi mạnh tay cho các dự án mới, SEC kỳ vọng doanh thu tập đoàn năm 2024 sẽ đạt 15 tỉ baht và tăng lên 20 tỉ baht vào năm 2025.
Phần lớn khoản chi năm 2023 của SEC sẽ được đầu tư vào Việt Nam, bao gồm phát triển một dự án điện gió ngoài khơi công suất 30MW ở Sóc Trăng và một dự án điện gió gần bờ công suất 70MW ở Bạc Liêu.
Trong năm 2024, SEC dự kiến tiếp tục giải ngân khoảng 5,5 tỉ baht (3.749 tỉ đồng) cho các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có một dự án điện gió 71MW ở Sóc Trăng. Tới năm 2025, SEC dự kiến dành tới 23,5 tỉ baht (hơn 16.000 tỉ đồng) để phát triển hai dự án điện gió tại Việt Nam là Phú Yên (200MW) và Đắk Song (50MW), cùng một dự án điện rác ở tỉnh Nonthaburi của Thái Lan.
Ba Lan nhận chuyến hàng khí LNG đầu tiên từ Mỹ
Tập đoàn dầu khí PKN Orlen của Ba Lan đã nhận lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của Mỹ. Theo đó, 70.000 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ đã được vận chuyển đến Swinoujscie, tây bắc Ba Lan, nơi có một nhà ga chứa khí thiên nhiên hóa lỏng. Số lượng này sẽ đủ để trang trải mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trung bình hàng tuần của tất cả các hộ gia đình ở Ba Lan.
Lech Kaczyński, là hãng đầu tiên trong số tám hãng vận chuyển khí đốt mà tập đoàn PKN Orlen đang có kế hoạch thuê để tăng lượng mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và các nước khác trong bối cảnh Ba Lan nỗ lực độc lập năng lượng với Nga. Điều này sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả vận chuyển khí đốt và củng cố vị thế của công ty trên thị trường LNG toàn cầu.
Hiện tại, nguồn cung LNG đáp ứng 1/3 nhu cầu khí đốt tự nhiên hàng năm của Ba Lan. Một hãng vận chuyển khác tên là Grazyna Gesicka, sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Đa số các tàu sẽ phục vụ cả các hợp đồng dài hạn của Tập đoàn Orlen về nguồn cung cấp LNG từ Mỹ.
Nguy cơ các trạm xăng tại Pháp lại phải đóng cửa do thiếu nhiên liệu vì biểu tình
Nhật báo Le Figaro trích dẫn số liệu từ cổng điện tử chính phủ Pháp cho biết, tính đến hết ngày 11/3, gần 5% các trạm xăng tại Pháp đã không còn dầu diesel hoặc các loại xăng như SP95, SP98 hay E5 để bán. Đặc biệt tại các tỉnh phía Tây như Calvados, Orne, Mayenne, Sartre, Vienne, Eure-et-Loir, Indre-et-Loire hay một phần vùng thủ đô Ile-de-France, tỷ lệ cây xăng hoàn toàn cạn kiệt xăng hoặc dầu đã vượt qua ngưỡng 10%.
Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ các phong trào đình công phản đối cải cách dự luật hưu trí của chính phủ lan rộng tại các nhà máy lọc hóa dầu tại Pháp. Kể từ ngày 7/3, theo lời kêu gọi của Tổng Công đoàn lao động Pháp (CGT), công nhân tại các nhà máy lọc dầu thuộc tập đoàn năng lượng TotalEnergies bắt đầu đình công và tiến hành phong tỏa khoảng 20% các cơ sở lọc dầu và lưu trữ tại các tỉnh thành kể trên.
Trong khi đó, lãnh đạo tập đoàn TotalEnergies cho biết hiện hơn một nửa nhà máy lọc dầu và cây xăng thuộc tập đoàn vẫn duy trì hoạt động sản xuất trong khi các kho lưu trữ vẫn ở mức cao, đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong vài tuần nếu không bị các nghiệp đoàn phong tỏa.
Đức muốn cấm sưởi ấm bằng dầu và khí đốt
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, muốn cấm gần như tất cả các hệ thống sưởi ấm bằng dầu và khí đốt mới ở quốc gia này từ năm 2024. ông tuyên bố rằng Đức phải tăng tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Đồng thời, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng nền kinh tế nước này cần chuyển đổi để đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai.
Năm 2021, Đức đã đồng ý cấm các hệ thống dầu khí mới từ năm 2025 và chỉ cho phép những hệ thống mới tạo ra ít nhất 65% nhiệt từ năng lượng tái tạo. Điều này sẽ yêu cầu các hệ thống thay thế như bơm nhiệt hoặc sưởi ấm cục bộ.
Hơn 80% nhu cầu về nhiệt tại Đức hiện vẫn được đáp ứng bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch.
Theo giới chuyên gia, khoảng một nửa số hộ gia đình ở Đức vẫn phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ nên việc chuyển sang các giải pháp thay thế sẽ rất tốn kém và không phù hợp túi tiền của nhiều người dân.
Canada tìm cách tăng cường xuất khẩu năng lượng đến châu Á
Trong bối cảnh chính phủ Canada tiếp tục bổ sung thêm nội dung vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này, khu vực miền Tây Canada đang tìm kiếm sự bảo đảm từ chính phủ về việc mở rộng xuất khẩu năng lượng sang châu Á.
Rajan Sawhney - Bộ trưởng Thương mại tỉnh bang Alberta, cho biết chiến lược này được khu miền Tây Canada coi là bước đầu tiên tích cực, nhưng cần phải giải quyết nhiều vấn đề thương mại trong khu vực này. Bà Rajan Sawhney đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao khu vực miền Tây để các tỉnh có thể phối hợp với chính quyền liên bang cải thiện chiến lược trên.
Trước đó, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bị chỉ trích vì không vạch ra cam kết cung cấp nhiều năng lượng hơn cho thị trường, chẳng hạn như cam kết đẩy mạnh xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang Đông Á. Bà Sawhney cho rằng chính phủ thuộc đảng Tự do phải giải quyết thách thức đó trong kế hoạch tài chính vào mùa xuân này.
Than vẫn là nguồn nguyên liệu quan trọng nhất trong sản xuất điện ở Đức
Số liệu từ Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, như những năm trước, năm 2022, than vẫn là nguyên liệu quan trọng nhất trong sản xuất điện tại nước này với tỷ lệ điện được tạo ra từ các nhà máy nhiệt điện than và đưa vào hệ thống lưới điện của Đức đạt 33,3%, tăng 8,4% so với năm 2021.
Tuy nhiên, dù hơn một nửa tổng lượng điện được sản xuất tại Đức vẫn có nguồn gốc từ các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân, nhưng tỷ lệ điện từ các nguồn này đã giảm từ mức 57,7% trong năm 2021 xuống mức 53,7% năm 2022. Ngược lại, nguồn cung cấp điện từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, và năng lượng sinh khối tăng từ 42,3% năm 2021 lên 46,3% năm 2022.
Trong các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió là quan trọng nhất với tỷ lệ phát điện đạt 24,1%, tăng 9,4% so với năm 2021. Lượng điện gió được tạo ra chỉ đứng sau điện than. Ngoài ra, lượng điện từ các nhà máy năng lượng mặt trời cũng tăng, đóng góp 10,6% trong tổng lượng điện được tạo ra ở Đức.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-1232023-680268.html