Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/12/2022

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương không để thiếu hụt xăng dầu dịp Tết; Indonesia đặt mục tiêu xuất khẩu khí đốt sang Việt Nam vào năm 2026; Nga cảnh báo cắt giảm sản lượng dầu đến 700.000 thùng/ngày… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 24/12/2022.

Nga có thể giảm sản lượng dầu 500.000-700.000 thùng/ngày vào đầu năm 2023. Ảnh: Bruegel

Nga có thể giảm sản lượng dầu 500.000-700.000 thùng/ngày vào đầu năm 2023. Ảnh: Bruegel

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương không để thiếu hụt xăng dầu dịp Tết

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Đồng thời chủ động xử lý các biến động bất thường của thị trường, triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu...

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để thiếu hụt trong mọi tình huống; tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng để góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ cho nhân dân; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, không để thiếu điện trong mọi tình huống.

Indonesia đặt mục tiêu xuất khẩu khí đốt sang Việt Nam vào năm 2026

Ngày 23/12, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia(ESDM) Arifin Tasrif cho biết quốc gia này đặt mục tiêu xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Việt Nam bắt đầu từ năm 2026 từ lô ngoài khơi Tuna nằm gần đường biên giới trên biển giữa hai nước.

Bộ trưởng Arifin cho hay nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có thể cung cấp 100-150 triệu feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày (MMSCFD) thông qua đường ống dẫn khí từ lô Tuna do liên danh Harbor Energy và ZN Asia Ltd - công ty con của hãng dầu khí nhà nước Zarubezhneft của Nga - vận hành.

Ông Arifin cho rằng nhu cầu năng lượng của Việt Nam rất lớn, đặc biệt là cho công nghiệp. Ngoài xuất khẩu khí đốt, ông Arifin cho hay Indonesia và Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo ông Arifin, hình thức hợp tác giữa hai nước sẽ mang tỉnh bổ trợ cho nhau.

Nga cảnh báo cắt giảm sản lượng dầu đến 700.000 thùng/ngày

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo, Nga có thể giảm sản lượng dầu 500.000-700.000 thùng/ngày vào đầu năm 2023 để đáp trả việc nhóm các cường quốc G7 và Liên minh châu Âu (EU) áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của nước này. Khối lượng cắt giảm tương đương khoảng 5-6% sản lượng dầu của Nga hiện đang bơm.

Ông Novak nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng tìm tiếng nói chung với các đối tác của mình để ngăn chặn những rủi ro như vậy. Nhưng ngay bây giờ, chúng tôi thà chấp nhận rủi ro cắt giảm sản lượng hơn là tuân theo chính sách bán dầu theo giá trần”.

Dù ông Novak cho rằng sản lượng cắt giảm tiềm năng là không đáng kể thì việc cắt giảm quy mô đó vẫn có thể thắt chặt thị trường dầu toàn cầu vào thời điểm mà nhiều nhà phân tích dự đoán nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi khi Bắc Kinh dần tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Nga áp giá trần với khí đốt EU

Theo sắc lệnh ký ngày 23/12 được công bố trên cổng thông tin chính thức của chính phủ Nga, Gazprom và các công ty con của hãng bị cấm thanh toán cho khí đốt, hoặc thanh toán cho việc sản xuất và vận chuyển khí đốt, từ các dự án chung với các đối tác EU ở Nga nếu số tiền thanh toán cao hơn chi phí mà chính phủ Nga thiết lập.

RT cho hay, sắc lệnh nhắm vào các liên doanh của Gazprom với Wintershall của Đức và OMV của Áo. Trong mối quan hệ hợp tác với 2 công ty trên, Gazprom đang phát triển 2 mỏ khí đốt lớn ở Nga là Yuzhno - Russkoye và Urengoyskoye.

Quy định được đưa ra có hiệu lực hồi tố và hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 và áp dụng đến ngày 1/10/2023. Chính phủ Nga có trách nhiệm áp giá trần trong 10 ngày.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, sắc lệnh của tổng thống Putin không phải là phản ứng với việc phương Tây áp giá trần với dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển mà là phản ứng với hành động của một số quốc gia không thân thiện".

Các hãng lọc dầu Trung Quốc lãi đậm nhờ dầu giá rẻ từ Nga

Theo nguồn tin của Reuters, các nhà máy lọc dầu tư nhân ở Trung Quốc đang kiếm lời lớn từ hoạt động lọc dầu Nga giá rẻ. Nguồn tin cho biết những lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Moscow vô tình mang lại lợi thế cho các công ty này trong việc đàm phán giá.

Ấn Độ vẫn đang mua dầu thô Urals từ Nga với mức giá dưới 60 USD/thùng. Còn các thương lái Trung Quốc ưa chuộng dầu thô ESPO hơn nhờ quãng đường vận chuyển ngắn và hàm lượng lưu huỳnh thấp. Mặt hàng này được bán với giá trên 60 USD/thùng. Thêm vào đó, không có loại dầu nào có chất lượng tương tự ESPO của Nga với mức giá thấp hơn.

Hầu hết nhà máy lọc dầu của Trung Quốc sẽ mua các lô hàng dầu thô giao trước dịp Tết Nguyên đán. Do đó, bên bán muốn bán nốt những lô hàng ESPO dù với giá thấp hơn. “Người Trung Quốc đang cố gắng mặc cả, bởi giờ đây họ còn có lợi thế lớn hơn trong việc đàm phán về giá", nguồn tin nói với Reuters.

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-24122022-674592.html