Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/8/2022
Tập đoàn của Anh quốc muốn đầu tư điện gió ngoài khơi ở Quảng Ninh; Các nước châu Âu hỗ trợ Pháp khắc phục thiếu điện; Italy muốn EU áp giá trần với khí đốt Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 25/8/2022.
Tập đoàn của Anh quốc muốn đầu tư điện gió ngoài khơi ở Quảng Ninh
Sáng 25/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan làm việc với Tập đoàn BP (Anh quốc) và Công ty Cổ phần Tập đoàn SOVICO (Việt Nam) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Tập đoàn BP và Công ty Cổ phần Tập đoàn SOVICO đề xuất đầu tư một dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Quảng Ninh. Công suất dự án ước tính khoảng 3GW và sản lượng năng lượng dự kiến phát lên lưới điện miền Bắc trong khoảng từ 8 đến 10 TWh/năm. Dự án sẽ được phát triển theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 2027 đến năm 2030 với công suất 500MW; giai đoạn hai, giai đoạn ba với tổng công suất 2,5GW từ năm 2030 đến 2035.
Hai đơn vị này kỳ vọng thông qua dự án điện gió ngoài khơi sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia, hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Các nước châu Âu hỗ trợ Pháp khắc phục thiếu điện
Đức ngày 24/8 khẳng định sẽ tiếp tục xuất khẩu điện sang quốc gia láng giềng Pháp, mặc dù nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt và phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm.
Thứ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Patrick Graichen cho biết: "Chỉ 50% số nhà máy điện hạt nhân của Pháp đang hoạt động. Đó là lý do chúng tôi, cũng như Italy và những nước khác, về cơ bản đều xuất khẩu (điện) sang Pháp. Đó là cách mà thị trường điện ở châu Âu vận hành".
Việc Đức cung cấp điện cho các nước láng giềng là một yếu tố được đưa vào trong báo cáo nghiên cứu dự kiến công bố vào tuần tới, là cơ sở để xác định liệu chính phủ có gia hạn giấy phép hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này hay không. Quyết định này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân của Đức trong năm nay.
Italy muốn EU áp giá trần với khí đốt Nga
Tại một hội nghị diễn ra ở thị trấn Rimini, Italy ngày 24/8, Thủ tướng nước này Mario Draghi nói rằng, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần đưa ra mức giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga nhằm giảm bớt gánh nặng tăng giá đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Theo Thủ tướng Draghi, chính phủ Italy đã gây sức ép mạnh mẽ với EU về việc đưa ra mức trần giá khí đốt nhập khẩu của Nga. Một số quốc gia tiếp tục phản đối đề xuất trên do lo ngại Moscow có thể tạm dừng việc cung ứng. Ông Draghi cho biết, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận vấn đề này trong cuộc họp tiếp theo.
Thông tin từ Ủy ban châu Âu cho hay, Ủy ban đã đánh giá khẩn cấp các khả năng để đưa ra mức giá trần khí đốt trong tháng này. Dự kiến, EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 10 tới.
Canada chuyển cho Đức 5 turbine khí còn lại của Dòng chảy phương Bắc 1
Ngày 24/8, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly khẳng định Ottawa vẫn có kế hoạch chuyển cho Đức 5 turbine khí còn lại của dự án Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) hiện đang được sửa chữa ở nhà máy Siemens tại thành phố Montreal của nước này.
Tháng 7 vừa qua, Chính phủ Canada đã cấp quyền miễn trừ cho việc chuyển 6 turbine khí trong dự án Dòng chảy phương Bắc 1 được bảo trì tại thành phố Montreal trở lại Đức để sau đó bàn giao cho Tập đoàn Gazprom (Nga) - đơn vị vận hành đường ống dẫn khí đốt trên.
Một turbine trong số này đã được chuyển đến Đức vào giữa tháng 7, song Gazprom từ chối tiếp nhận với lý do cần có tài liệu pháp lý và kỹ thuật nhằm đảm bảo thiết bị này không chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Phía Đức đã khẳng định nước này có tất cả những giấy tờ và có thể bàn giao turbine cho Moskva bất kỳ lúc nào.
Nga đề xuất bán dầu với giá giảm đến 30% cho các nước châu Á
Hãng tin Bloomberg hôm 24/8 dẫn lời một quan chức phương Tây cho hay, Nga đã tiếp cận một số nước châu Á để thảo luận về các hợp đồng bán dầu dài hạn với mức chiết khấu sâu, lên tới 30% trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy kế hoạch áp trần với giá dầu của nước này trên thị trường quốc tế.
Theo vị quan chức này, các cuộc thảo luận để cung cấp dầu cho một khách hàng châu Á với mức giá thấp hơn 30% so với giá quốc tế có thể là một dấu hiệu cho thấy Nga đang cố gắng ngăn chặn kế hoạch của nhóm các nước cường quốc công nghiệp G7 về việc áp trần với giá dầu của Nga bán ra thị trường quốc tế.
Kế hoạch áp trần giá dầu đó sẽ cho phép các bên thứ ba dễ dàng mua dầu thô của Nga với mức giá thấp do các nước phương Tây đặt ra. Nga cũng có thể đang cố gắng tìm kiếm khách hàng mua dầu mới thay thế những khách hàng ở châu Âu khi họ bị cấm mua dầu của Nga vào cuối năm nay.
Canada và Đức ký thỏa thuận đẩy mạnh xuất khẩu hydro
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Canada, ngày 23/8, Canada và Đức đã ký thỏa thuận mang tên "Liên minh năng lượng hydro" nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu nguồn năng lượng sạch này từ Canada sang Đức trước năm 2025.
Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của chính phủ Đức nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga. Vùng Đại Tây Dương của Canada được kỳ vọng là nơi có thể sử dụng các nguồn năng lượng gió để sản xuất nhiên liệu hydro. Giới quan sát cho rằng, thúc đẩy hợp tác năng lượng lúc này là lựa chọn “đôi bên cùng có lợi”.
Dù lô hàng đầu tiên giao cho Đức có thể diễn ra trong vài năm tới, nhưng thỏa thuận nói trên đánh dấu chương mới trong mối quan hệ giữa hai nước. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng cho thấy sự cương quyết của Đức muốn giảm phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga trong lúc Moscow giảm mạnh nguồn cung khí đốt khiến kinh tế Đức rơi vào tình thế hết sức khó khăn.
Mitsui, Mitsubishi muốn duy trì cổ phần trong dự án Sakhalin 2
Các công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co. và Mitsubishi Corp. muốn duy trì cổ phần trong dự án dầu khí Sakhalin 2 và sẽ thông báo cho Nga vào cuối tháng 8/2022. Mitsubishi cho biết họ đã thông qua kế hoạch này tại cuộc họp hội đồng quản trị trong ngày 25/8.
Hai công ty này quyết định đầu tư vào nhà điều hành mới do Nga thành lập để nắm quyền kiểm soát dự án tài nguyên thiên nhiên ở vùng Viễn Đông của Nga, và được thực hiện dựa trên mục tiêu của Nhật Bản là đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng ổn định.
Nhà điều hành mới, được thành lập vào ngày 5/8 theo một sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các cổ đông trong nhà điều hành trước đây của dự án cần phải nộp đơn đăng ký cổ phần của nhà điều hành mới trước ngày 4/9. Mitsui và Mitsubishi lần lượt nắm giữ 12,5% cổ phần và 10% cổ phần trong nhà điều hành trước đó của dự án.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-2582022-663780.html