Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/10/2022

Nga sẵn sàng đưa khí đốt đến châu Âu qua Dòng chảy phương Bắc 2; Saudi Arabia giữ nguyên giá dầu bán cho châu Á nhưng tăng giá với Mỹ;Iran tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 7/10/2022.

Nga có thể sớm cung cấp nguồn khí đốt cho châu Âu thông qua một nhánh đường ống của Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: Neweurope

Nga có thể sớm cung cấp nguồn khí đốt cho châu Âu thông qua một nhánh đường ống của Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: Neweurope

Nga sẵn sàng đưa khí đốt đến châu Âu qua Dòng chảy phương Bắc 2

Phó Thủ tướng, cựu Bộ trưởng năng lượng Nga Aleksander Novak cho biết, do bị phá hoại, một nhánh của Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) bị hỏng, cần kiểm tra. Tuy nhiên, một nhánh khác đã được xây dựng hoàn chỉnh và sẵn sàng hoạt động.

"Nếu các đồng nghiệp châu Âu của chúng tôi có thể quyết định thủ tục pháp lý và khắc phục những hạn chế, tôi nghĩ Nga có thể sớm cung cấp nguồn khí đốt thích hợp thông qua nhánh đường ống này”, Phó Thủ tướng Nga Aleksander Novak nói.

Ông cũng cho biết thêm rằng, cả nhà điều hành dự án Nord Stream, Gazprom hay cơ quan quản lý Nga Rostekhnadzor đều đang không được phép điều tra các sự cố trên đường ống, trong khi một cuộc điều tra khách quan cần có các chuyên gia Nga tham gia.

Saudi Arabia giữ nguyên giá dầu bán cho châu Á nhưng tăng giá với Mỹ

Theo Bloomberg, nhà sản xuất Saudi Aramco của Saudi Arabia đã tăng giá bán chính thức dầu thô cho thị trường Mỹ trong tháng 11 thêm 0,20 USD/thùng, trong khi vẫn giữ nguyên giá cho châu Á - thị trường chủ chốt của nước này. Nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới này cũng đã giảm giá cho khu vực Tây Bắc Âu và Địa Trung Hải.

Giá dầu thô nhẹ Arab Light bán sang thị trường châu Á vẫn ở mức cao hơn 5,85 USD/thùng so với tiêu chuẩn khu vực. Giá dầu thô trung bình và nặng của công ty này ở châu Á đã tăng 0,25 USD/thùng so với tháng trước.

Trước đó, các nhà giao dịch dự báo giá dầu thô ở châu Á sẽ tăng 0,40 USD/thùng vào tháng tới, khi nhu cầu tại một trong những thị trường lớn nhất của Aramco phục hồi và các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc tăng sản lượng sau khi ban hành hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm mới.

Iran tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng

Ngày 6/10, bên lề Diễn đàn Kinh tế Caspi diễn ra tại thủ đô Moskva của Nga, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết với tư cách là hai quốc gia xuất khẩu khí đốt, Iran và Nga có nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực hoán đổi năng lượng. Các hoạt động trung chuyển và thương mại dầu khí với Nga sẽ đưa Iran trở thành một trung tâm năng lượng khu vực.

Ông Owji cũng đề cập đến các thỏa thuận với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, đồng thời công bố một thỏa thuận đầu tư chung về việc sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG ) và các công nghệ liên quan cho các cơ sở khí đốt ở Iran. Nga và Iran cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu khí đốt sang Pakistan và Oman cũng như thỏa thuận xây dựng chung một đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu sang hai quốc gia này ở miền Nam Iran.

Đề cập đến việc hoán đổi các sản phẩm dầu mỏ như xăng, dầu ở khu vực Biển Caspi và việc trao đổi các mặt hàng phi dầu mỏ để lấy dầu, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran lưu ý Tehran và Moskva có thể hoán đổi 10 triệu tấn dầu mỏ và các sản phẩm phi dầu mỏ, với các cảng biển đã được thiết lập và các tàu được trang bị để phục vụ cho hoạt động này…

Nga sẽ “trả đũa” ngay sau khi có văn bản chính thức về áp giá trần dầu

Ngày 6/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay, nước này sẽ triển khai các hành động liên quan việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt mức giá trần đối với dầu Nga sau khi có văn bản chính thức.

Khi được hỏi việc Nga sẽ trả đũa ngay lập tức gói trừng phạt thứ 8 của EU, bao gồm việc áp đặt mức giá trần đối với dầu từ Nga hay không, ông Novak nói: “Chúng tôi cần nhìn thấy giấy tờ trước, xem viết gì ở đó”.

Theo Phó Thủ tướng Nga, Moscow sẽ đánh giá về mặt pháp lý của văn kiện và xây dựng kế hoạch hành động. Trước đó cùng ngày, EU đã thông qua gói trừng phạt chống Nga thứ 8, bao gồm áp đặt mức giá trần đối với dầu từ Nga và các biện pháp hạn chế thương mại trị giá 7 tỷ euro. Cũng cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan kêu gọi châu Âu cần hành động ngay về vấn đề giá năng lượng trước khi mùa đông tới.

Pháp công bố gói biện pháp an ninh năng lượng mới

Hôm 6/10, chính phủ Pháp công bố kế hoạch cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng so với năm 2019, nhằm hạn chế tình trạng cắt điện hoặc thiếu hụt năng lượng có thể xảy ra trong mùa đông sắp tới.

Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher đã kêu gọi người dân ủng hộ đồng thời, bà cho rằng đây "chỉ là bước đầu tiên" trong mục tiêu cắt giảm 40% mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2050.

Để tránh tình trạng thiếu hụt, chính phủ đã khuyến nghị một loạt các biện pháp, bao gồm giảm bớt hệ thống sưởi và ánh sáng, làm việc từ xa đối với một số ngành dịch vụ và tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng.

Cuộc chiến năng lượng với Nga có thể khiến châu Âu tổn thất 1.600 tỷ euro

Theo các nhà phân tích tại công ty Yakov & Partners, EU đã triển khai hàng loạt biện pháp can thiệp tài chính nhằm giảm thiểu tác động của khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, điều này có thể làm mất khả năng cạnh tranh, thậm chí dẫn đến việc đóng cửa một số ngành công nghiệp do tình trạng thiếu khí đốt và chi phí năng lượng đắt đỏ.

Trong nghiên cứu của công ty tư vấn kinh tế trên về tình hình năng lượng hiện tại của châu Âu, các chuyên gia lưu ý rằng Chính sách trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến châu Âu thiệt hại 1.600 tỷ euro vào năm 2023. "Các biện pháp can thiệp sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách lên tới 2.000 tỷ euro hàng năm và gánh nặng nợ công của EU là 100% GDP", một chuyên gia cho biết.

Nhìn chung, các chuyên gia được tờ báo Vedomosti phỏng vấn đều đồng tình với những kết luận như vậy. Nhà phân tích Alexey Kalachev tại Finam nhấn mạnh rằng sự phát triển thành công của nền kinh tế châu Âu được đảm bảo ở một mức độ đáng kể từ các nguồn cung cấp năng lượng dễ tiếp cận được, trong đó có Nga.

Nguy cơ các hộ gia đình tại Anh bị cắt điện luân phiên trong mùa đông tới

National Grid - công ty điện lực lớn nhất Vương quốc Anh cảnh báo các hộ gia đình có thể bị cắt điện luân phiên tới 3 tiếng vào mùa đông nếu nguồn cung khí đốt của nước này ở mức rất thấp. Mặc dù đây là một kịch bản khó xảy ra, song theo National Grid, khả năng gián đoạn nguồn cung là có thể nếu cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang.

Thủ tướng Anh Liz Truss ngày 6/10 cho biết nước này có nguồn cung cấp năng lượng tốt hơn nhiều so với những nước khác, nhưng chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng trong tương lai. Anh phụ thuộc nhiều vào khí đốt để sản xuất điện với hơn 40% tổng sản lượng điện, nước này cũng nhập khẩu điện từ châu Âu.

National Grid cho rằng mặc dù Anh ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn so với các nước khác ở châu Âu, nhưng nước này vẫn có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp nguồn cung cho "Lục địa già" bị thiếu hụt.

T.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-7102022-667914.html