Nhịp sống đổi thay những ngày chống dịch
Bước vào giai đoạn chống dịch mới, người dân ở Hà Nội đang dần thích nghi với cuộc sống có nhiều thay đổi khi hàng quán đóng cửa, học sinh nghỉ học kéo dài...
Đường phố Hà Nội những ngày gần đây vắng vẻ, các cơ sở kinh doanh hầu hết đóng cửa. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khuyến cáo các cửa hàng không phải nhu yếu phẩm nên đóng cửa để tránh sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh.
Tính đến ngày 27/3, Hà Nội và 42 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng dịch bệnh. Nhiều người vẫn hay nói đùa rằng đây là “kỳ nghỉ Tết" dài nhất.
Ngày nào cũng là cuối tuần
13h, chị Bùi Kim Liên đến cửa hàng đồ gốm để bọc gói một số sản phẩm gửi cho khách. Người phụ nữ quyết định sẽ đóng cửa vô thời hạn đến khi nào dịch bệnh chấm dứt ở Hà Nội. Khách thay vì đến tận nơi mua đồ, giờ đây sẽ đặt đơn online rồi nhận hàng thông qua dịch vụ vận chuyển.
Việc đóng cửa hàng chuyển qua bán online ít nhiều có ảnh hưởng tới doanh số. Tuy nhiên, chị Liên thấy đó là điều cần thiết khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nữ chủ quán sẽ sắp xếp, lạu dọn lại một số mặt hàng trong gian trưng bày trước khi đóng cửa ra về.
- Mẹ ơi, mẹ đọc sách cho con đi! Con cần làm bài tập trên máy tính nữa.
- Trưa nay nhà mình có thể ăn bánh rán không hả mẹ?
Tiếng nói chuyện của cô bé Châu Anh (6 tuổi) làm căn nhà rộn ràng hơn. Khác hẳn với quãng thời gian trước, căn nhà thường xuyên im ắng khi chị Kim Liên và chồng bận rộn công việc, còn những đứa trẻ thì đi học.
Kỳ nghỉ kéo dài từ Tết vẫn chưa kết thúc, mọi hoạt động của Châu Anh và cô em gái nhỏ tên Chi Anh chủ yếu diễn ra ở nhà. Trong khoảng thời gian này, hai chị em lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ bởi sự có mặt thường xuyên của cả bố và mẹ.
Chồng chị Liên, anh Thái Hồng đang là quản lý dự án xây dựng. Do đặc thù công việc nên anh thường xuyên phải đi công tác xa, chỉ về những ngày cuối tuần.
Nhưng từ sau Tết, dịch Covid-19 lan rộng, dự án xây dựng tại Hạ Long tạm dừng. Anh về nhà và tuân thủ khuyến cáo hạn chế đi lại.
Thời gian ở nhà có chồng phụ trông nom 2 con nhỏ, chị Liên cũng nhàn hơn. Vì thế, chị vẫn có thể tư vấn cho khách hàng qua fanpage.
Chừng 3-4 ngày, nếu có đơn đặt hàng chị sẽ đến tiệm, gói đồ gửi cho khách.
Phía dưới tòa nhà là siêu thị, cửa hàng tiện lợi nên chị Liên không lo lắng về nhu yếu phẩm hàng ngày. Cần mua gì, chỉ cần chạy xuống là có. Chị tin rằng với sự kiểm soát dịch tốt của Nhà nước, tình trạng khan hiếm thực phẩm sẽ không xảy ra.
“Đối với những người trẻ, khỏe, sức đề kháng tốt thì không sao. Nhưng với những gia đình có người già, trẻ nhỏ nếu bị lây nhiễm thì sẽ rất nguy hiểm. Mọi người ở nhà thời gian này là hoàn toàn hợp lý, hoặc ít nhất là hạn chế đi lại ở mức tối đa”, chị Liên quan niệm.
Kỳ nghỉ Tết dài nhất
Hôm nay là ngày thứ 14 anh Vũ Ngọc Cường nghỉ dạy học. Từ sáng đến tối vẫn chỉ có từng ấy việc gồm thức giấc, đọc sách, nghiên cứu giáo trình và dạy học qua màn hình máy tính.
Buổi sáng, anh chọn đọc Project Management: A Managerial Approach - cuốn sách giúp anh có thêm kiến thức về quản lý, khởi tạo các dự án công việc mới.
Cường là một giáo viên tiếng Anh tự do, công việc chủ yếu của anh là giảng dạy tại trung tâm. Từ Tết đến nay, dịch Covid-19 diễn diễn biến ngày càng phức tạp, mọi người thực hiện khuyến cáo hạn chế ra ngoài, thầy giáo này cũng ít việc làm hơn.
Đã hơn 2 tuần qua anh không đứng lớp, phần lớn các lớp anh đang dạy cũng tạm nghỉ. Sinh viên về quê, các công ty thuê anh dạy tiếng Anh buổi trưa cũng đã chuyển qua làm việc tại nhà.
Thời gian trước, mỗi ngày anh dành khoảng 6 tiếng chia đều cho 3-4 lớp. Đến nay thì chỉ còn 3 tiếng dạy học online. Chính vì thế, thu nhập của anh cũng giảm đi đáng kể.
Trước đây, mỗi lúc rảnh, anh thường ra quán cafe gần nhà để dựng giáo án và xử lý công việc. Thời gian gần đây, các quán cafe, đồ uống đã đóng cửa nghỉ dịch nên anh đã mua nguyên liệu về, tự ủ lạnh và pha chế ngay tại nhà.
Có thêm nhiều thời gian rảnh, anh Cường thường đọc sách, nghe nhạc hay lên ý tưởng cho những clip dạy học của mình. Anh có thể nghiên cứu thêm nhiều tài liệu, hoàn thành các bài tập chuyên ngành của khóa học thạc sĩ mà anh đang theo đuổi.
">Công việc bị ảnh hưởng là vậy nhưng anh vẫn cảm thấy khá ổn vì lâu rồi mình mới có thời gian để làm những việc khác. Anh sống độc thân nên cũng quen với việc ở nhà cả ngày, chuyện ít đi ra ngoài đối với anh vẫn bình thường. Hàng ngày anh đều đặn dành 1-2 tiếng đến công viên gần nhà hít thở không khí trong lành và chạy bộ rèn luyện sức khỏe.
Sinh viên tránh dịch tại ký túc xá
Nổi tiếng là trường đông sinh viên nhất, nhì Hà Nội, khuôn viên của Đại học Bách Khoa mấy ngày nay lại vắng vẻ lạ thường. Ký túc xá có nhiều phòng đã đóng cửa bởi sinh viên được nghỉ, về quê tránh dịch.
"Bắc ơi, trưa nay phòng mình ăn cơm sớm nhé, 12h30 tao có tiết học online rồi", tiếng của Lộc gọi với lên cậu bạn cùng phòng.
Kỳ nghỉ tiếp tục kéo dài chưa có lịch học lại cụ thể, mọi hoạt động giảng dạy của trường được chuyển sang online vào các khung giờ giống như các tiết học trên lớp.
Tại Đại học Bách khoa, tiết học sớm nhất trong ngày sẽ bắt đầu vào lúc 6h45. Bình thường, Đặng Xuân Hoàn cũng như sinh viên khác sẽ thức dậy lúc 6h, chuẩn bị tài liệu rồi đến giảng đường.
Tuy nhiên, khoảng 2 tuần nay, cậu sinh viên năm 2 này đã thay đổi thói quen. 6h40 sáng, Hoàn thức dậy, dành 5 phút ngắn ngủi để vệ sinh cá nhân, bật laptop, cắm tai nghe rồi có mặt trước màn hình máy tính. Đúng 6h45, giọng thầy Tuệ cất lên, điểm danh học sinh mất khoảng 5 phút, sau đó tiết học online chính thức bắt đầu.
Hoàn chọn công việc chế tạo những máy công cụ bằng gỗ để giải trí vào những lúc rảnh tay. Máy cắt, máy khoan, máy tiện… được cậu thích thú lắp ghép rồi lại tháo ra để thử các cơ chế hoạt động khác nhau.
Chuyên ngành của Hoàn là Kỹ thuật Hóa học nhưng cậu có sự quan tâm đến thiết bị cơ học bởi những kiến thức cơ bản về máy móc sẽ giúp ích nhiều trong cuộc sống.
Căn phòng 410 rộng chừng 20 m2 là nơi ở của 10 cậu sinh viên Đại học Bách Khoa. Khi nhà trường ra thông báo nghỉ dịch, 4 người về quê, phòng chỉ còn lại 6 sinh viên. Đây có lẽ là phòng đông học sinh ở lại nhất của tòa B5. Tất cả đã ở với nhau từ năm nhất nên lúc nào không khí trong phòng cũng vui vẻ, náo nhiệt đủ trò.
Một góc, Trần Hoàn và Trung cùng chơi game trên máy tính. Góc khác, Lộc đang cặm cụi tập bấm những phím đàn guitar với sự trợ giúp của Xuân Hoàn. Trong nhà vệ sinh, Bắc - trưởng phòng - đang dọn dẹp. Bên bàn học thì cậu bạn Sơn lại đeo tai nghe, học nghe tiếng Anh nhân lúc rảnh rỗi.
Ký túc xá cũng có thêm nhiều các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo sức khỏe cho sinh viên. Nước rửa tay do nhà trường tự sản xuất luôn có sẵn tại các lối ra vào tòa nhà. Mỗi khi ra ngoài sinh viên phải ghi vào giấy di trú và theo dõi thân nhiệt một cách cẩn thận.
Nhà trường khuyến cáo sinh viên nếu không có việc thì không nên ra ngoài, tạm dừng các công việc làm thêm, sinh hoạt bên ngoài trường. Cổng ký túc xá cũng mở muộn hơn và đóng lại sớm hơn từ khi có dịch (7h30 - 21h).
Cậu trưởng phòng kể ngày trước mỗi người học một giảng đường, ai tiện đâu thì dùng bữa tại căng tin gần đó. Từ ngày chuyển qua học online, cả phòng có cơ hội ăn chung nhiều bữa hơn.
“Tối nay mua cơm về phòng ăn chung mọi người nhỉ", giọng Bắc cất lên rồi cùng Sơn cùng xuống căng tin xách 2 túi cơm, canh về phòng. Chiếc bàn nhỏ xếp vài ba món ăn là nơi mấy cậu sinh viên ngồi quây quần, vừa ăn cơm vừa vui chuyện.
Sơn, chàng trai ít nói nhất phòng, tâm sự quê tận Hà Tĩnh nên bố mẹ khó lên thăm nom thường xuyên. Sáng và tối, mẹ Sơn gọi điện hỏi thăm. Lo lắng vì Hà Nội đang có dịch, bố mẹ cậu tỏ rõ sự vui mừng khi thấy con khỏe mạnh mỗi ngày.
"Vâng con đây, con vẫn khỏe. Ở ký túc xá này quy định nghiêm lắm, bọn con chỉ ở trong phòng nên bố mẹ không phải lo bệnh đâu. Còn có bạn bè ở đây với con nữa”, Sơn nói trong điện thoại với gia đình.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhip-song-doi-thay-nhung-ngay-chong-dich-post1065179.html