Nhịp sống mới dưới chân núi Pắc Bó
Từ một thôn khó khăn nhưng với cách nghĩ, cách làm mới của bà con, cùng với lòng nhiệt huyết của những đoàn viên, thanh niên đã đưa Nà Khá trở thành một vùng quê tươi đẹp, trù phú.
Vùng quê đổi mới
Thôn Nà Khá là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Năng Khả (tháng 8-1948). Nhiều năm trước đây, đời sống của bà con nhân dân thôn Nà Khá vẫn còn khó khăn. Vốn là địa bàn khá trũng so với mặt bằng chung của các thôn khác của xã, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư, vì vậy chuyện mất mùa sau mỗi mùa lũ thường xuyên xảy ra. Hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất nên việc đi lại của bà con luôn gặp khó khăn. Nhưng nhờ sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cùng với sự đồng lòng chung sức của bà con nhân dân trong thôn, hệ thống hạ tầng cơ sở của Nà Khá đã được hoàn thành. Giao thông của thôn đã được bê tông hóa, hệ thống kênh mương thủy lợi được khơi thông, cứng hóa, nhà văn hóa đã được đầu tư. Năm 2015, xã Năng Khả là một trong 7 xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành nông thôn mới.
Đối với bà con Nà Khá, phong trào xây dựng nông thôn mới giống như một cuộc “cách mạng” làm thay đổi nhận thức, cách thức trong phát triển kinh tế. Ông Quan Đại Hành, Trưởng thôn Nà Khá cho biết, để người dân nâng cao kỹ thuật trồng trọt, cán bộ huyện, xã đã tích cực vận động từng hộ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo đúng khung thời vụ để dành thời gian cho sản xuất cây vụ đông.
Đến nay, vụ đông đã trở thành vụ chính đối với bà con Nà Khá. Vụ đông ở đây được bà con trồng chủ yếu là rau, quả các loại như cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ... cung cấp cho thị trấn Na Hang, thậm chí vươn tới tận thành phố Tuyên Quang. Sau mỗi vụ đông, nhiều hộ có thêm thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng. Từ hiệu quả của sản xuất vụ đông, giờ đây bà con trong thôn nhà nào cũng tích cực thi đua sản xuất, 100% diện tích đất được canh tác.
Phan Thanh Ngọc vốn là một thanh niên người thành phố Tuyên Quang đã bén duyên với cô gái Tày ở thôn Nà Khá La Ánh Nguyệt vừa mới tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Thái Nguyên. Cưới nhau xong, Ngọc và Nguyệt quyết định ở lại Nà Khá mở trang trại chăn nuôi gà, cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm và con giống cho người dân trong xã. Trang trại của Ngọc hiện có quy mô nuôi trên 1.000 con gà, 100 con ngan, mỗi tháng lò ấp trứng cung cấp ra thị trường trên 10.000 con gà giống. Gà giống của Ngọc cung cấp cho bà con đều được “bảo hành” trong vòng 1 tuần.
Ông Quan Đại Hành cho biết, từ mô hình nuôi gà của gia đình Ngọc đã khơi dậy phong trào chăn nuôi ở thôn Nà Khá phát triển mạnh. Đối với những hộ nghèo, Ngọc hỗ trợ con giống, thức ăn ban đầu đến khi xuất chuồng bà con mới thanh toán. Nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật do Ngọc hướng dẫn, lãi suất đạt 40.000 đồng/kg gà thịt sau 6 tháng. Nhờ có vợ chồng đoàn viên trẻ Ngọc và Nguyệt, hiện tổng đàn gia cầm của thôn Nà Khá có trên 6.000 con gà, ngan. Trung bình mỗi năm bà con có thu nhập trên 1 tỷ đồng.
HTX Thanh niên Năng Khả có trụ sở ở thôn Nà Khá vừa mới được thành lập tháng 5-2019 do 9 thành viên là những đoàn viên, thanh niên có cùng chí hướng khởi xướng do anh Phan Thanh Ngọc làm Giám đốc. HTX chuyên về chăn nuôi, dịch vụ homestay, tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm mây tre đan. Hiện các thành viên HTX đã chăn nuôi được 5.000 con gà đồi, trên 100 con lợn. Anh Phan Thanh Ngọc cho biết, sản phẩm gà đồi được xã Năng Khả đăng ký Chương trình mỗi xã một sản phẩm, mục tiêu của HTX là phải đưa quy mô tổng đàn lên 7.000 đến 8.000 con, đảm bảo cung ứng ổn định cho các siêu thị, chính vì vậy cần có thêm các thành viên trong HTX cùng chăn nuôi. Hiện HTX đang trong giai đoạn bước đầu triển khai nhưng chắc chắn sẽ đạt đúng mục tiêu đề ra.
Khơi dậy tiềm năng du lịch
Ông Quan Đại Hành, Trưởng thôn Nà Khá đưa chúng tôi đi dọc thôn. Con đường bê tông quanh co dưới chân núi, hai bên là những nếp nhà sàn; những vạt hoa trồng trước cửa nhà, cánh đồng lúa đang vào kỳ trổ đòng hòa với màu xanh của núi, rừng làm lên bức tranh tuyệt mỹ. Ông Hành cho rằng, nhờ có con suối bao quanh đã tạo cho khí hậu ở đây mát mẻ, đồng đất phì nhiêu, cây cối xanh tốt. Năm 2015, huyện Na Hang triển khai phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng (homestay) đã lựa chọn Nà Khá là một trong số những thôn có thể phát triển dịch vụ này. Theo rà roát, quy hoạch của huyện, trong thôn có 27 hộ có nhà sàn có thể làm dịch vụ homestay. Hiện có 5 nhà đã đầu tư triển khai dịch vụ homestay được 3-4 năm nay.
Gia đình ông La Văn San là một trong những hộ đi đầu trong việc chỉnh trang nhà cửa để làm du lịch homestay. Ông San cho biết, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi tháng nhà ông đón tiếp từ 2 đến 3 đoàn khách. Đoàn ít thì 5 người, đoàn nhiều lên tới hơn 30 người. Những khách du lịch đến đây được ăn nghỉ và trải nghiệm “ba cùng” (cùng ăn, cùng nghỉ và cùng tham gia các hoạt động với chủ nhà).
Trong khuôn viên mỗi nhà đều có vườn cây, ao cá, khách có thể tổ chức các hoạt động dã ngoại, tham gia các công việc hàng ngày của người dân như lấy măng, lấy củi, đánh cá, đi cấy hay đi lấy lá thuốc… Buổi tối khách được thưởng thức làn điệu Then do đội văn nghệ của thôn phục vụ. Ngoài ra, khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản của người Tày như các món chế biến từ thịt lợn đen, gà ta, dê núi, rau rừng, giảo cổ lam, xôi ngũ sắc, rượu ngô, hoa chuối rừng, hoa kè, trám, măng chua, rau dớn, cơm lam... Đặc biệt, còn có đặc sản ốc núi với hương vị đặc trưng.
Chị La Ánh Nguyệt, thành viên HTX Thanh niên Năng Khả cho biết, với lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ, quanh khu vực có những thắng cảnh đẹp như Đền Khuông Mạ, hang Phiêng Khoang, điểm du lịch Phiêng Bung... là tiềm năng để phát triển du lịch homestay. Hiện nay, lượng khách đến với Nà Khá ngày một đông, do vậy một số hộ trong thôn nằm trong diện quy hoạch cũng đã tiến hành sửa sang nhà cửa để đón khách. Trong thời gian tới HTX sẽ cùng với bà con trong thôn đẩy mạnh phát triển du lịch homestay. HTX cũng tự xây dựng cho mình một khu nhà sàn để phục vụ khách.