Nhịp sống mới nơi Bác Hồ về thăm

Những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi có dịp thăm khu di tích lịch sử đồn điền Chi Nê (Lạc Thủy) - nơi đặt nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam, cũng là nơi vinh dự 2 lần được đón Bác Hồ về thăm. Nơi năm xưa in dấu chân của Người nay đã có nhiều đổi khác, khang trang hơn, giàu đẹp hơn, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cán bộ Ban Quản lý di tích huyện Lạc Thủy giới thiệu về nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nền tài chính nước ta lâm vào tình trạng kiệt quệ do hậu quả của gần 100 năm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Năm 1946, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, ông Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản yêu nước đứng tên và bỏ tiền mua lại toàn bộ nhà in Tô-panh ở Cửa Nam, TP Hà Nội để hiến tặng cho cách mạng. Đến tháng 3/1946, trước nguy cơ bị lộ việc in tiền tại nhà in Tô-panh là rất lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định sơ tán nhà in lên đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Chính tại nơi đây, tờ bạc 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc "con trâu xanh” ra đời, mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng, góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hóa trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của Nhân dân ta.

Đồn điền Chi Nê là nơi dừng chân của nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Cũng chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghỉ chân khi Người đi công tác ở tỉnh Thanh Hóa. Bác làm việc cả ngày 19/2/1947. Ngày 20/2/1947, Bác đi Thanh Hóa. Rạng sáng 21/2/1947, Bác trở lại đồn điền Chi Nê và đến thăm nhà máy in tiền. Thăm, nói chuyện với anh, chị em công nhân và tự vệ chiến đấu của nhà máy, Bác căn dặn: "Đây là máy in của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng vào công cuộc kháng chiến cứu quốc. Cán bộ và công nhân trong nhà máy phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phải hết sức chú ý bảo quản và tiết kiệm tiền bạc của nhân dân...”.

Đến thăm chợ Đầm Đa, người nhắc nhở Ủy ban Hành chính Phú Lão: "Phải rời ngay đến chỗ kín đáo đề phòng máy bay giặc bắn phá”. Thăm một số gia đình đồng bào Mường tại xã Cố Nghĩa, Người động viên: "Cố gắng tăng gia sản xuất làm ra nhiều ngô, lúa để ăn và ủng hộ kháng chiến”.

Đồng chí Giang Đức Minh, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghĩa cho biết: "Khắc sâu những lời căn dặn của Bác, cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân xã Phú Nghĩa ngày nay luôn đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Xã Phú Nghĩa được thành lập mới trên cơ sở sáp nhập xã Cố Nghĩa và xã Phú Lão, tổng dân số hơn 8.800 nhân khẩu, 15 thôn. Đảng bộ xã có 665 đảng viên sinh hoạt tại 21 chi bộ trực thuộc, là một trong những đơn vị, địa phương tốp đầu của huyện về nhiều lĩnh vực”.

Trong phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ chiếm 52,7%, nông - lâm - thủy sản chiếm 29,18%, CN - TTCN chiếm 18,1%. Xã đã cán đích nông thôn mới nâng cao với nhiều tiêu chí nổi bật như: Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn cứng hóa gần 74%, đường trực xã được nhựa hóa, bê tông hóa 100%; 4/4 trường học đạt chuẩn; cơ sở vật chất văn hóa đảm bảo với 2 nhà văn hóa trung tâm, khu thể thao và sân vận động trung tâm cùng 15 nhà văn hóa thôn; xã có 2 chợ trung tâm đáp ứng tốt nhu cầu giao lưu hàng hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,57%… Với nền tảng đó, xã Phú Nghĩa sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tiến tới phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm nay.

Gia Khánh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/156536/nhip-song-moi-noi-bac-ho-ve-tham.htm