Nhịp sống mới ở Biên Hòa
Sáng sớm ngày 27-8-1945, tại Quảng trường Sông Phố (nay thuộc thành phố Biên Hòa), gần mười nghìn người dân Ðồng Nai dự cuộc mít-tinh lớn chào mừng chính quyền cách mạng lâm thời đã giơ cao nắm tay tuyên thệ sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản, kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sau 74 năm, với tinh thần năng động, đổi mới, dám nghĩ dám làm của cán bộ, nhân dân địa phương, Biên Hòa đã trở thành đô thị trù phú ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Ban mai Biên Hòa ngập sắc xanh áo thợ. Ðó chính là điểm nhấn khác biệt dễ dàng nhận ra khi đến địa bàn phát triển công nghiệp sôi động bậc nhất cả nước. Từ một khu công nghiệp (KCN) duy nhất, thành phố Biên Hòa đã nhanh chóng phát triển sáu KCN đang hoạt động, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư, trong đó, các KCN Biên Hòa 2, Amata trở thành hình mẫu của cả nước. Hiện có khoảng 300 nghìn công nhân đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đang tham gia sản xuất trong các công ty, xí nghiệp và là lực lượng lao động chủ lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ngân sách nhà nước ở địa phương. Ðiểm sáng phát triển công nghiệp vượt trội như Biên Hòa, ít nơi nào sánh kịp. Chiếu theo độ lùi thời gian, Biên Hòa xưa và nay, mọi sự so sánh càng trở nên khập khiễng. Và chúng ta chỉ có thể dùng từ "nhanh, mạnh, vững chắc" để mô tả sự phát triển ấn tượng của mảnh đất này.
Cùng với kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, những năm gần đây, diện mạo đô thị Biên Hòa đổi thay nhanh chóng nhờ được đầu tư nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm với tổng số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Nổi bật phải kể đến hàng loạt cây cầu bắc qua dòng Ðồng Nai, như: Bửu Hòa, Hiệp Hòa, An Hảo nối cù lao Hiệp Hòa với trung tâm thành phố, góp phần đánh thức tiềm năng khu vực ven sông. Hay, trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1, nơi giao nhau với các KCN có cầu vượt Amata, hầm chui Tam Hiệp và ngõ vào trung tâm thành phố mới xuất hiện hầm chui ngã tư Tân Phong… góp phần cơ bản chấm dứt nạn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và ngập nước cục bộ kéo dài trong nhiều năm. "Trước đây, mỗi sáng đi làm tôi phải khổ sở, thậm chí trễ giờ, vì lượng xe lưu thông dày đặc dẫn đến ùn tắc ở đường Ðồng Khởi giao quốc lộ 1, đoạn rẽ vào KCN Amata. Từ ngày có cầu vượt, xảy ra kẹt xe ít, anh chị em công nhân đi lại dễ dàng hơn, chung quanh khu vực cũng được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khang trang, sạch đẹp", anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân KCN Amata, nói.
Nói đến sự khởi sắc ngoạn mục của khu vực trung tâm thành phố, không thể không nhắc tới khu vực hoang hóa, sình lầy nằm ven sông Ðồng Nai ngày nào, giờ đã được thay thế bởi khu dân cư sầm uất, quy củ, thuộc đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất. "Ở đây đường mở rộng và nhà cửa thiết kế kiến trúc liền kề mang tính gắn kết cộng đồng. Chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi, hài lòng khi được sống trong khu dân cư khang trang, sạch đẹp, an toàn", bà Nguyễn Thị Bảy, tâm sự. Nhịp sống Biên Hòa càng trở nên náo nhiệt, hấp dẫn hơn khi mới có thêm sáu xã chính thức được công nhận phát triển thành phường. "Chúng tôi mong Nhà nước sớm thực hiện các quy hoạch để từng bước đưa Cù lao Phố trở thành trung tâm văn hóa lịch sử sinh thái, vùng đất thân thiện, đáng sống", ông Ngô Văn Quang, một người dân phường Hiệp Hòa, bày tỏ. Ở Biên Hòa, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đã chạm ngưỡng hơn 6.000 USD. Những thành tựu vượt bậc, đáng tự hào mà Ðảng bộ và nhân dân Biên Hòa gặt hái hôm nay, được làm nên bởi ý chí, tinh thần vượt khó được trao truyền từ các thế hệ cách mạng tiền bối.
Năm 2016, Biên Hòa trở thành đô thị loại 1, trực thuộc tỉnh Ðồng Nai, hiện nay bao gồm 29 phường và một xã, dân số khoảng 1,2 triệu người. Mỗi năm lại có thêm hàng chục nghìn lao động mang theo con cái từ mọi miền đến sinh sống, tạo áp lực khá lớn cho thành phố, nhất là trong việc chăm lo chuyện đi lại, ăn ở, học hành, khám, chữa bệnh, bảo đảm an ninh trật tự. Với phương châm chất lượng cuộc sống của người dân là tiền đề để phát triển, Ðảng bộ và chính quyền địa phương đã quyết liệt tiến hành hàng loạt giải pháp nhằm thích ứng với tốc độ tăng dân số cơ học cao. Cho đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông, an sinh xã hội được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng trường lớp không theo kịp, tình trạng học ca ba trong năm học mới này lại có nguy cơ tái diễn tại phường Trảng Dài, nơi số học sinh vào lớp 1 tăng hơn 1.000 em so với năm học 2018 - 2019. "Nếu trường tổ chức học ca ba thì rất khổ sở đối với cha mẹ học sinh. Bởi, chúng tôi khó có thể bỏ việc công ty ngang chừng để về đưa đón con buổi trưa", anh Nguyễn Công Hiếu chia sẻ tâm trạng lo lắng khi đi nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 tại Trường tiểu học Trảng Dài 1.
Theo đồng chí Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa, cần thêm những bước đi hiệu quả để phát triển hài hòa, bền vững kinh tế gắn với phát huy bản sắc văn hóa Biên Hòa - Ðồng Nai, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Theo đó, để thành phố phát triển xứng tầm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, quy mô không gian đô thị sẽ không ngừng được mở rộng, trước mắt là khởi công các công trình thiết yếu, làm thay đổi dáng dấp kiến trúc, cảnh quan, như: đường ven sông Ðồng Nai, đoạn từ cầu Hóa An đến huyện Vĩnh Cửu, trục đường trung tâm thành phố, cầu Thống Nhất, hương lộ 2, đoạn gần quốc lộ 51. Song song đó, chú trọng phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; đẩy nhanh thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành; tăng cường đầu tư xây dựng các công trình vui chơi, giải trí công cộng.
Ðồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Ðồng Nai lưu ý: Thành tựu của thành phố Biên Hòa tác động mạnh đến sự phát triển chung toàn tỉnh. Do đó, Ðảng bộ, chính quyền địa phương cần tiếp tục huy động cao nhất các nguồn lực với tinh thần đột phá, để khắc phục những vấn đề đang đặt ra cấp thiết, hướng tới xây dựng đô thị Biên Hòa ngày càng văn minh, hiện đại, không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh mà còn trở thành thành phố vệ tinh cho vùng TP Hồ Chí Minh.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41254802-nhip-song-moi-o-bien-hoa.html