Nhịp sống mới ở Động Sơn
Thực hiện xây dựng Công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường giao thông nông thôn từ Kim Sơn đi Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn), nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Cao Lan của 2 thôn đã tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến đất để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ bàn giao. Con đường thể hiện tinh thần đoàn kết góp phần xây dựng Đề án Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn.
Mở lòng, rộng đường
Chúng tôi cùng đồng chí Khổng Thị Tân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chân Sơn về thăm thôn Kim Sơn và Động Sơn trên con đường bê tông nông thôn mới khang trang, sạch đẹp vừa được nâng cấp cải tạo và đưa vào sử dụng trong tháng 8-2022. Con đường có chiều dài gần 4km, nền đường rộng 6,5m, kinh phí trên 12 tỷ đồng do nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư. Đồng chí Tân phấn khởi khoe với chúng tôi có được thành quả này là nhờ sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, trong đó có đồng bào Cao Lan.
Gia đình ông Tạ Văn Cầu, thôn Kim Sơn 1 một trong 7 hộ của thôn tiên phong hiến đất mở đường, riêng nhà ông có 3 bố con cùng tình nguyện hiến trên 300m2 đất. Ông Cầu chia sẻ, con đường từ nhà ông đến Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn dài hơn 1,5km, trước kia là con đường bê tông nhỏ, chỉ rộng khoảng hơn 2m, sát núi, đi lại rất nguy hiểm. Khi UBND huyện có chủ trương nâng cấp tuyến đường bê tông thôn để làm Đề án Làng Văn hóa Cao Lan Động Sơn, xã phải vận động nhân dân hiến đất làm đường. Ông và gia đình cũng phân vân, vì nhà ông đất canh tác ít, các con ông tuy mới ra ở riêng, nhưng lại cùng chung một dải đất liền kề. Nếu các con ông hiến đất thì chưa biết lấy gì để phát triển sản xuất. Thế nhưng mảnh đất của gia đình ông lại nằm ở vị trí quan trọng của thôn, nếu gia đình không hiến đất thì thôn, xã không thể mở rộng mặt đường. Tính đi tính lại, nếu có đường rộng, mà bà con thôn đi lại thuận tiện hàng hóa giao thương, ông bàn bạc với vợ rồi vận động các con đồng thuận hiến đất.
Đồng chí Ma Văn Thông, Trưởng thôn Động Sơn là người hiểu rõ được lợi ích của công trình cải tạo nâng cấp tuyến đường giao thông nông thôn để thực hiện Đề án Làng Văn hóa mang lại lợi ích cho đồng bào dân tộc mình như nào. Đồng chí cho biết, thôn có 126 hộ với 488 nhân khẩu, trên 90% là đồng bào dân tộc Cao Lan, để tạo sự đồng thuận, thôn xác định là đảng viên, hội viên phải là những người đầu tàu. Thôn tổ chức 3 buổi họp trao đổi, thuyết phục từng hộ dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của mọi người. Thôn thành lập Ban giám sát nhân dân để tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng hộ, qua đó giải quyết kịp thời những vướng mắc, đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết nguyện vọng chính đáng của bà con.
Chỉ sau một thời gian ngắn, 40 hộ dân có đất bám mặt đường đã mở lòng, đồng thuận hiến đất, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công đúng tiến độ. Điển hình trong đó có 7 hộ hiến đất nhiều nhất thôn như gia đình bà Lê Thị Tình, hiến trên 360m2; gia đình ông Phan Văn Trung gần 250m2; các hộ gia đình ông, bà: Ngọc Đình Dần, Lâm Văn Thực, Trần Thị Thao, Vương Văn Mạnh, Đặng Tiến Dũng hiến trên 150m2 đất.
Đồng lòng vì việc chung
Công trình cải tạo nâng cấp tuyến đường giao thông nông thôn từ Kim Sơn đi Động Sơn có 40 hộ dân là đồng bào dân tộc Cao Lan. Các hộ đã đồng thuận giải phóng mặt bằng, hiến trên 5.500m2 đất gồm đất ở, đất rừng, ruộng, vườn và đất hành lang giao thông; 50 cây gỗ lâu năm và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đó là nỗ lực của 2 thôn, để mở rộng tuyến đường to đẹp hơn, cùng chung sức xây dựng Đề án Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con.
Đồng chí Khổng Thị Tân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, Đề án xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng được UBND huyện triển khai từ năm 2021. Xác định rõ ý nghĩa, vai trò của Đề án, Đảng ủy, UBND xã và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp tổ chức thực hiện tốt việc tuyên truyền vận động bà con đồng bào dân tộc Cao Lan hiến đất để nâng cấp đường bê tông. Song song với đó, xã đã vận động đồng bào gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như làn điệu Sình ca, các điệu múa, trò chơi dân gian. Nhất là gìn giữ những nếp nhà sàn truyền thống. Hiện toàn thôn có 67 ngôi nhà sàn, trong đó có 8 ngôi nhà sàn cổ bằng gỗ, còn lại được cách điệu đổi mới bằng những ngôi nhà sàn bê tông kiên cố.
Bà Hoàng Thị Hoa, thôn Động Sơn rất tự hào về ngôi nhà sàn gỗ được xây dựng hơn 40 năm của gia đình. Ngôi nhà sàn của gia đình bà được xã, thôn chọn làm điểm du lịch cộng đồng. Bà bảo, để cùng gìn giữ ngôi nhà sàn này, không chỉ riêng gia đình bà mà các cơ quan, đơn vị của huyện, xã tổ chức hoạt động giúp đỡ gia đình vệ sinh, trồng hoa cây xanh, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, hướng dẫn gia đình phương pháp, xây dựng mô hình nhà ở homestay.
Đề án Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng hiện nay đã được Huyện ủy, UBND huyện quy hoạch cụ thể, chia từng giai đoạn. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nâng cấp tuyến đường đi từ Kim Sơn sang Động Sơn; xây dựng các sản phẩm của làng văn hóa như gà thả đồi Động Sơn; các hoạt động văn hóa bơi mảng trên hồ Ngòi Là 1 và Ngòi Là 2; phục dựng lại Lễ hội tắm lửa của đồng bào Cao Lan; tổ chức cho các hộ đi tham quan học tập kinh nghiệm tại huyện Na Hang, Lâm Bình. Đặc biệt thôn đã có 4 hộ đáp ứng đủ các điều kiện để làm dịch vụ homestay. Trong dịp Tết Trung thu năm 2022, thôn Động Sơn sẽ chính thức có 2 hộ gia đình có nhà sàn sẵn sàng đón du khách đến trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian và thưởng thức ẩm thực cùng với đồng bào dân tộc nơi đây.
Chia tay bà con đồng bào dân tộc Cao Lan, xã Chân Sơn (Yên Sơn) khi mặt trời vừa xuống bóng, chúng tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết, trong tương lai không xa Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, là điểm nhấn trong tuyến các tua du lịch của tỉnh, góp phần tạo nên một nhịp sống mới nơi núi rừng Động Sơn.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nhip-song-moi-o-dong-son-161452.html