Nhịp sống nông thôn những ngày giãn cách xã hội
3 tuần kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người dân khu vực nông thôn đã thích nghi với cuộc sống bình thường mới. Đông đảo các tầng lớp Nhân dân chung sức chống dịch, duy trì phát triển kinh tế, tin tưởng vào quyết sách lãnh đạo của TP trong nỗ lực sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Bảo vệ mình, vì sức khỏe cộng đồng
Phố Yên (xã Tiền Phong) là một trong những khu dân cư đông đúc nhất của huyện Mê Linh. Thế nhưng hơn nửa tháng qua, nhịp sống nơi đây trầm lắng hơn hẳn. Người dân qua lại thưa thớt, khác hẳn với không khí nhộn nhịp thường thấy.
“Tôi qua chợ Yên mua ít thực phẩm rồi về thôi. Dịch dã thế này, không có việc cần thiết cũng không ra đường làm gì…” - bà Ngô Thị Hoài ở thôn Yên Nhân (xã Tiền Phong) kéo kín chiếc khẩu trang trong lúc trò chuyện với chúng tôi.
Thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra đường dường như đã hình thành trong đại bộ phận người dân ở khu vực nông thôn. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ai nấy đều hiểu đây là cách thức đơn giản nhất để mỗi người tự bảo vệ chính mình khỏi nguy cơ dịch bệnh, vì sức khỏe của cộng đồng nói chung.
Ông Lưu Văn Trượng, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh thôn Đại Bái (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) chia sẻ: Giống như cách người dân từng hưởng ứng việc đội mũ bảo hiểm, giờ đây ai trong gia đình ông khi ra đường cũng mang theo khẩu trang như một vật bất ly thân. “Tuân thủ quy định là một phần, quan trọng hơn là để bảo vệ bản thân mình…” - ông Trượng nói.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội là cần thiết. Thói quen sinh hoạt của người dân trên địa bàn Hà Nội cũng bởi vậy mà có những đổi thay nhất định. Những phiên chợ quê là một trong những khác biệt rõ nét trong nếp sinh hoạt hàng ngày.
Cuối tuần qua, chúng tôi có dịp ghé thăm thôn Xuân Hòa, nơi được ví như “ốc đảo” của xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn) và mục sở thị “Phiên chợ không tính lãi” của Hội phụ nữ cơ sở. Thay vì phải ra khỏi phạm vi thôn, sang các địa bàn khác để mua bán thực phẩm, người dân nơi đây đến nhà văn hóa thôn để mua lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân Nguyễn Văn Long cho biết, “Phiên chợ không tính lãi” do Hội Phụ nữ cơ sở kết nối với tiểu thương, đưa những hàng hóa bảo đảm luôn tươi ngon nhất đến với người dân. Không chỉ đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân, điều này còn giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
Tại nhiều vùng ngoại thành nơi chúng tôi đi qua, việc mua bán của người dân cũng đã có nhiều đổi khác. Hầu hết các địa phương tiến hành cấp phát tem phiếu để người dân đi chợ luân phiên, định kỳ 2 - 3 ngày/lần. Một số người khi được hỏi cho biết, trước đây ngày nào cũng đi chợ; nay thấy đi chợ mua đồ dùng dần cho 2 - 3 ngày cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, đặc biệt là còn bảo đảm an toàn phòng dịch.
Gắn kết cộng đồng, chung tay chống dịch
22 giờ đêm, không khí tĩnh lặng bao trùm tại chốt “vùng xanh” kiểm soát dịch Covid-19 dẫn vào thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc (huyện Mê Linh). Từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, số lượng người dân ra ngoài khi không có việc thực sự cần thiết đã giảm đáng kể.
Dưới ánh đèn tại chốt kiểm soát, nhóm 3 thành viên của ca trực vẫn miệt mài túc trực, không lơi là dù chỉ một phút. “Trực đêm có những vất vả nhất định, nhưngai nấy đều cảm thấy vui vì có thể đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho công tác phòng, chống dịch của địa phương…” - chị Nguyễn Thị Tuyết, tình nguyện viên chốt kiểm soát “vùng xanh” xã Liên Mạc cho hay.
Xuôi về các địa phương miền núi xa trung tâm Thủ đô, công tác phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát cũng được siết chặt. Buổi trưa cuối tuần qua, khi chúng tôi đến, ông Nguyễn Đức Thiệp - Trưởng thôn Việt Yên (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) cùng hai thành viên khác đang dùng bữa. “Chúng tôi trực 24/24 giờ ở đây, có việc cần thiết lắm mới về nhà…” - ông Thiệp cho biết. Hôm nay đã là ngày thứ 21 người đàn ông ngoài 60 tuổi tham gia trực chốt.
Không chỉ tại các huyện Mê Linh, Ba Vì, trên dặm dài đường quê, có thể dễ dàng bắt gặp những chốt “vùng xanh” kiểm soát người ra vào với sự tham gia của đại diện các tổ chức chính trị, xã hội và người dân. Thành viên các chốt tham gia hoàn toàn tự nguyện, với tinh thần cộng đồng chung tay chống dịch.
Điều trân quý là trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, tình làng nghĩa xóm như được nhân lên, lan tỏa rộng khắp. Trong hơn ba tuần qua, ghé thăm các chốt “vùng xanh” kiểm soát dịch, chúng tôi tình cờ bắt gặp không ít hình ảnh thân thương, khi người dân mang trái cây, nước uống đóng chai, hay những suất cơm nóng hổi… gửi tặng những thành viên đang làm nhiệm vụ tại chốt “vùng xanh”.
Gia đình chính sách, hộ nghèo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được quan tâm, gửi tặng những phần quà là nhu yếu phẩm. Sự quan tâm dù nhỏ nhưng ấm áp nghĩa tình đã mang đến động lực, niềm khích lệ lớn lao để thành viên những “biệt đội chống dịch”, những mảnh đời còn nhiều khốn khó vững vàng hơn trong đại dịch.
“Bức tranh sáng tối”trong kinh tế nông thôn
Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, mà các hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn của người lao động cũng bị tác động. Người dân cố gắng duy trì sản xuất trong tình hình mới.
Buổi sáng ở vựa rau thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức), bà con vẫn hăng hái xuống đồng sản xuất. Với tổng diện tích hơn 30ha, đây là một trong những điểm cung ứng rau củ lớn nhất cho thị trường Hà Nội. Nhanh tay thu hái những luống rau đến độ thu hoạch, bà Nguyễn Thị Tiến ở thôn Tiền Lệ cho biết, gia đình có 7 sào canh tác. Trong bối cảnh dịch bệnh, giá rau có sự biến động lớn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là đến nay chưa có diện tích nào của gia đình phải nhổ bỏ.
Tại một trong những vùng nuôi trồng thủy sản lớn là huyện Ứng Hòa, hoạt động sản xuất vẫn khá ổn định. Vừa cho đàn cá ăn, chị Trịnh Thị Chiên ở xã Trầm Lộng vừa chia sẻ, gia đình vẫn đang nuôi thả khoảng 1ha thủy sản nước ngọt, chủ yếu là cá trắm. “Thời gian này giá cá giảm nên chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng. Hiện, sản phẩm thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó nên cũng không quá lo lắng…” - chị Chiên cho hay.
Trái ngược với các loại nông sản thiết yếu (gạo, thịt, cá, rau củ quả…), hoạt động sản xuất một số mặt hàng không thiết yếu đang gặp nhiều khó khăn, điển hình là hoa, cây cảnh. Gương mặt phảng phất tâm tư, ông Tạ Duy Khoa, một nông dân tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh) cho biết, thời gian này hoa làm ra nhưng việc tiêu thụ rất khó khăn. Hiện, gia đình đang dỡ bỏ diện tích hoa đã già, tập trung làm đất để chuẩn bị sản xuất trở lại khi thị trường có tín hiệu tốt hơn.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, địa phương đã có chỉ đạo các xã tập trung rà soát lại vùng trồng để điều chỉnh diện tích sản xuất. Đặc biệt là khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi sang canh tác rau màu để phù hợp với nhu cầu thị trường.
Khó khăn cũng đang bủa vây những làng nghề truyền thống của Hà Nội. Ghé thăm làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) những ngày nay, không khí vắng vẻ, có phần đìu hiu. Làng nghề có hơn 100 cơ sở, nhưng hiện nay số đơn vị đang hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi trăn trở, quy định sản xuất “3 tại chỗ” khi giãn cách xã hội khiến không nhiều cơ sở có thể đáp ứng. Dù vậy, tất cả các cơ sở hiện đều chấp hành nghiêm quy định. “Việc phải tạm dừng hoạt động khi chưa bảo đảm 3 tại chỗ là điều “cực chẳng đã”, nhưng là giải pháp phù hợp của TP để có thể sớm khống chế dịch bệnh...” - bà Hồi cho biết thêm.
Kinh tế nông thôn trong cơn đại dịch đang pha trộn những mảng mầu sáng tối. Ở đó, một bộ phận người lao động chật vật với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, phần lớn khi được hỏi vẫn đánh giá cao những quyết sách mà Hà Nội đang thực hiện. Đồng thời tin tưởng TP sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, căn cơ để sớm khống chế dịch bệnh Covid-19, mang lại cuộc sống bình yên trong bối cảnh bình thường mới cho người dân nông thôn nói riêng, Thủ đô nói chung.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhip-song-nong-thon-nhung-ngay-gian-cach-xa-hoi-431410.html