Nhịp sống Phước Đồng

Ông Đặng Văn Hiền cùng vợ và con trai đang gỡ cá bị mắc lưới. Ảnh: LẠC VIỆT

Cuối hạ. Tạm xa cái nắng oi ả của thành phố, chúng tôi ngược ra hướng bắc đến với làng chài Phước Đồng (xã An Hải, huyện Tuy An) để được tận hưởng không khí trong lành.

Cách TP Tuy Hòa chỉ 25km, đi bằng xe máy dọc theo tuyến đường cơ động nửa giờ đồng hồ là đến nơi. Thật may mắn khi gặp được “thổ địa” của làng - một sĩ quan biên phòng là cán bộ phụ trách địa bàn, có vợ là người làng chài này. Anh là thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Hoàng Thiên Phong, thuộc Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng An Hải. Đang nghỉ phép để giải quyết việc nhà, nhưng khi gặp khách “đặc biệt”, anh lính quân hàm xanh này sẵn sàng bỏ cả buổi sáng để cùng chúng tôi dạo quanh làng biển.

Diện mạo đổi thay

Theo thượng úy Phong, làng chài Phước Đồng được hình thành hàng trăm năm trước, nhưng do giao thông cách trở nên ít người biết đến. Chỉ từ khi tuyến đường cơ động ven biển được mở, cầu An Hải thông xe, đường làng, ngõ xóm ở đây dần dần được bê tông; và đặc biệt là sau hiệu ứng của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, làng chài Phước Đồng mới được nhiều người phương xa tìm đến.

Trưởng thôn Phước Đồng Võ Thanh Phương năm nay 37 tuổi, mới đảm nhận công việc “vác tù và” gần một năm nhưng khá tường tận về nội tình của làng biển này. Anh cho biết, toàn thôn hiện có 275 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu. 80% sinh sống bằng nghề khai thác, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, chủ yếu là nuôi tôm hùm. 20% còn lại tuy không trực tiếp nhưng vẫn sống dựa vào nghề biển, mở dịch vụ buôn bán nhỏ. Ngoài nghề đánh bắt truyền thống, ở Phước Đồng còn có khoảng 100 hộ hành nghề mành tôm. Nhờ con tôm, nhiều gia đình từ nghèo khó vươn lên thoát nghèo, hộ trung bình trở thành hộ khá giả. Bộ mặt làng chài từ đó cũng thay da đổi thịt. “Những năm trước được mùa, mỗi đêm có ghe “đánh” được vài chục con giống, có khi trúng cả “lầm” (100 con). Còn những năm gần đây, tôm ít xuất hiện nên việc khai thác ngày càng khó khăn. Trắng đêm chong mành nhưng có khi chẳng bắt được con nào”, anh Phương cho biết.

Cũng theo vị trưởng thôn trẻ tuổi này, những năm gần đây, một số người nắm bắt nhu cầu du lịch biển đã mua đất ngay cạnh bờ biển, xây dựng các homestay để cho thuê, thu hút nhiều khách du lịch đến địa phương, khiến giá đất ở đây cứ “ấm” dần lên đến… bảy, tám con số. Đến nay, trong làng đã có 4 homestay đi vào hoạt động, mỗi ngày đón du khách trong và ngoài tỉnh đến nghỉ ngơi, khám phá những điều thú vị về biển, về cuộc sống của ngư dân và thưởng thức những món hải sản từ biển.

Đúng như lời của trưởng thôn, thú vị nhất khi đến làng chài này là được hòa mình với biển - trời và khám phá đời sống sinh hoạt của ngư dân. Với vẻ đẹp còn hoang sơ cùng với làn nước trong vắt, có thể nhìn thấy cả đàn cá đang bơi lội, rong rêu tảo biển bên dưới nên du khách rất thích thú khi đến lưu trú tại các homestay chỉ cách mép nước biển khoảng vài chục bước chân. Một khách trọ của homestay An Hải thổ lộ: “Tôi đã đến, lưu lại ở đây nhiều lần và cảm thấy rất thú vị. Từ đây ngồi ghe máy ra Lao Mái Nhà chỉ khoảng 10 phút; rất gần với thắng cảnh đầm Ô Loan; cách thắng cảnh quốc gia nổi tiếng Gành Đá Đĩa chỉ 15-20 phút đi taxi hoặc xe máy và đến Bãi Xép - nơi có những ngọn đồi đầy thơ mộng trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chỉ khoảng 10 phút. Tôi rất ấn tượng với phiên chợ lúc hừng đông. Hải sản ở đây đặc biệt tươi, giá rất phải chăng. Cá, mực tươi chỉ cần hấp hoặc nướng rồi chấm với mắm nhỉ hoặc muối ớt đã thấy ngon. Tôi cũng rất ấn tượng với “thành phố” biển lung linh ánh đèn lúc về đêm và cả tiếng sóng vỗ bờ cùng những đứa trẻ chạy nhảy tung tăng trên bờ cát rất hồn nhiên, vô cùng đáng yêu”.

Phiên chợ lúc hừng đông

Thời điểm này đang giữa mùa trăng, bà con ngư dân ít ra khơi nên cả hai khu vực bãi Bầu, bãi Trường ghe thuyền neo đậu ken dày. Bên trong làng, bà con ngư dân, phần đông là phụ nữ đang tập trung vá lưới để phục vụ cho những chuyến biển tiếp theo. Đứng ở bãi Trường nhìn ra hòn Lao Mái Nhà rõ hơn bất cứ nơi nào khác trên đất liền. Tầm 8 giờ sáng, nắng đã gay gắt. Song nhờ có gió từ biển thổi vào nên cái nóng dịu đi nhiều phần. Phiên chợ cá buổi sáng sớm ngay trên bãi biển vừa tan, chỉ còn lại một vài ngư dân đang cặm cụi gỡ từng con cá bị mắc vào lưới sau chuyến biển về muộn. Ông Đặng Văn Hiền (51 tuổi) cùng vợ và con trai Đặng Văn Hoài (20 tuổi) là những người trong số đó.

Ông Hiền cho biết, đa số dùng tàu thuyền công suất nhỏ nên ngư dân ở đây chủ yếu khai thác, đánh bắt hải sản gần bờ và vùng lộng. Thông thường bà con xuất bến vào buổi tối, đến sáng sớm hôm sau thì trở về. Một số người hành nghề lưới hai, thuyền thúng thì thường 4-5 giờ đi, 7-8 giờ về. Thuyền nhỏ nên hải sản đánh bắt được cũng nhỏ, như cá trích, cá nục, cá đối, cá cơm, cá đỏ củ, cá thẩn, mực hay ruốc... Cá sau khi về bến được ngư dân phân ra từng loại. “Sáng nay con trai tôi đi đánh lưới hai từ 5-8 giờ, được gần 10kg cá các loại..., bán với giá từ 25.000-80.000kg tùy theo loại cá, thu nhập khoảng 400.000 đồng”, ông Hiền cho biết.

Vì vừa mới đánh bắt từ biển lên, chưa qua ướp đá nên hải sản ở đây rất tươi, bán rất chạy. Hoạt động mua bán chỉ diễn ra từ 5-7 giờ 30 là kết thúc. Người mua bán chủ yếu là người địa phương và đầu bếp một số nhà hàng, quán ăn... Ngoài ra, khách du lịch trước khi xuống biển tắm hoặc sau khi thong dong dạo trên bờ cát, tận hưởng không khí trong lành lúc hừng đông, cũng thường ghé lại bến mua một ít cá, mực tươi đem về homestay tự tay chế biến.

Lo ô nhiễm môi trường biển, quy hoạch “treo”

Theo Trưởng thôn Võ Thanh Phương, Phước Đồng hiện còn 13 hộ nghèo, 33 hộ cận nghèo. Những hộ này đều là những hộ thiếu lao động chính hoặc già yếu, neo đơn. So với trước kia, làng biển này đã có sự thay da đổi thịt đáng kể. Người bệnh được chăm sóc về y tế. Trẻ em đến tuổi đi học được đến lớp, đến trường. An ninh trật tự luôn giữ vững ổn định. Riêng đường giao thông, trước chỉ toàn cát thì nay trên 90% đã được bê tông…

Tuy nhiên bên cạnh đó, người dân nơi đây cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và một số vấn đề khác. Tại khu vực bãi Bầu, hàng ngày có một lượng lớn nước thải từ các hồ nuôi tôm cao triều của các doanh nghiệp xả trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, sinh hoạt của người dân quanh khu vực này.

Ông Nguyễn Kim Nhàn (40 tuổi), Tổ trưởng Tổ Nuôi trồng thủy sản số 4, cho biết: “Càng ngày lượng hải sản mà ngư dân đánh bắt được trên vùng biển này càng giảm. Còn nuôi tôm hùm, trước kia tôm phát triển rất tốt, lớn nhanh, ít khi bị dịch bệnh, nhưng mấy năm gần đây, hoặc tôm không chịu lớn hoặc bị chết hàng loạt do nước biển bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải từ các đìa tôm của các doanh nghiệp thải ra…”.

Không chỉ lo môi trường sống bị ô nhiễm, người dân Phước Đồng cũng đang băn khoăn về quy hoạch phát triển du lịch ở vùng biển vốn bình yên này. Dừng tay vá lưới, đưa mắt nhìn ra hòn đảo giống như một ngôi nhà lớn nổi trên biển, xung quanh là hàng trăm lồng bè tôm hùm ngư dân đang thả nuôi, ông Nhàn trăn trở: 10 năm trước, chúng tôi có nghe tỉnh giao cho Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cù Lao Mái Nhà với quy mô gần 137ha diện tích mặt đất (trong đó diện tích đảo 127ha) và 59ha mặt nước, vốn đầu tư hơn 18.400 tỉ đồng. Tháng 6 năm ngoái lại nghe thông tin, tỉnh chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Vũ Phong thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Ah Moon Walk resort với tổng vốn khoảng 150 tỉ đồng. Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà hàng, khách sạn, hồ bơi nước ngọt, bar, bungalow... tại làng biển này. Nhưng đến nay, các dự án này vẫn chưa khởi động, bà con bất an vì lo lắng không biết mô tê thế nào, nhất là dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Cù Lao Mái Nhà. Mong các dự án sớm triển khai để bà con còn lo liệu cuộc sống sau này cho con cháu.

So với trước kia, làng biển này đã có sự thay da đổi thịt đáng kể. Người bệnh được chăm sóc về y tế. Trẻ em đến tuổi đi học được đến lớp, đến trường. An ninh trật tự luôn giữ vững ổn định. Riêng đường giao thông, trước chỉ toàn cát thì nay trên 90% đã được bê tông…

Anh Võ Thanh Phương, Trưởng thôn Phước Đồng

LẠC VIỆT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/228665/nhip-song-phuoc-dong.html