NHNN: Sinh trắc học không đủ, cần pháp lý mạnh để ngăn chặn lừa đảo ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy xác thực sinh trắc học, cấm bí danh, chuyển đổi thẻ từ sang chip để ngăn chặn lừa đảo và gian lận ngân hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)

Thời gian qua, khi buộc khách hàng cá nhân phải xác thực thông tin sinh trắc học, tội phạm mạng đã chuyển qua tài khoản tổ chức để lừa đảo. Do vậy từ 1/7 tới, các ngân hàng sẽ dừng mọi giao dịch tài khoản doanh nghiệp nếu chưa sinh trắc học.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhằm hiểu rõ hơn về những quy định này.

Tài khoản doanh nghiệp không xác thực sinh trắc học sẽ bị khóa giao dịch

- Trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an để làm sạch dữ liệu dân cư, ông có thể cho biết trong thời gian tới mình sẽ thực hiện tiếp những giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng lừa đảo này?

Ông Phạm Anh Tuấn: Ngân hàng Nhà nước nhận thức được tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn tiến gia tăng với những hoạt động khó lường. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước luôn quán triệt nhiệm vụ phải làm sạch dữ liệu, xác minh, đối chiếu thông tin sinh trắc học của khách hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định đối với tài khoản cá nhân từ ngày 1/1/2025, khách hàng phải được thu thập, đối chiếu, kiểm tra thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, khớp đúng thì mới được thực hiện giao dịch online. Từ 1/7 với tài khoản tổ chức thì người đại diện hợp pháp của tổ chức cũng phải thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học.

Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước dự kiến sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có sửa đổi Thông tư số 17/2024/TT-Ngân hàng Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Dự kiến, khách hàng thực hiện giao dịch tại quầy cũng sẽ phải kiểm tra, đối chiếu thông tin sinh trắc học khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư hoặc cơ sở dữ liệu do ngân hàng đã thu thập, để đảm bảo người thực hiện giao dịch là chính chủ.

Đặc biệt, đối với các tài khoản tổ chức mới thành lập, có hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ như các hộ kinh doanh cá thể, Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến quy định thực hiện đối chiếu sinh trắc học khi thực hiện giao dịch trực tuyến.

Dự thảo cũng sẽ tăng cường siết quy định giao dịch với các tài khoản tổ chức, với yêu cầu các doanh nghiệp phải trực tiếp tới ngân hàng để mở tài khoản, không chấp nhận bất kỳ hình thức nào mở tài khoản qua thư, ủy quyền cho người khác mang hồ sơ đến mở tài khoản.

Dự thảo đang trong giai đoạn hoàn thiện, nên rất hy vọng nhận được thêm thông tin đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp để góp phần tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo gian lận như hiện nay.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh các biện pháp tăng cường an toàn cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng, chẳng hạn như xây dựng kho dữ liệu về tài khoản nghi ngờ gian lận.

 Những người chưa cập nhật sinh trắc học không thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến. (Ảnh: Vietnam+)

Những người chưa cập nhật sinh trắc học không thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến. (Ảnh: Vietnam+)

Các ngân hàng cũng đang phát triển kho dữ liệu về các tài khoản có dấu hiệu gian lận, kết hợp với các biện pháp kiểm tra, đối chiếu dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hiện cả nước có khoảng trên 200 triệu tài khoản ngân hàng được mở, trong đó chỉ hơn 113,5 triệu tài khoản được đối chiếu sinh trắc học.

Như vậy, có thể coi những tài khoản không cung cấp thông tin sinh trắc học là những tài khoản 'chết', tài khoản 'ngủ đông' và có cả những tài khoản lừa đảo, gian lận đã được mở trước đó.

Đến hết ngày 16/5, ngành ngân hàng đã đối chiếu, làm sạch hơn 130,5 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (113 triệu hồ sơ thông qua CCCD gắn chip/ VneID; 17,5 triệu hồ sơ đối chiếu offline) và hơn 711.300 hồ sơ khách hàng tổ chức.

Tuy nhiên, xác thực sinh trắc học không phải là biện pháp duy nhất và cũng không đảm bảo được 100% khách hàng sẽ không còn bị lừa đảo dẫn đến mất tiền trong tài khoản.

Sẽ cấm sử dụng bí danh tài khoản ngân hàng

- Vâng, vậy thế còn những tài khoản đặt theo tên thì sao thưa ông?

Ông Phạm Anh Tuấn: Một vấn đề đáng chú ý khác trong quản lý tài khoản ngân hàng là quy định cấm sử dụng tài khoản Alias (tên giao dịch riêng của mỗi khách hàng, hay còn gọi là biệt danh khách hàng). Việc sử dụng tài khoản thay thế bằng biệt danh có thể gây nhầm lẫn hoặc bị lợi dụng để mạo danh các tổ chức lớn, tạo tâm lý tin tưởng giả tạo cho người chuyển tiền.

Vừa qua đã có kiến nghị từ Bộ Công an trong vấn đề này. Alias gây rất nhiều hiểu lầm cho người chuyển tiền, ví dụ một cá nhân mở tài khoản rồi tạo Alias với một cái tên như "công ty quốc gia", "global", khiến người chuyển nhìn vào cái tên rồi tưởng mình đã chuyển đúng.

 Sẽ chính thức chấm dứt thẻ từ từ 1/7. (Ảnh: Vietnam+)

Sẽ chính thức chấm dứt thẻ từ từ 1/7. (Ảnh: Vietnam+)

Chúng tôi cũng nhận được khiếu nại của người tiêu dùng khi chuyển nhầm qua Alias bí danh và không đòi lại được tiền, gây nhiều thiệt hại.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét yêu cầu làm rõ nội dung này khi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung ứng các ứng dụng. Dự thảo của Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu tài khoản nhận tiền bắt buộc phải hiển thị bằng số tài khoản cụ thể, không được sử dụng bí danh.

Truy tố người cho thuê khuôn mặt để lừa đảo chuyển khoản

- Hiện có hiện tượng các nhóm tội phạm thuê tài khoản ngân hàng và thuê luôn cả khuôn mặt của chủ tài khoản để thực hiện giao dịch?

Ông Phạm Anh Tuấn: Đúng vậy, bắt đầu xuất hiện các tổ chức tội phạm nuôi người cho thuê tài khoản ngân hàng. Khi có giao dịch chuyển tiền cần đến sinh trắc học, người đó sẵn sàng đưa mặt vào để chuyển tiền.

Theo thông tin tôi nắm được, Bộ Công an đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự, trong đó có bổ sung quy định tội danh đối với hành vi tiếp tay lừa đảo trong trường hợp này.

Để ứng phó với vấn đề này, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Công an để đưa ra mức phạt mới. Nếu một người bị phát hiện cho thuê khuôn mặt để thực hiện hình thức lừa đảo như vậy sẽ bị truy tố. Đồng thời tính đến việc nâng mức xử phạt với hành vi này lên rất cao, gấp từ 4 đến 5 lần so với hiện nay, tối đa lên đến 200 triệu với hành vi như vậy.

Sẽ chính thức chấm dứt thẻ từ

- Từ 1/7 Ngân hàng Nhà nước sẽ siết chặt thẻ từ sang thẻ chip, điều này có góp phần giúp ngăn chặn các giao được an toàn không thưa ông?

Ông Phạm Anh Tuấn: Có thể nói rằng việc chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip được Ngân hàng Nhà nước định hướng từ rất lâu với thời hạn cuối vào cuối năm 2022. Nhưng hiện nhiều tổ chức tội phạm lợi dụng thẻ từ để thực hiện các hành vi ăn cắp thông tin.

Vì vậy từ ngày 1/7/2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức chấm dứt việc chấp nhận thẻ từ trong các giao dịch. Với công nghệ thẻ chip, kẻ gian sẽ không thể lấy cắp thông tin của khách hàng qua các máy tự động hoặc thiết bị POS, góp phần tạo sự yên tâm và đảm bảo an ninh, an toàn cho khách hàng.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhnn-sinh-trac-hoc-khong-du-can-phap-ly-manh-de-ngan-chan-lua-dao-ngan-hang-post1041178.vnp