Nhớ Bác ngày này, năm xưa: Bác viết Tuyên ngôn Độc lập

Theo ghi nhận của các tác giả viết Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, ngày 28/8/1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, ngày 25/8/1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang (nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Ảnh: Thế Dương. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, ngày 25/8/1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang (nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Ảnh: Thế Dương. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong căn nhà nhỏ, thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông Cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi Cụ có cần gì Cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào Cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử. Hình ảnh giản dị và gần gũi, phong cách giao tiếp thân mật, từ tốn và dễ gần của Người đã in sâu vào tâm cảm của rất nhiều đồng chí lãnh đạo lúc bấy giờ. Những tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác là tấm gương sáng ngời để biết bao thế hệ cách mạng noi theo.

Cũng theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến khi bản Tuyên ngôn Độc lập viết xong, một buổi sáng, Bác và anh Nhân (Trường Chinh) gọi anh em chúng tôi tới. Bác đang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người. Hai mươi sáu năm trước (1919), Bác tới Hội nghị hòa bình Vécxây, nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình. Giờ phút này, Người đã thay mặt cho cả dân tộc, hái quả tám mươi năm đấu tranh. Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người…

Chiếc bàn lịch sử - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: Thế Dương. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chiếc bàn lịch sử - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: Thế Dương. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trước đó, vào buổi chiều ngày 26/8/1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, giữa lòng Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng để bàn thảo những vấn đề trọng đại trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam độc lập, trong đó có chủ trương mở rộng thành phần Chính phủ lâm thời. Người nhất trí với Thường vụ Trung ương Đảng về những chủ trương đối nội và đối ngoại trong tình hình mới, về việc sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời. Người đề nghị mở rộng hơn nữa thành phần của Chính phủ lâm thời, chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân, ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa. Người nhấn mạnh những việc cần làm ngay trước khi quân đội Tưởng vào Đông Dương tước vũ khí của quân đội Nhật.

Tại chiếc bàn này, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng đã thông qua 3 nội dung: Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức lễ Quốc khánh, thành phần Chính phủ lâm thời. Ảnh: Thế Dương. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tại chiếc bàn này, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng đã thông qua 3 nội dung: Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức lễ Quốc khánh, thành phần Chính phủ lâm thời. Ảnh: Thế Dương. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội) là của gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ngôi nhà này không chỉ là cơ sở bí mật của các cán bộ cao cấp mà còn là nơi che giấu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Theo lời của chủ nhân ngôi nhà lịch sử này, cuối Tháng Tám năm 1945, anh Thận (tên gọi thân mật của đồng chí Trường Chinh) đến nói với tôi: “Chị lo một chỗ cho mấy Cụ về”. Thấy vẻ mặt anh Thận khác mọi lần, tôi linh cảm có điều gì quan trọng, nhưng không dám hỏi thêm. Tối hôm đó, có ba người lạ đến, trong đó có một ông Cụ dáng cao, người gầy, nhưng đôi mắt rất sáng và vầng trán rộng. Tôi băn khoăn không hiểu ông Cụ là ai mà mọi người kính trọng yêu thương như tình cha con trong gia đình lễ giáo vậy! Tôi thầm nghĩ, ông Cụ là một người có cương vị tối cao. Trong điều kiện vô cùng khó khăn đó, có những gia đình chấp nhận hy sinh tính mạng và của cải, hết lòng vì cách mạng, cùng với lực lượng Cảnh vệ che giấu, bảo vệ Bác Hồ và Thường vụ Trung ương. Một trong những gia đình đó là gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ. Gia đình bà Hồ đã ủng hộ cách mạng và hiến cho Nhà nước hàng nghìn cây vàng (chỉ tính riêng quỹ Độc lập, gia đình bà đã ủng hộ số tiền tương đương 500 cây vàng). Gia đình bà còn là cơ sở bí mật của nhiều cán bộ cấp cao như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Theo bà Hồ, hằng ngày, tuy bị cuốn hút bởi bao công việc, nhưng bà vẫn canh cánh lo toan phần việc trên gác 2 nhà mình, cắt cử người nhà cơm nước và làm mọi việc trong nhà, không ai được lên tầng 2. Nhớ lại ký ức những ngày lịch sử ấy, bà Hồ cho biết, đêm nào tôi cũng nghe tiếng máy chữ của ông Cụ rất khuya. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn trên phòng của Cụ mới tắt, nhưng đồng hồ điểm 5 tiếng, đã thấy ông Cụ dậy tập thể dục ngoài ban công.

Do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ nên thời gian chuẩn bị và viết bản Tuyên ngôn Độc lập không nhiều, nhưng với bản lĩnh chính trị, kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam và thế giới một văn kiện kiện chính trị bất hủ.

TRỌNG NHÂN (Tổng hợp)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong--dao-duc--phong-cach-ho-chi-minh/202408/nho-bac-ngay-nay-nam-xua-bac-viet-tuyen-ngon-oc-lap-3950005/