Nhớ Bác ngày này, năm xưa: 'Chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan'
Đó chính là điều mà Bác khẳng định trong bài viết Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan với bút danh C.B. Theo Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, bài này, Bác viết vào ngày 6/4/1954, đăng Báo Nhân Dân số 176.
Câu đầu tiên của bài viết, Người khẳng định: “Chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan”. Trong đó, từ “động lực” được in nghiêng. Nghĩa của từ động lực là “Cái thúc đẩy làm cho phát triển” - theo từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2016. Thống kê về tần suất xuất hiện từ “động lực” trong toàn bộ tác phẩm Hồ Chí Minh Toàn tập, chúng ta thấy, Bác dùng từ này đến 24 lần với nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, trong Thư gửi hội nghị chính trị viên, năm 1948, Người viết: “Nay chúng ta đang tiến hành cuộc vận động Luyện quân lập công, chính trị là một động lực to trong cuộc vận động đó”. Hay trong bài Nói chuyện tại hội nghị liên hoan chiến sĩ thi đua nông nghiệp và cán bộ đổi công toàn quốc, Bác nói: “Thế là thanh niên và bộ đội là hai động lực chính”. Hoặc trong câu kết của bài Phê bình và tự phê bình, năm 1957 Bác cũng dùng từ động lực với ý nghĩa vô cùng quan trọng: “Cho nên trung thành thẳng thắn là đạo đức cách mạng mà cũng là cái động lực giúp chúng ta công tác có hiệu quả hơn cho Đảng, cho nhân dân”…
Ngày 5/9/1960, Đảng Lao động họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Điều đặc biệt mà chúng ta học đó là 6 nhiệm vụ mà Người nêu để lý giải cho việc chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan. Thứ nhất, “Làm sao cho toàn thể nhân viên đều cố gắng thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, của Chính phủ, và hết lòng hết sức phụng sự nhân dân”. Thứ hai, “Làm sao cho mọi người thực hành cần, kiệm, liêm, chính”. Thứ ba, “Làm sao để tẩy trừ những bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí, a dua, dối trá, trái luật lệ của Chính phủ, trái kỷ luật lao động. Vạch rõ các khuyết điểm và đề ra cách sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to”. Thứ tư, “Xét kỹ ngân sách của cơ quan, nâng cao năng suất công tác, giữ gìn bí mật của nước nhà, sắp xếp chu đáo và kiểm tra đến nơi đến chốn mọi công việc. Thứ năm, “Tăng cường giáo dục chính trị và học tập nghề nghiệp của nhân viên. Chăm sóc giúp đỡ cho mỗi một người tiến bộ”. Và cuối cùng là, “Giải thích cho mọi người hiểu thấu chính sách của Đảng, của Chính phủ, khuyến khích mọi người đề nghị ý kiến để thực hiện đầy đủ những chính sách ấy. Làm cho mọi người đều hiểu rõ nhiệm vụ vẻ vang của mình, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì đều vì nhân dân, vì Tổ quốc mà đấu tranh, đều thi đua làm đúng những nghị quyết và kế hoạch của Đảng, của Chính phủ”.
6 nhiệm vụ mà Bác đã nêu, có ý nghĩ vô cùng to lớn không chỉ trong thời điểm mà đất nước ta bị đế quốc xâm lược, vượt thời gian, hiện nay - điều này vẫn còn nguyên giá trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội nghị Trung ương lần thứ 16 (4/1959) Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bác giải thích, muốn làm được như vậy, thì mỗi một đảng viên phải xung phong làm gương mẫu trong mọi việc, đồng thời phải thật thà đoàn kết và giúp đỡ anh em ngoài Đảng.
Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em” ngăn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ.
Người nêu những điều cần chú ý để làm những việc trên đây, chi bộ phải dùng cách chính trị, giáo dục, đề nghị, giải thích, khai hội bàn bạc với quần chúng... Chứ tuyệt đối không được lạm quyền, mệnh lệnh. Người cũng nhấn mạnh: “Phải nhớ rằng: chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính”.
Từ thực tiễn lời dạy của Bác, Đảng ta ngày nay, trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đã ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của tổ chức đảng. Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, trong đó khẳng định: “Thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm; kịp thời thông tin, phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong nước và ngoài nước; lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của đảng viên và nhân dân. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng tấm gương đảng viên tiêu biểu; đồng thời phê bình, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tăng cường hướng dẫn của cấp ủy cấp trên đối với những nội dung mới, cần thiết cho tổ chức cơ sở đảng và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sinh hoạt chi bộ”.
TRỌNG NHÂN
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:
[1] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 5, trang 358.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 8, trang 453, 454.