Nhớ Bác ngày này, năm xưa: 'Lãnh đạo phải dân chủ'

Buổi sáng ngày 29/5/1960, Bác dự họp Bộ Chính trị để bàn về công tác nhân sự của Chính phủ. Cùng ngày này, với bút danh T.L., Bác viết bài Những bước tiến của các hợp tác xã thủ công nghiệp đăng trên Báo Nhân Dân số 2262. Nội dung bài viết nêu lên những thành công bước đầu của phong trào hợp tác xã thủ công ở miền Bắc.

Những bước tiến của hợp tác xã thủ công nghiệp ở miền Bắc lúc bấy giờ, theo Bác là rất rõ, số đông bà con nhận thấy đây là con đường phát triển tốt nhất và nó có tương lai vẻ vang nhất. Bác dẫn chứng, ở Hà Nội hơn 90% hộ thủ công nghiệp đã vào hợp tác xã. Ở các nơi khác, phong trào cũng đang lên. Lên nhanh như Hà Nam, Vĩnh Phúc, v.v., thì đã thu hút hơn 86% hộ. Lên chậm như Cao Bằng, Thái Nguyên, v.v., cũng đã thu hút được hơn 50% hộ vào hợp tác xã.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa 1954. (Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa 1954. (Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Bác nhận định: “Người đông thì sức mạnh và ý kiến dồi dào. Nhờ có hợp tác xã mà phong trào cải tiến kỹ thuật được thực hiện dần dần, do đó mà sản xuất được nâng cao. Như các hợp tác xã “Quyết Thắng”, “Sông Hồng”, “Cộng Lực”, v.v., đã tăng năng suất gần 300%”.

Theo Bác, quá trình triển khai khẩu hiệu thực hành tiết kiệm cũng bước đầu thực hiện tốt. Đó là, Hợp tác xã “Toàn Tiến” đã khéo dùng để đóng hàng những đầu mẩu gỗ và củi bắp, mà vẫn bảo đảm chất hàng tốt. Do đó mà trong một đợt hàng đã tiết kiệm cho mậu dịch 1.300 đồng. Còn đối với Hợp tác xã “Đức Tiến” thì mỗi lần nung ngói giảm được nửa số than vì đã cải tiến lò nung.

Bên cạnh những hợp tác xã hoạt động tốt, Bác cũng khen những hợp tác xã linh hoạt trong cơ cấu tổ chức, đó là việc ba hợp tác xã “Rạng Đông”, “Tháng Mười” và “Tháng Tám” đã họp lại thành một hợp tác xã “6-1” với hơn 100 xã viên. Đó cũng là một bước tiến mới.

Khi viết về tính hiệu quả của hợp tác xã, Bác cho rằng, từ chỗ làm ăn riêng lẻ “đèn nhà ai rạng nhà ấy”, tiến lên hợp tác xã làm ăn tập thể “ta vì mọi người, mọi người vì ta”, lúc đầu không tránh khỏi một số khó khăn, thiếu sót. Nhưng nếu mọi người đều quyết tâm tiến tới, đều coi việc hợp tác xã như việc nhà mình, đều làm đúng khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác xã, thì nhất định giải quyết được mọi khó khăn và mọi thiếu sót để tiến bộ mãi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị tổng kết đợt vận động phát triển hợp tác xã nông nghiệp, năm 1959 (Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Điều quan trọng mà chúng ta học được từ những câu ngắn gọn mà Bác nhắc nhở:

“Để củng cố và phát triển tốt hợp tác xã, điều rất quan trọng là:

- Cán bộ cần phải chí công vô tư,

- Lãnh đạo phải dân chủ,

- Quản lý phải chặt chẽ và toàn diện,

- Phân phối phải công bằng.”

Những điều mà Bác nêu trên, không chỉ áp dụng trong việc củng cố và phát triển hợp tác xã công nghiệp ở miền Bắc thời điểm trước đây mà còn có giá trị trong rất nhiều hoạt động của chúng ta bây giờ. Bởi, có rất nhiều vấn đề liên quan đến hạn chế, khuyết điểm đều bắt nguồn từ nguyên nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; buông lỏng trong quản lý; không công bằng,…

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 7, trang 384.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 12, trang 578, 579.

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/1029/nho-bac-ngay-nay-nam-xua-lanh-dao-phai-dan-chu-73695.html