Nhớ Bác ngày này, năm xưa: 'Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng'
Cách đây đúng 70 năm vào ngày 24/7/1953, với bút danh Đ.X., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài 'Xây dựng Đảng Lao động Việt Nam', đăng trên báo 'Cứu Quốc' số 2385. Bài viết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta từ trước đến nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng
Mở đầu bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trách nhiệm đặc biệt và quan trọng của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Từ đó, xác định việc xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng: “Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc. Đối với vận mệnh của nước nhà và dân tộc, Đảng có trách nhiệm vô cùng to lớn. Cho nên xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân ta”.
Từ việc lãnh đạo đúng đắn của Đảng về đường lối, công tác, tư tưởng, chính trị, tổ chức, có thể nói Đảng đã có tính toàn quốc, tính quần chúng, nên trong cuộc kháng chiến, kiến quốc, Đảng đang lãnh đạo nhân dân đấu tranh thắng lợi. Bác đã khái quát rằng: “Có thể nói: Đảng là to lớn, vẻ vang, đứng đắn; nước ta xưa nay chưa có một đảng nào như thế”.
Để xứng đáng với lòng tin của nhân dân và làm cho Đảng không ngừng lớn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng hàng loạt câu bắt đầu từ chữ “cần” để khẳng định việc xây dựng Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: “Đảng cần phải phát triển và củng cố. Cần phải phát triển thêm thành phần công nhân. Cần phải giáo dục những đảng viên mới. Cần phải cải tạo tư tưởng cho đảng viên nông dân và tiểu tư sản trí thức”.
Cụ thể hơn trong bài viết, Người đã chỉ ra ba mặt trong công tác xây dựng Đảng, đó là: “Xây dựng Đảng, có ba mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức”.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin”.
Để minh chứng cho tính tất yếu của việc học tập lý luận, Bác đã dẫn câu nói của Lênin như sau: “Chỉ có lý luận tiên tiến, Đảng mới có thể thực hiện vai trò chiến sĩ tiên tiến”…
Từ đó khẳng định: “Vì vậy, giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng. Đảng phải tăng cường tư tưởng giai cấp công nhân và rửa gột những tư tưởng trái với nó”.
Bác cũng nhắc rằng: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Báo cáo chính trị" tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 Đảng Lao động Việt Nam họp ở Việt Bắc tháng 2/1951. (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng
Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, Đảng ta luôn xác định công các xây dựng Đảng là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Từ đó, không ngừng nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh những nội dung gắn với việc xây dựng Đảng trong tình hình mới. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khẳng định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Đây là những yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau trong công tác xây dựng Đảng.
Trước tiên là, tăng cường công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị là quá trình xây dựng cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Trong đó, tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, tập trung củng cố, nâng cao trí tuệ, năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi các quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, xuyên tạc lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đấu tranh có hiệu quả với những hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân, đặc quyền, đặc lợi và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tiếp theo là, xây dựng Đảng về tư tưởng. Để làm tốt công tác này, Đảng ta đã không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác tư tưởng, lý luận. Các cơ quan chuyên môn, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh và tình hình mới. Ngoài ra, Đảng ta cũng đã thường xuyên đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức công tác tư tưởng, lý luận theo hướng chủ động, thiết thực, hiệu quả. Trọng tâm làtập trung vào việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.
Xây dựng Đảng trong sạch về đạo đức. Đạo đức cách mạng là “cái gốc” của mỗi cán bộ, đảng viên, của mỗi tổ chức đảng. Việc tăng cường giáo dục, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, nhằm nâng cao đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên là một trong những vấn đề rất quan trọng hiện nay. Đặc biệt là trong điều kiện hội nhập, tệ tham nhũng, lãng phí, tiên cực. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đảng ta dần hoàn thiện các cơ chế, quy chế, quy định cụ thể và tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những kẻ cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống ra khỏi bộ máy của các cơ quan công quyền. Bên cạnh đó, Đảng ta cũng xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức làm căn cứ để giáo dục, rèn luyện và đánh giá đạo đức của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.
Vấn đề quan trọng nữa đó là, xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ. Các văn kiện của Đảng trong những năm gần đây đều xác định việctiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy về công tác tổ chức của Đảng. Từ đó, xây dựng, kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị thật sự khoa học. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ vững về chính trị, tư tưởng, trong sạch về đạo đức; nâng cao về trình độ, năng lực, nghiêm minh về kỷ luật. Đặc biệt là việc xây dựng và ban hành nhiều văn bản nhằm hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác tổ chức và cán bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và cán bộ.
Từ bài viết “Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thấy rằng, việc xây dựng Đảng trong bất kỳ giai đoạn nào cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng.
TRỌNG NHÂN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, tập 1, trang 279, 280.
[2] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2016, tập 5, trang 279, 280.
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tập 1, trang 180.