Nhớ bài học năm xưa để nắm bắt cơ hội lịch sử hôm nay

Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người mang về cho cuộc cách mạng giải phóng của nhân dân Việt Nam những nhân tố chưa từng có trong các giai đoạn trước. Những bài học nhạy bén nhận thức tình hình, kịp thời nắm bắt thời cơ Người đã dạy năm xưa giúp chúng ta hôm nay nắm bắt cơ hội tăng tốc phát triển dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình.

Dự đoán thời cơ, chuẩn bị lực lượng để giành thắng lợi

Ngày mùng hai Tết Tân Tỵ (28/1/1941), từ làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc lên đường về tới cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng... Bên cột mốc biên giới, Người đứng lặng hồi lâu xúc động(1). Trong tháng 2/1941, khi trời đẹp, đồng bào ở Pắc Bó thấy “già Thu” làm việc bên dòng suối nhỏ trong xanh. Đồng bào trong bản và mọi người khác cũng không ai có thể biết được rằng bốn năm nữa “già Thu” chính là người đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Ảnh: TTXVN

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Ảnh: TTXVN

Đầu năm 1941, thế giới đứng trước bờ vực khi phe phát xít đang tấn công, các lực lượng tiến bộ đang ở thế bất lợi. Không ai có thể đoán chắc nhân loại sẽ đi về đâu. Song, người chiến sĩ cách mạng giàu kinh nghiệm Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: Lực lượng tiến bộ sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít và sẽ tạo ra những cơ hội quý báu cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam... Người tìm cách trở về Tổ quốc, đón trước những bước ngoặt của tình thế đã được dự đoán.

Hội nghị Trung ương 8, tháng 5/1941, là Hội nghị thứ hai được Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì, 11 năm sau khi Người chủ trì Hội nghị Hợp nhất thành lập Đảng trong mùa Xuân Canh Ngọ 1930. Hội nghị này là dấu mốc Đảng Cộng sản Đông Dương trở lại với đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc - đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc lên trên hết, với những luận điểm đúng đắn trong Tư tưởng Hồ Chí Minh - coi chủ nghĩa dân tộc chân chính là “động lực lớn của đất nước” cần được phát huy sức mạnh. Người cũng dẫn đường chỉ đạo, thêm cho cuộc cách mạng những nhân tố chưa từng có trong các giai đoạn trước: Mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang cách mạng và những mối quan hệ quốc tế đầu tiên.

Với kinh nghiệm hoạt động quốc tế lâu năm, luôn theo dõi sát những diễn biến của tình hình và với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc có những nhận định quan trọng về tình hình thế giới cũng như đề ra những quyết sách cho cách mạng Việt Nam. Mặt trận Việt Minh tập hợp đông đảo nhân dân đoàn kết trong những Hội Cứu quốc là nơi nối liền mối quan hệ chặt chẽ Dân - Đảng, Đảng - Dân, để ý Đảng thấm tới lòng dân, để khi thời cơ đến Đảng có thể phát động một cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân trên khắp cả nước. Nguyễn Ái Quốc cũng dự kiến phương thức tiến hành khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa: “Ở Đông Dương ta, khởi nghĩa có thể bùng ra ở một vài nơi rồi lan dần khắp nước. Khởi nghĩa có thể bùng ra ở nơi nhiều núi rừng tiện cho việc đánh du kích”(2). Dưới chỉ đạo trực tiếp của Người, lực lượng vũ trang cách mạng được xây dựng ngày càng vững mạnh, làm nòng cốt hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng đang dâng cao. Nguyễn Ái Quốc cũng tìm cách đặt mối liên hệ với đồng minh cho cách mạng Việt Nam và đã thiết lập được những mối quan hệ với các lực lượng Trung Quốc chống Nhật ở Trùng Khánh, với các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ ở Côn Minh... Những mối liện hệ đó có tác động củng cố vị thế ngoại giao của nước Việt Nam độc lập sau này.

Từ khá sớm, trong bài “Năm mới, công việc mới” trên báo Việt Nam độc lập, ngày 01/01/1942, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại; Anh, Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta độc lập tự do”(3). Cũng từ tháng 2/1942, dòng cuối cùng trong tác phẩm Lịch sử nước ta do Nguyễn Ái Quốc biên soạn, Người đã dự báo: “1945 Việt Nam độc lập” (4).

Dù tình thế khẩn trương, công việc bận rộn nhưng với phong cách ung dung của một nhà hiền triết, Nguyễn Ái Quốc vịnh cảnh Pác Bó với nước non hùng vĩ “Non xa xa, nước xa xa”, với cuộc sống giản dị đơn sơ “Nào phải thênh thang mới gọi là”. Cũng cảnh sơn thủy như phong vị Đường thi nhưng “Đây suối Lênin, kia núi Mác” - núi đó là nền tảng, suối kia là cội nguồn. Đối diện với cảnh trí nên thơ đó là hùng khí của người chiến sĩ cách mạng với những cảm tác bay bổng: “Hai tay xây dựng một sơn hà” (Pác Bó hùng vĩ (5)). Văn phong đó, tinh thần đó hiện lên rõ nét phong cách ung dung tự tại Hồ Chí Minh trên nền tri thức mẫn tiệp, thấu hiểu quy luật để lạc quan.

Nhiều nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh đã có chung nhận định: Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo luôn xuất hiện đúng lúc tại những thời điểm lịch sử mang tính bước ngoặt. Sự kiện Người trở về Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng vào mùa Xuân năm 1941 cũng là một sự kiện như vậy. Nhiều lần những điều dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những bước phát triển của cách mạng đã được lịch sử xác nhận là hoàn toàn chính xác. Những dự đoán của Người thể hiện nhãn quan chính trị sáng suốt, thể hiện một tầm nhìn viễn kiến. Những điều tiên tri của Người luôn là kết quả của kinh nghiệm lịch sử kết hợp với logic khoa học để khẳng định xu thế tất yếu phát triển thắng lợi của cách mạng.

Nắm bắt cơ hội phát triển để bứt phá

Cũng như thế giới đang tích tụ các chuyển biến khi Nguyễn Ái Quốc về nước năm 1941, trật tự thế giới mới hôm nay đang được sắp xếp lại. Khoảng thời gian từ nay đến năm 2030 sẽ “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số, cơ hội cho những quốc gia đang phát triển có thể nắm bắt, tận dụng “ưu thế phát triển sau” để bứt phá. Thời cơ mới có thể xuất hiện bất ngờ, nhanh chóng và không lặp lại trong khoảnh khắc giữa những thay đổi đột biến. Khoảng thời gian sắp tới chính là thời cơ lịch sử để dân tộc vươn lên giành những thắng lợi quyết định. Nhưng từ hôm nay, chúng ta cần nhạy bén nắm bắt và tận dụng được cơ hội chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để phát huy thắng lợi, vượt qua thách thức, đưa cách mạng Việt Nam đến những thành công.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới sẽ bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng”. Giai đoạn đó sẽ diễn ra bước chuyển có tính thời đại của một thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Chúng ta đã nhận thức thời gian và không gian phát triển. Tầm nhìn và mục tiêu phấn đấu đã được Đảng chỉ sáng rõ. Chúng ta đã xác định cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới để vững tin bước vào Kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là “kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dâu giàu, nước mạnh, xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu” (6).

Mục tiêu, đích đến “bất biến” là độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân trong thế giới toàn cầu hóa. Vấn đề còn lại trên đường tiến đến đích đó là cần phải linh hoạt, sáng tạo “ứng vạn biến” trước những tình huống cụ thể phải giải quyết. Cũng với tinh thần “Hai tay xây dựng một sơn hà” năm xưa của Nguyễn Ái Quốc - người chiến sĩ cách mạng kiên trì, kiên cường và giàu lạc quan, khi Người còn ở Pắc Bó, chúng ta đã chuẩn bị tâm thế, tri thức và lực lượng - cả vật chất và tinh thần, để nhạy bén đón đúng cơ hội phát triển. Với thực lực nội sinh của dân tộc kết hợp với ngoại lực do thời cơ mang lại, chúng ta quyết tâm thực hiện hiệu quả các chiến lược phát triển đất nước đã được xác định rõ. Đó là Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Chiến lược phát triển nhanh và bền vững.

Cả dân tộc đồng lòng, chung sức, nắm lấy thời cơ, tận dụng thuận lợi, vượt lên thách thức, tạo bước bứt phá để đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, đạt những mục tiêu chiến lược với mốc 100 năm thành lập Đảng, tạo tiền đề vững chắc để vươn lên đạt các thành tựu lịch sử ghi dấu một thế kỷ thành lập nước Việt Nam mới từ kỷ nguyên độc lập tự do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên phong dẫn đường mở ra. Chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Di chúc) như tâm nguyện của Người. Những bài học kinh nghiệm về nhạy bén nhận thức tình hình, kịp thời nắm bắt thời cơ học được từ Người năm xưa giúp chúng ta hôm nay thêm tự tin bước vào chặng đường phát triển mới.

(1) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, Tập 2, tr. 134.

(2) Hồ Chí Minh: Con đường giải phóng - Tư liệu Viện Lịch sử quân sự.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 250 - 251.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập - Sđd, t. 3, tr. 267.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, t. 3, tr. 227.

(6)https://dangcongsan.vn/thoi-su/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-682050.html truy cập lúc 23h10, ngày 2/12/2024.

Ngô Vương Anh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/ho-so-tu-lieu/nho-bai-hoc-nam-xua-de-nam-bat-co-hoi-lich-su-hom-nay-145589.html