Nhớ bánh canh tép hột vịt lộn Núi Sập

Về thị trấn Núi Sập, huyệnThoại Sơn - An Giang, bạn nhớ đi ăn tô bánh canh tép hột vịt lộn. Đây là một trong những biến tấu lạ của món bánh canh ở miền Tây.

Ẩm thực miền Tây có nhiều kiểu chế biến phá cách không giống nguyên bản, hoặc lối ăn khác với thông thường. Chẳng hạn ở một số địa phương, người dân có thói quen ăn cháo lòng với bún tươi. Du khách về miền Tây đi ăn sáng ngoài quán, dễ bắt gặp hình ảnh khá lạ lẫm khi anh Tư, chị Tám gắp bún bỏ vô tô cháo lòng ăn chung hết sức ngon miệng.

Chỉ riêng bánh canh, người miền Tây sáng tạo ra nhiều phong cách: bánh canh tép, bánh canh vịt, bánh canh ngọt, bánh canh hến nước cốt dừa, bánh canh tôm nước cốt dừa… Trong số này, dạng bánh canh ngọt như chè hoặc các loại bánh canh nước cốt dừa, có thể không hợp với người miền khác, vì quá ngọt.

Bánh canh tép hột vịt lộn được cho là khởi nguồn từ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn - An Giang. Do đó, tuy có thể tìm thấy bánh canh tép hột vịt lộn trên Sài Gòn hoặc nơi khác ở miền Tây, nhưng phải đến tận Núi Sập thưởng thức, thì mới gọi là đúng bài bản, hương vị.

Người trụng bánh canh, múc nước lèo, người phụ rắc tép ram.

Người trụng bánh canh, múc nước lèo, người phụ rắc tép ram.

Núi Sập là thị trấn nhỏ, diện tích chưa đến 10 cây số vuông. Nơi đây cũng chỉ có vài quán bánh canh tép hột vịt lộn, người dân sẵn sàng chỉ đường đến: bánh canh tép cô Trinh trên đường Nguyễn Văn Trỗi, bánh canh tép Thoại Sơn ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, bánh canh tép Tám Hoài tại đường Nguyễn Huệ.

Sợi bánh canh làm từ bột gạo, mềm tơi, được chủ quán trụng qua nước dùng nóng trong veo sau đó mới cho vô tô. Thành phần đi cùng vá nước lèo gồm mấy miếng huyết heo, có quán thêm vài miếng da heo, rồi đến tép, hột vịt lộn.

Tép ram sẵn đựng trong rổ. Còn nguyên lớp vỏ nhưng tép không bị sạm dai, mà giòn sựt bên ngoài, mềm ngọt thịt bên trong. Cắn con tép ram thơm lành như còn vương mùi phù sa nước dòng sông Hậu, có thể mường tượng chủ ý của người nghĩ ra món này, khi không chọn nguyên liệu khác chẳng hạn như thịt nạc, để ăn cùng.

Trứng vịt lộn được thả thẳng trong nồi nước lèo, chín ngọt chờ sẵn, khách đến mới lột vỏ bỏ vô tô. Dù tới quán bánh canh tép hột vịt lộn, nhưng không phải khách nào cũng kêu “topping” đầy đủ, đã bao gồm cái trứng vịt. Nên chủ quán sẽ hỏi khách có ăn vịt lộn không thì mới đi lột.

Vắt chanh, rưới ớt rồi xì xụp tô bánh canh tép cùng dăm miếng bì, huyết cũng đủ hít hà. Nhưng đã đến tận Núi Sập, thì không lý gì bỏ qua cái trứng vịt lộn. Thậm chí có người “hảo” món này, kêu tô đặc biệt thêm trứng để ăn cho đã.

Tô bánh canh tép hột vịt lộn Núi Sập đủ “topping”.

Tô bánh canh tép hột vịt lộn Núi Sập đủ “topping”.

Cũng như nhiều món ăn miền Tây khác, bánh canh tép nơi đây có vị hơi ngọt. Khách ở xa đến có thể dùng nước mắm, lát chanh để gia giảm, điều vị. Tổng hòa vị ngon của tô bánh canh là trên hết, khi nước dùng ngọt thanh thấm sợi bánh mịn bùi, mớ tép giòn thơm tan vào với trứng vịt đậm đà.

Bánh canh tép hột vịt lộn vùng Núi Sập đậm chất đồng bằng sông nước. Có thể món này ở nơi khác được điều chỉnh để vừa miệng nhiều dạng thực khách, cho số đông hơn. Chọn địa chỉ nào là tùy người, tùy khẩu vị, vì xét cho cùng không có món ăn dở, chỉ có đồ ăn hợp tạng hay không.

Bánh canh tép hột vịt lộn như một chỉ dẫn địa lý về Núi Sập, vùng Thoại Sơn. Bánh canh tép vịt lộn không phải ăn chỉ để lấy no, mà với người quê xứ, là nhâm nhi một phần ký ức, còn với du khách, là thưởng thức một phong vị ẩm thực miền Tây.

Bài và ảnh: Trí Minh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nho-banh-canh-tep-hot-vit-lon-nui-sap-44264.html