'Nhờ' biến đổi khí hậu, Australia cải cách mua sắm, hướng tới Giáng sinh bền vững

Nếu như các Giáng sinh trước, những mặt hàng công nghệ có giá trị cao hay hàng hóa thời trang, quà tặng đắt tiền được ưa chuộng tại Australia, thì năm nay, xu hướng mua sắm là các mặt hàng có kích cỡ và giá trị nhỏ hơn.

Người Australia sẽ cân nhắc nhiều hơn khi mua sắm quà Giáng sinh.

Hoạt động mua sắm cho kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 2019 và Năm mới 2020 dự kiến sẽ mang lại khoản doanh thu trị giá 10 tỷ AUD (tương đương 6,7 tỷ USD) cho Australia, trong bối cảnh người tiêu dùng nước này đang chuyển dần sang một xu hướng mới, bao gồm cả việc chấp nhận mua đồ cũ (second hand), hàng giảm giá, chú trọng hơn về số lượng thay vì các mặt hàng đắt tiền…

Nếu như các năm trước, những mặt hàng công nghệ có giá trị cao hay hàng hóa thời trang, quà tặng đắt tiền được ưa chuộng trong dịp Giáng sinh tại Australia, thì năm nay các chuyên gia phân tích nhận định rằng xu hướng tiêu dùng của người dân xứ Chuột túi đang dần chuyển sang các mặt hàng có kích cỡ và giá trị nhỏ hơn, nhưng tăng số lượng tiêu dùng.

Bà Jo Lees sống tại quận Rockdale thuộc thành phố Sydney (bang New South Wales) cho biết: “Chúng tôi không giảm chi tiêu cho dịp lễ Giáng sinh năm nay, nhưng sẽ hướng tới việc mở rộng mua sắm cả các vật dụng cũ vẫn còn sử dụng tốt”.

Trong khi đó, bà Kimerlie Sattler - một khách hàng ở khu Rozelle của thành phố Sydney - cho biết: “Giáng sinh năm nay chúng tôi tập trung vào việc mua sắm bền vững, ưu tiên các mặt hàng đã qua sử dụng hoặc đồ handmade. Tôi sẽ không sẽ chi tiêu hoang phí như mọi năm”.

Một số mặt hàng nông sản và tiêu dùng sản xuất trong nước của Australia tỏ ra “lép vế” hơn so với hàng ngoại nhập trong mùa Giáng sinh 2019, do tình trạng hạn hán và biến đổi khí hậu kéo dài. Thêm vào đó, cháy rừng lan rộng và chi phí nhiên liệu đắt cũng góp phần đẩy giá thành hàng hóa tăng cao, làm giảm sút khả năng cạnh tranh cho hàng trong nước.

Tuy nhiên theo chia sẻ của một chủ cửa hàng tại vùng Fairfield, người tiêu dùng Australia sẵn sàng mở “hầu bao” mua hàng nông sản trong nước, dù mẫu mã và chất lượng có thể thấp hơn và mức giá tương đương hàng nhập khẩu, để ủng hộ cho nông dân Australia, đặc biệt là tại những nơi chịu thiên tai.

Giới phân tích cho rằng các vấn đề về môi trường như cháy rừng và hạn hán là những yếu tố chính tạo ra xu hướng thay đổi nói trên. Thông qua mạng xã hội và phương tiện truyền thông công cộng, ngày càng nhiều người quan tâm tới các vấn đề này. Họ dần thay đổi nhận thức và kêu gọi cộng đồng cùng tham gia để cải cách tiêu dùng, hướng tới những kỳ nghỉ lễ Giáng sinh bền vững với văn hóa chi tiêu hợp lý, bảo vệ môi trường.

Mùa mua sắm đã "khởi động" ở Trung tâm thương mại Pitt Street Mall, thành phố Sydney, bang New South Wales. (Nguồn: UNSW)

Nhà phân tích kinh doanh của tập đoàn IBISWorld dự đoán chi tiêu bán lẻ trong dịp Giáng sinh tại Australia sẽ tăng 1,7% trong năm nay so với năm 2018. Trong khi đó, nhà phân tích bán lẻ của công ty Shoppertrak nhận định ngày mua sắm lớn nhất Australia trong năm 2019 sẽ vẫn là ngày Lễ tặng quà (Boxing Day - 26/12), tiếp theo là ngày Siêu thứ Bảy (Super Saturday - 21/12) và các ngày cận Giáng sinh từ 19 -22/12.

Khánh Linh

(theo Sydney Morning Herald)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nho-bien-doi-khi-hau-australia-cai-cach-mua-sam-huong-toi-giang-sinh-ben-vung-106547.html