Nhớ bóng cây nơi đầu ngõ
Lối ngõ dài, quanh co và đầy nắng, cha chọn khúc quanh đẹp nhất để trồng một cây mít nhỏ… Mình theo cha tưới nước, múc bùn ao vun gốc cho cây và tính tính, toán toán chuyện tiền bán những trái mít sẽ dùng vào việc gì, dễ phải tính đến trái thứ một trăm…
Dường như mọi chuyện tính trước, bước không qua. Cha đi xa rồi gia đình cũng xa ngôi nhà cũ. Mười năm, hai mươi rồi ba mươi năm, mọi điều đều đổi thay, chỉ có cây mít vẫn còn nơi chốn cũ. Những hè về thăm quê, nhìn lên cây thấy chi chít trái dẫu sau nàyđã có những cành sâu. Càng lâu năm, trái càng ngon ngọt đậm đà. Hàng xóm, người bán buôn muốn có một trái mít phải dặn phần từ lúc trái bằng vụm tay.
Dịch bệnh làm đứt đoạn những chuyến đi. Mùa hè về lại, ngõ vẫn dài và nắng đã mặc sức tung hoành trên lối đi bởi đã không còn tán lá. Những cành khô khẳng, trắng mốc, có lẽ đã trút lá từ rất lâu rồi, cả thân cây quãng một vòng tay ôm cũng không còn nhựa sống, vỏ cây xù xì, xác xơ; những tảng rêu, địa y xanh tốt ngày nào giờ bong tróc, khô queo. Nhưng thật lạ kỳ, sát mặt đất, mấy cành chồi vẫn vươn lên, tương phản và xanh mướt. Và những trái mít vặn vẹo, đầy sứt sẹo chỉ lớn bằng nắm tay vẫn gắng hiện diện để chào đón mùa hè. Mình vun đất và đã tin về vòng đời tiếp nối của những mầm chồi. Nhưng đến đầu đông về lại, gốc mít ngày nào chỉ còn lại một nhát cưa, bằng chằn chặn. Nhúm mùn cưa quanh gốc cũng đã khô. Những cành xum xuê thuở nào đã ngay ngắn thành những bó củi chất chồng, sẵn sàng cho một mùa đông.
Bóng cây nơi đầu ngõ đã không còn. Nhưng mình biết, cây mít đã sống một cuộc đời ba mươi lăm năm lộng lẫy. Ta sẽ nhớ mãi cây bởi điều gì? Bởi những múi mít giòn, lựng thơm, vàng ươm và ngọt đậm đà? Hay bởi dàn hợp xướng của bầy ve cùng cảm giác dịu mát khi ta ngồi trên suối lá Hoài Sơn, ngước nhìn lên vòm lá, hít hà mùi thơm của hoa mít đầu mùa. Ta vẫn nhớ, rất rõ, nhưng điều ta nhớ nhất, có lẽ là những gắng gượng của cành chồi non. Như Cha, người trồng cây thuở ấy, mang trọng bệnh trong người, dẫu đã thiêm thiếp tỉnh, mơ thì vẫn gắng gượng nén cơn đau mà đợi chờ, để được nắm đôi bàn tay đứa con ở xa về, rồi thanh thản khép hàng mi…