'Nhờ các chú bộ đội dạy học, bây giờ em đã biết viết tên mình rồi'

Đó là tâm sự của các em 'học sinh' đặc biệt ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An cho biết, sau hơn 3 tháng học chữ do các chú bộ đội giảng dạy.

Lớp học đặc biệt nơi bản nghèo

Trước đó, vào trung tuần tháng 8.2022, một lớp học “đặc biệt” được UBND huyện Quế Phong, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, Đồn Biên phòng Tri Lễ (thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An) tổ chức khai giảng cho các em “học sinh” là những người có độ tuổi từ 20-50 tuổi đã có gia đình.

Lớp học này đặc biệt bởi chính họ là những trụ cột của gia đình bị mù chữ nên được các cấp chính quyền tổ chức để xóa mù. Cũng vì thế, lớp học đặc biệt này được tổ chức tại bản Mường Lống – một bản làng xa xôi, khó khăn của xã Tri Lễ, huyện biên giới Quế Phong.

Lớp học đặc biệt được khai giảng trung tuần tháng 8.2022

Lớp học đặc biệt được khai giảng trung tuần tháng 8.2022

Bản Mường Lống 100% là bà con dân tộc Mông. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy, cây rừng, con cá dưới khe suối. Bản Mường Lống cách trung tâm xã Tri Lễ khoảng 30km; bản có 135 hộ dân với 800 nhân khẩu, trong đó có 99 hộ nghèo.

Để vào bản Mường Lống, cách duy nhất là đi xe máy mất khoảng 2 tiếng đồng hồ với thời tiết nắng ráo; còn khi gặp mưa gió thì điều khó khăn nhất là phải đi bộ vì đường trơn trượt, không thể đi xe máy, hoặc có đi cũng mất khá nhiều thời gian và không an toàn.

Cũng vì thế, để Mường Lống được đổi thay, các em học sinh được học con chữ, Nhà nước, chính quyền địa phương đã ưu tiên xây dựng nơi đây trường học đầy đủ từ lớp mầm non cho tới học sinh lớp 5 để giảng dạy.

Sau hơn 3 tháng học chữ, đến nay lớp học đặc biệt này, các học viên đã biết viết tên mình, biết đọc...

Sau hơn 3 tháng học chữ, đến nay lớp học đặc biệt này, các học viên đã biết viết tên mình, biết đọc...

Đối với những người mù chữ là bậc phụ huynh đã được các chiến sĩ Biên phòng tổ chức giảng dạy ngay trong bản.

Họ không ai khác là những chiến sĩ mang quân hàm xanh của Đồn biên phòng Tri Lễ, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đứng lớp dạy chữ cho đồng bào Mông nơi đây.

Chia sẻ với phóng viên, Thiếu tá Hồ Đình Trường, tổ trưởng trạm Biên phòng Mường Lống (thuộc Đồn biên Tri Lễ) đóng chân trên địa bàn bản Mường Lống, cho biết, lớp học đặc biệt ở đây có khoảng 50 người, đa số các "học sinh" là những người cao tuổi đến lớp với tâm lý e ngại, tự ti…

Thiếu tá Trường nói: “Có những gia đình rất khó khăn, tâm lý tự ti, e ngại, xấu hổ với bản thân vì cho rằng mình là người bố, người mẹ... thì không cần phải học nữa.

Tuy nhiên, qua một thời gian được anh em chiến sĩ động viên, phân tích tác hại của việc không biết chữ, nên đại đa số họ đều lắng nghe, chịu khó học và không còn mặc cảm nữa”.

“Cái khó của các học sinh này thường là cầm cuốc, cầm dao phát rẫy khá cứng cáp nên khi cầm bút viết chữ rất khó khăn. Nhưng qua một thời gian ngắn, chúng tôi đã “thuần” được các học sinh này biết viết, biết đọc”, Thiếu tá Trường chia sẻ thêm.

Cũng theo Thiếu tá Trường, đến nay sau hơn 3 tháng, đại đa số các học viên ở lớp xóa mù này đã đọc thông, viết thạo được nhiều chữ. Ban đầu nhiều học viên e ngại, song qua một thời gian, đến nay có nhiều học viên cũng tha thiết xin được vào lớp để được học con chữ với mong muốn phục vụ cho việc giao tiếp và bản thân, gia đình và người ngoài", Thiếu tá Hồ Đình Trường chia sẻ thêm.

Hàng ngày, cùng với nhiệm vụ tuần tra biên giới, các chiến sỹ biên phòng Tri Lễ còn đến tận nhà dân, lên tận nương rẫy để trò chuyện và tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học chữ. Cùng với dạy chữ xóa mù, lớp học còn kết hợp tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ăn ở hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Thượng úy Xồng Bá Rống - nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tri Lễ chia sẻ: “Qua khảo sát phát hiện trên địa bàn bản Mường Lống tỉ lệ người mù chữ rất cao; trong đó nhất là chị em phụ nữ không được đến trường từ trước tới nay, việc giảng gặp khá nhiều khó khăn. Tôi là người bản địa trực tiếp lên lớp nên phần nào truyền tải được nhiều kiến thức hơn, họ cũng dễ hiểu hơn. Đến nay, họ đã biết đọc biết viết, biết sử dụng điện thoại thông minh, biết cộng, trừ, nhân, chia...”.

Lớp học ban đêm vang vọng nơi núi rừng

Mường Lống những ngày này thời tiết nơi đây có lúc nhiệt độ xuống khoảng 15 độ C. Tiết trời ở đây khá lạnh, nhưng mỗi tối, lớp học đặc biệt lại đồng thanh vang lên giữa núi rừng tiếng đọc ý a, ý ớ, chưa sõi tiếng phổ thông của các chị, các mẹ, các bố...

Chị Thò Y Dâu (25 tuổi), bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cho biết, ngày xưa không được đi học nên giờ không biết gì. “Bây giờ ta làm mẹ rồi mới được đi học đây. Không biết viết, biết đọc, khổ lắm. Rất may, có các chú bộ đội dạy nên ta phải đi học bằng được. Giờ thì ta đã biết đọc, biết viết tên mình rồi đó”.

Chiến sĩ Biên phòng Tri Lễ lên lớp

Chiến sĩ Biên phòng Tri Lễ lên lớp

"Ngày xưa thì khác lắm, bây giờ mà không biết cái chữ thì thiệt thòi lắm. Không biết cái chữ, con số thì cái bụng ta không ấm, không no lên được đâu. Thấy các chú bộ đội nói đi học nên ta phải đi xem như thế nào. Ban đầu học cũng khó lắm, nhưng giờ thì ta đã biết đọc rồi, biết viết tên mình nữa đó, rất cảm ơn Đảng và Nhà nước”, bà Và Thị Pó (52 tuổi, trú bản Mường Lống) chia sẻ.

Đến nay sau hơn 3 tháng giảng dạy, các học sinh đặc biệt với những bàn tay thô sần lâu nay vốn chỉ quen cầm cuốc, cầm dao phát rẫy, thì giờ họ đã biết cầm bút, tự viết được tên mình, biết lưu tên thoại, gọi điện, nhắn tin, áp dụng một số thứ trong lao động sản xuất, sinh hoạt gia đình.

Thượng tá Hồ Thanh Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết, để không ảnh hưởng nhiều đến lao động sản xuất và sinh hoạt của bà con, lớp học được tổ chức vào các buổi tối.

“Các lớp học này được chúng tôi tổ chức vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Đều đặn, các chiến sĩ đều lên lớp, giảng dạy cho bà con từ 1-2 tiếng đồng hồ mỗi tối. Đến thời điểm này, các em học sinh đặc biệt này đã biết đọc, biết viết là chúng tôi vui mừng lắm”, Thượng tá Quang chia sẻ.

Với các chiến sỹ Đồn Biên phòng Tri Lễ, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc. Mà những thầy giáo mang quân hàm xanh còn mang con chữ đến với người dân Mường Lống, giúp đồng bào ở đây thay đổi cách nghĩ, cách làm, tăng gia sản xuất, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả.

Những đóng góp của những người lính ở dải biên cương đã góp phần làm ấm thêm tình quân dân nơi vùng cao biên giới Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Bài, ảnh: Thái Hòa

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/nho-cac-chu-bo-doi-day-hoc-bay-gio-em-da-biet-viet-ten-minh-roi-i310856/